Nếu biết mẹ bầu Tây cả thai kì chỉ siêu âm chừng này lần, chắc mẹ Việt sẽ bất ngờ
Siêu âm là một trong những việc cần làm để theo dõi sự phát triển của thai nhi, về chiều dài, cân nặng, cũng như tầm soát, phát hiện những vấn đề về sức khỏe nhằm can thiệp điều trị kịp thời hay xác định ngày dự sinh của mẹ, vị trí thai ngôi mông hay ngôi đầu, dây rốn có quấn cổ thai nhi hay không. Đó là với bác sĩ.
Còn với bố mẹ, siêu âm là một cách để họ có thể gần gũi con, cảm nhận được sự tồn tại của con. Hầu hết các mẹ đều có chung cảm nhận rằng nhìn thấy con trên màn hình siêu âm, nghe tiếng tim thai đập những nhịp khỏe mạnh, họ đều rưng rưng một cảm giác khó tả. Nhiều mẹ cho biết, đôi lúc, họ như bị “nghiện” được đi siêu âm, vừa được nhìn thấy con, vừa xác định tình trạng sức khỏe con. Thế nên mỗi khi đi khám thai, nhiều mẹ vẫn hay đề nghị được siêu âm theo dõi con.
Siêu âm là một trong những việc cần làm để theo dõi sự phát triển của thai nhi (Ảnh: Internet)
Nhưng liệu có cần thiết phải siêu âm nhiều đến thế hay không. Thực tế tại Mỹ, các mẹ bầu chỉ siêu âm khoảng 3 đến 4 lần trong suốt thai kì mà thôi. Đó là những cột mốc quan trọng để kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe của thai nhi.
Từ 6 đến 8 tuần
Đây là lần đầu tiên mẹ sẽ được siêu âm để kiểm tra. Thông thường, ở giai đoạn này, mẹ bầu sẽ được yêu cầu uống nước thật nhiều, để cho bàng quang căng lên bởi sóng siêu âm sẽ hoạt động tốt hơn khi xuyên qua chất lỏng. Cách siêu âm các bác sĩ hay dùng cho mẹ bầu trong giai đoạn này của thai kì là siêu âm đầu dò, đi qua âm đạo và theo dõi tử cung.
Đây sẽ là lúc các bác sĩ nghe nhịp tim thai, ước lượng tuổi thai bằng cách đo chiều dài từ đầu đến chân. Từ bài kiểm tra này, các bác sĩ sẽ xác định chính xác hơn ngày dự sinh và theo dõi những cột mốc suốt thai kì của bạn. Đây cũng là lúc các bác sĩ xác định xem mẹ có mang thai ngoài tử cung hay không.
Từ 11 đến 13 tuần
Giai đoạn này, các bác sĩ sẽ tiến hành cho mẹ bầu làm xét nghiệm máu, siêu âm độ mờ da gáy để xác định xem thai nhi có mắc phải hội chứng Down hay không hay khuyết tật nào đó về tim. Các bác sĩ có thể siêu âm qua thành bụng chứ không bằng đầu dò qua âm đạo nữa.
Giai đoạn này, các bác sĩ sẽ tiến hành cho mẹ bầu làm xét nghiệm máu, siêu âm độ mờ da gáy để xác định xem thai nhi có mắc phải hội chứng Down hay không hay khuyết tật nào đó về tim (Ảnh: Internet)
Ở những bệnh viện có công nghệ cao, các bác sĩ sẽ áp dụng siêu âm 3D để cung cấp hình ảnh chính xác hơn về thai nhi, đánh giá sự phát triển, tăng trưởng của thai nhi, cũng như dị tật trên gương mặt hay khuyết tật ống thần kinh.
Tuần 18 đến tuần 20
Lần siêu âm này được các bác sĩ dùng thuật ngữ chuyên môn là “chụp giải phẫu”, sẽ kéo dài từ 20 đến 45 phút nếu bạn chỉ mang đơn thai, dài hơn nếu đa thai. Đây là lúc để các bác sĩ đánh giá toàn diện trước khi em bé chào đời về sự phát triển của thai nhi và đảm bảo thai nhi phát triển hoàn toàn bình thường.
Bác sĩ sẽ kiểm tra nhịp tim, tìm những bất thường trong não, tim, thận và gan. Họ cũng sẽ đếm ngón chân, ngón tay, kiểm tra khuyết tật bẩm sinh, nhau thai, do lượng nước ối. Giai đoạn này sẽ có vài bệnh viện công nghệ cao cho siêu âm 3D, cho bạn cái nhìn rõ hơn về mũi, cấu trúc xương của thai nhi.
Từ 20 tuần trở đi
Với nhiều phụ nữ mang thai, lần siêu âm cuối cùng của họ là vào tuần thứ 20 thai kì. Nhưng với những người mẹ trên 35 tuổi, các bác sĩ sẽ muốn siêu âm trong tam cá nguyệt thứ 3 để theo dõi sự tăng trưởng của thai nhi, kiểm tra lượng nước ối, có chảy máu hay không, hay có co thắt sớm hay không. Ngoài ra, những bà mẹ có những vấn đề trong các lần kiểm tra trước đó sẽ được cho siêu âm vào giai đoạn này.
Với những người mẹ trên 35 tuổi, các bác sĩ sẽ muốn siêu âm trong tam cá nguyệt thứ 3 để theo dõi sự tăng trưởng của thai nhi, kiểm tra lượng nước ối, có chảy máu hay không, hay có co thắt sớm hay không (Ảnh: Internet)
Trong trường hợp mẹ bị tiểu đường thai kì, các bác sĩ sẽ chỉ định cho siêu âm Doppler ở những tuần cuối thai kì để đo lưu lượng máu và huyết áp, xác định xem bé có đủ lượng máu trong cơ thể hay không.
(Nguồn: parents)
Newben