Nạn nhân của mua bán người được hỗ trợ y tế, học nghề
Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai tiếp nhận nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc do Trạm Kiểm soát Biên phòng Hà Khẩu, Tổng đội Công an Biên phòng tỉnh Vân Nam, Trung Quốc trao trả. Ảnh: TN |
Thông tư nêu rõ nội dung và mức chi chế độ hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân. Theo đó, chi hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại gồm: Hỗ trợ tiền ăn trong thời gian nạn nhân tạm trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo mức hỗ trợ đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Thời gian hỗ trợ không quá 03 tháng.
Đồng thời hỗ trợ quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết. Chi tiền tàu xe và tiền ăn cho nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú nhưng không có khả năng chi trả. Tiền ăn trong những ngày đi đường: tối thiểu 70.000 đồng/người/ngày.
Về chi hỗ trợ y tế, đối với nạn nhân chưa có thẻ bảo hiểm y tế: trong thời gian lưu trú tại cơ sở được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.
Trường hợp nạn nhân bị ốm nặng phải chuyển đến cơ sở y tế điều trị thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế thực hiện theo quy định của pháp luật bảo hiểm y tế.
Trường hợp nạn nhân chết trong thời gian lưu trú tại cơ sở, sau 24 giờ, kể từ khi có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền mà thân nhân không đến kịp hoặc không có điều kiện mai táng thì cơ sở có trách nhiệm tổ chức mai táng. Chi phí giám định pháp y, chi phí mai táng thực hiện theo quy định đối với đối tượng tại các Trung tâm bảo trợ xã hội.
Chi hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu
Nạn nhân được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP và Nghị định số 145/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Trường hợp nạn nhân học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng được hỗ trợ một lần chi phí học nghề. Mức hỗ trợ theo chi phí đào tạo nghề ngắn hạn tương ứng tại các cơ sở đào tạo nghề ở địa phương nhưng tối đa không vượt quá mức quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng.
Chi hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú mức tối thiểu là 1.000.000 đồng/người (hộ nghèo được hỗ trợ là hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập).
Trong thời gian chờ xác minh và làm các thủ tục giấy tờ cần thiết để về nước, trong trường hợp nạn nhân không có khả năng chi trả được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại theo quy định tại Điều 33 Luật phòng, chống mua bán người. Nội dung và mức hỗ trợ cụ thể như sau:
Tiền ăn, chỗ ở tạm thời cho nạn nhân; Hỗ trợ quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết, trợ giúp phương tiện đi lại tại nước sở tại và các chi phí cần thiết khác liên quan đến cấp giấy tờ, làm thủ tục về nước như: lệ phí lưu trú quá hạn, lệ phí sân bay, lệ phí cấp giấy tờ về nước, chi phí bảo đảm an ninh, chi phí dịch thuật. Mức chi do Thủ trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quyết định và theo chứng từ chi tiêu thực tế trên tinh thần tiết kiệm nhất.
Chi phí mua vé máy bay, tàu, xe đối với nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú mà không có khả năng chi trả (do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mua và cấp cho nạn nhân) theo giá vé phương tiện công cộng thông thường để đưa nạn nhân về đến cửa khẩu, biên giới đường không, đường bộ, đường thủy.
Trong thời gian chờ thu xếp về nước, nếu nạn nhân bị ốm phải điều trị tại các bệnh viện sở tại thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tập hợp các khoản chi phí kèm theo chứng từ cần thiết theo quy định để xem xét hỗ trợ chi trả cho từng trường hợp cụ thể. Trường hợp nạn nhân chết thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xem xét, hỗ trợ chi phí mai táng/hỏa táng hoặc chi phí vận chuyển thi hài/di hài nạn nhân về nước theo cước phí vận chuyển thực tế với mức chi phí tiết kiệm nhất.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020.