Nếu vụ cháy cạnh viện Nhi Trung ương là sự cố chập điện, ông Hiệp “khùng” sẽ bị xử phạt như nào?
Liên quan đến vụ cháy cạnh viện nhi Trung ương, ngày 23/9, cơ quan công an vẫn đang điều tra, làm rõ vụ việc.
Trong chiều 22/9, cơ quan chức năng đã có kết quả bước đầu về công tác pháp y, khám nghiệm đối với 2 thi thể phát hiện trong vụ cháy nhà nghiêm trọng này.
Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân xảy ra vụ cháy là do chập điện trong khu trọ của ông Hiệp.
Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân ban đầu vụ cháy do chập điện. Điểm cháy xuất phát tại nhà ông Nguyễn Thế Hiệp (SN 1947, trú tại tổ 15 cụm 5 phường Ngọc Khánh).
Vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận, nhiều người đặt ra câu hỏi dãy trọ của ông Hiệp là nơi xảy ra vụ cháy, vi phạm quy định PCCC, vậy ông Hiệp sẽ bị xử lý như thế nào.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo Nghị định số 79 của Chính phủ quy định danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, dãy nhà trọ cấp 4 của ông Hiệp không thuộc danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC nên không bắt buộc phải lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động.
Khu vực hiện trường vụ cháy bị phong tỏa.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động thì chủ nhà và người thuê phải thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC như đối với hộ gia đình.
Trong vụ việc này đã xác định được nguyên nhân vụ cháy, giờ cần thiết là phải xác định được là lỗi của ai và do nguyên nhân khách quan hay chủ quan.
Trường hợp nguyên nhân cháy là do lỗi vô ý, bất cẩn của cá nhân sống trong dãy trọ ông Hiệp là nguyên nhân trực tiếp phát sinh hỏa hoạn gây hậu quả thiệt hại về tính mạng, tài sản thì sẽ có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Người này sẽ phải chịu trách nhiệm về vụ việc, ông Hiệp không phải chịu trách nhiệm.
Luật sư cho rằng, nếu vụ cháy do sự cố chập điện thì ông Hiệp không phải ngồi tù.
Trường hợp nguyên nhân cháy là hành vi cố ý phóng hỏa đốt nhà gây hậu quả thiệt hại về người và tài sản thì cá nhân đó sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội giết người và Tội hủy hoại tài sản.
Trường hợp, nếu có căn cứ xác định nguyên nhân gây hỏa hoạn là do chập cháy thiết bị điện trong phòng trọ được coi như trong hộ gia đình thì đây được coi là rủi ro khách quan.
Trong trường hợp này chủ nhà trọ không có lỗi gây ra hỏa hoạn, không bị xử lý hình sự, mà chỉ bị xử lý về vi phạm PCCC, về hành vi này ông Hiệp sẽ xử phạt hành chính.
"Sự cố hỏa hoạn xảy ra, nếu do chập điện là sự rủi ro trong sinh hoạt như hộ gia đình chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, việc ông Hiệp mở dãy phòng trọ dù là mục đích nhân ái thì cũng cần phải đăng ký hoạt động với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực kinh doanh.
Nhưng dù có thể ông Hiệp không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng việc bồi thường dân sự sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự. Khi đó, ông Hiệp phải có trách nhiệm thỏa thuận bồi thường cho các gia đình nạn nhân, trợ cấp nuôi con đến năm 18 tuổi", luật sư Thơm nói.
Cơ quan chức năng tìm thấy 2 thi thể sau vụ cháy.
Ông Thơm nói thêm nếu trường hợp ông Hiệp chưa thực hiện việc đăng ký kinh doanh thì có thể bị xử phạt hành chính về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.
Theo đó, sẽ phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
Ngoài ra, khi ông Hiệp cho khách vào ở qua đêm mà không khai báo tạm trú thì có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013.
Trước đó, khoảng 18h ngày 17/9, tại khu vực sau số nhà 889 đường Đê La Thành, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình (Hà Nội) đã xảy ra cháy, sau đó lan sang 8 nhà liền kề mặt đường Đê La Thành (từ số nhà 891 đến 907 và khu vực dốc Bệnh viện Nhi Trung ương).
Theo báo cáo của UBND quận Ba Đình, vụ cháy đã làm 19 căn nhà bị cháy, ảnh hưởng đến 31 hộ dân và 99 nhân khẩu. Trong số những ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi vụ cháy có khu nhà trọ ông Hiệp cho những bệnh nhân nghèo đang điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương thuê trọ.
Ngọc Thắng