Nền kinh tế số 1 thế giới ưa chuộng một loại sản phẩm đồ gỗ made in Việt Nam
Ảnh minh họa |
Xuất khẩu sản phẩm đồ nội thất phòng ngủ tăng 27,6%
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7/2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 627,817 triệu USD, so với nửa đầu tháng 7/2023 tăng 23%.
Lũy kế đến ngày 15/7, xuất khẩu nhóm hàng này mang về 8,125 tỷ USD, tăng 23,74% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm gỗ đạt 5,526 tỷ USD, tăng 23,59% so với cùng kỳ.
Cục Xuất nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu phục hồi từ các thị trường xuất khẩu chính, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm nay. Trong đó, xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ tăng 27,6% so với cùng kỳ, mang về 926,6 triệu USD.
Mỹ vẫn giữ vị trí thị trường số 1 về nhập khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam, đạt 4,1 tỷ USD, tăng 24,5% so với nửa đầu năm ngoái. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu nhóm hàng này vào Mỹ có sự tăng trưởng dần theo các tháng với nhiều tín hiệu tích cực.
Đáng chú ý, Mỹ - thị trường nhập khẩu lớn nhất đồ nội thất phòng ngủ nhất tăng trưởng mạnh, góp phần thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm này tăng trưởng tích cực, chiếm tới 80,6% trong tổng trị giá xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay. Ngoài Mỹ, xuất khẩu mặt hàng này tới các thị trường khác, như: Nhật Bản, Canada, Anh, Hàn Quốc, Úc… cũng tăng trưởng mạnh.
“Nửa đầu năm nay, kinh tế thế giới phục hồi nhưng còn chậm, còn đối mặt nhiều bất ổn và khó dự báo. Song, đơn hàng của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ tăng trưởng đến 22% so với cùng kỳ, thậm chí có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến gần hết năm. Trong đó, hoạt động xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao, cho thấy nhóm sản phẩm này của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường”, đại diện Cục XNK nói.
Những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế số 1 thế giới trong nửa cuối năm nay sẽ góp phần thúc đẩy ngành hàng này tiếp đà tăng trưởng 2 con số.
Cụ thể, thị trường nhà ở tại các thị trường lớn thường hoàn thiện vào những tháng cuối năm là yếu tố chính góp phần thúc đẩy nhu cầu đồ nội thất phòng ngủ tăng; Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã dừng tăng lãi suất, sức mua của người tiêu dùng sẽ hồi phục, trong đó có nhu cầu về đồ nội phòng ngủ; Lạm phát được kiểm soát tại các thị trường lớn, tạo động lực cho hoạt động tiêu dùng tăng sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, trong đó có gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan.
Cước vận chuyển hàng hoá container đi châu Âu, Mỹ đang có xu hướng tăng mạnh
Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít thách thức đối với hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Xung đột địa chính trị tiếp tục căng thẳng đẩy giá cước vận tải lên cao. Từ đầu năm 2024, khi đơn hàng bắt đầu trở lại, doanh nghiệp chưa kịp mừng đã phải đối mặt với nỗi lo giá cước vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang châu Mỹ, châu Âu đã tăng cao. Đây là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành chế biến gỗ.
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, do tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ, vận tải đường biển chuyển hướng qua mũi Hảo Vọng (châu Phi) khiến thời gian vận chuyển kéo dài, cước tàu tăng do kênh đào Suez là tuyến đường ngắn nhất vận chuyển từ châu Á sang châu Âu.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, thống kê từ đầu tháng 6/2024, giá vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển đi các nước châu Âu, Mỹ đang có xu hướng tăng mạnh, chỉ số container thế giới tăng 12% đến 4.716 USD/container 40 feet.
Ghi nhận sơ bộ từ các doanh nghiệp trong ngành cho thấy, giá cước vận chuyển từ Việt Nam sang các thị trường trên từ 4.000 - 4.500 USD/container, và bị áp phụ phí khoảng 1.500 - 3.000 USD/container.
Tính tổng chi phí trả cho 1 container hàng trong 1 tháng qua, cước phí vận chuyển đi Bờ Tây nước Mỹ đang tăng 70%. Riêng hàng đông lạnh đi châu Âu đang tăng gần 4 lần.
Không chỉ cước, các phụ phí cũng đang leo thang, tăng không báo trước khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu bức xúc. Căng thẳng Biển Đỏ còn kéo theo tình hình thiếu container rỗng, giá container rỗng cao, thời gian vận chuyển kéo dài khiến chuỗi cung ứng bị đảo lộn, chậm trễ.
Chưa kể, những biến động trên thế giới cũng khiến giá dầu thô tăng, ảnh hưởng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Không chỉ logistics, một áp lực không nhỏ khác, tác động trực tiếp đến giá thành là nguyên liệu cũng đang trên đà tăng.