NASA xác nhận rằng động cơ điện từ bất khả thi EM Drive hoạt động được
Sau cả tháng giời mong ngóng với những tài liệu nghiên cứu bị rò rỉ ra ngoài thì cuối cùng, NASA cũng đã chính thức công bố báo cáo kết quả nghiên cứu động cơ điện từ EM Drive.
Và họ kết luận rằng, ĐỘNG CƠ NÀY HOẠT ĐỘNG ĐƯỢC.
Phòng thí nghiệm Eagleworks của NASA đã thử nghiệm và chứng minh được rằng EM Drive có tạo ra một lực đẩy, một lực đẩy trái với mọi quy luật vật lý mà ta biết.
Giải ngố chút nếu như bạn chưa biết, động cơ điện từ EM Drive là một động cơ đẩy lý thuyết được đưa ra bởi nhà phát minh người Anh, ông Roger Shawyer hồi năm 1999.
Thay vì sử dụng nhiên liệu tên lửa nặng nề và tốn kém, EM Drive sẽ sử dụng các photon vi sóng va đập liên tục trong khoang của mình để tạo ra lực đẩy.
Theo như tính toán của ông Shawyer, EM Drive sẽ có thể đưa chúng ta lên tới Sao Hỏa trong thời gian vỏn vẹn 70 ngày.
Điều duy nhất khiến cho công nghệ này không vận dụng được, đó là nó đi ngược lại với những quy luật vật lý mà ta vẫn biết.
Theo Newton: Trong mọi trường hợp, khi vật A tác dụng lên vật B một lực, thì vật B cũng tác dụng lại vật A một lực. Hai lực này có cùng giá trị, cùng độ lớn, nhưng ngược chiều.
Điều đó có nghĩa rằng để một động cơ có thể “đẩy” được, nó phải đẩy thứ gì đó ra để có thể tiến về phía trước. Như trong vũ trụ, thì thứ đó chính là nhiên liệu đốt. Nhưng EM Drive lại hoạt động mà không cần tới nhiên liệu, nó hoạt động nhờ photon vi sóng nảy qua lại trong một lồng chứa kín bằng kim loại. Chuyển động hạt đó khiến cho EM Drive tạo ra lực đẩy, đưa “đầu nhọn” hướng về phía trước.
Thử nghiệm này qua thử nghiệm khác, động cơ này vẫn hoạt động dù bản thân nó là một nghịch lý và năm ngoái, Phòng thí nghiệm Eaagleworks chính thức đưa động cơ này vào thử nghiệm, một lần duy nhất để chứng minh/bác bỏ lý thuyết về động cơ này.
Chúng ta đã có kết quả chính thức.
Báo cáo đã được xét duyệt mang tên “Đo đạc Lực đẩy của Tần số radio gần trong khoảng không - Measurement of Impulsive Thrust from a Closed Radio-Frequency Cavity in Vacuum” đã được đăng tải bởi Viện Hàng không và Du hành vũ trụ Mỹ.
Nó có những phần giống với bản báo cáo bị lộ ra hồi đầu tháng này, và hiển nhiên kết quả của nó cũng giống nhau: EM Drive tạo ra được lực đẩy trong chân không bằng 1,2 millinewtons với mỗi kilowatt.
So sánh để dễ hình dung, động cơ đẩy siêu mạnh Hall có thể tạo ra 60 millinewton/kilowatt. Nhưng Hall cần tới một lượng rất lớn nhiên liệu tên lửa để hoạt động, chưa kể cân nặng lớn khiến sức mạnh của nó bị kéo lại phần nào.
Động cơ đẩy Hall.
Đội ngũ nêu rõ rằng họ không cố gắng tối đa hóa hiệu năng của những động cơ này. Họ chỉ cố gắng chứng minh động cơ không tưởng này có thể hoạt động được và họ đã làm được điều đó, ta sẽ có những ứng dụng cho động cơ điện từ này.
Và một điều cực kì đáng ngạc nhiên và nhiều phần không rõ ràng nữa là “Các định luật vật lý của ta liệu có phải là chuẩn xác?”, khi mà NASA đã chứng minh được rằng EM Drive – động cơ đi ngược lại với quy luật Newton – thực sự hoạt động?
Giả thuyết mà NASA đưa ra là:
“Hình mẫu vật lý khiến đã được chứng kiến trong thử nghiệm này có thể được xếp hạng vào giả thuyết pilot-wave”. Một giả thuyết nhằm vào việc giải thích cơ học lượng tử bằng thuyết tiền định (thuyết định mệnh) mà không cần động chạm tới tính đối ngẫu của sóng-hạt hay nghịch lý mèo Schrödinger nổi tiếng.
Nói bằng ngôn ngữ dễ hiểu, đó là:
Hiện tại, ta đang chấp nhận bản chất của trạng thái cơ học lượng tử là các hạt không tồn tại một địa điểm cho trước, cho tới khi chúng được quan sát và phân tích.
Thuyết pilot-wave cho rằng vào mọi lúc, các hạt đều tồn tại ở một vị trí chính xác nhưng để thuyết này thực sự tồn tại, bản chất thế giới chúng ta phải hoạt động khác và đó là lý do vì sao nhiều nhà vật lý không chấp nhận thuyết pilot-wave.
Những năm gần đây, thuyết pilot-wave đã được chú ý tới nhiều hơn và NASA cho rằng chính thuyết này sẽ chứng minh được lý do động cơ EM Drive có thể hoạt động được
“Nếu như chân không có thể biến đổi và suy giảm, ta sẽ có thể thử nghiệm trên nó và lấy thông tin từ nó, từ đó ta có thể tiến tới việc đẩy xa hơn những giới hạn của chân không lượng tử và sẽ vẫn giữ nguyên vẹn được luật bảo toàn năng lượng và luật bảo toàn động lượng”, đội ngũ các nhà khoa học tại NASA viết trong báo cáo.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là phỏng đoán, một cách giải thích cho sự “kì diệu” của động cơ EM Drive. Vẫn cần tiến hành những thử nghiệm khác, để chứng minh rằng “làm thế nào mà nó lại hoạt động được”.
Nhiều thành viên trong cộng đồng khoa học vẫn nhìn động cơ EM Drive với một con mắt khác: họ không tin tưởng rằng EM Drive có thể tạo ra lực đẩy. Nhưng với bản báo cáo được xét duyệt mới này, EM Drive sẽ chuyển từ khoa học giả - khoa học lý thuyết sang thứ gì đó đáng để thực sự bỏ công nghiên cứu.
Bước tiếp theo sẽ là thử nghiệm EM Drive trên vũ trụ, dự án này hiện đã được chuẩn bị những bước đầu rồi. Nếu như nó tạo ra lực đẩy trong môi trường ngoài Trái Đất, toàn bộ cộng đồng khoa học sẽ phải có một cái nhìn khác về động cơ này.
Bạn có thể đọc toàn bộ bản báo cáo nghiên cứu khoa học tại đây.
Tham khảo ScienceAlert