Năm 2018, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,8%
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa công bố Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2017. Đồng thời, đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2018.
Cụ thể, trong năm qua, kinh tế nước ta tăng trưởng ấn tượng ở mức cao trong khu vực (6,7%) trong khi ổn định vĩ mô tiếp tục được duy trì, lạm phát dự báo khoảng 3,15%. Tăng trưởng kinh tế ghi nhận sự cải thiện cả về phía tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế.
Về phía cung, khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức cao, nông lâm thủy sản phục hồi; cơ cấu kinh tế tăng tỷ trọng các ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị tăng cao, năng suất lao động tăng lên. Về phía cầu, tiêu dùng hộ gia đình gia tăng khá, đầu tư ngoài nhà nước (tư nhân và nước ngoài) tăng mạnh mẽ, nhu cầu bên ngoài phục hồi là lực đỡ cho các ngành theo hướng xuất khẩu, nông nghiệp và giúp công nghiệp chế biến chế tạo tăng khá.
Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2017. (Ảnh nguồn internet)
Theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 đã được hỗ trợ tích cực bởi 3 nhân tố chủ đạo. Thứ nhất, môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện tích cực, vốn đầu tư trực tiếp đăng ký tăng trên 50% và vốn gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh nhất kể từ năm 2011. Thứ hai, khu vực tư nhân tiếp tục là động lực của tăng trưởng với số lượng doanh nghiệp đăng ký đạt kỷ lục trên 125 nghìn doanh nghiệp và tăng 40% về vốn. Thứ ba, nền tảng tài chính đang ngày càng được củng cố hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng.
Theo đó, cung ứng vốn của hệ thống tài chính tăng khá (28,6%) với sự gia tăng tỷ trọng từ thị trường vốn (từ mức 28% năm 2016 lên mức 33,4%). Sự mất cân đối về cơ cấu từ khá lâu của thị trường tài chính được cải thiện, thị trường vốn huy động giúp huy động vốn trung và dài hạn nhiều hơn cho nền kinh tế; các rủi ro về kỳ hạn được giảm thiểu. Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất khu vực và nằm trong số 5 thị trường tăng trưởng hàng đầu thế giới. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt xấp xỉ 66% GDP, gấp hai lần năm 2015.
Báo cáo cũng đánh giá thị trường tiền tệ năm 2017 khá ổn định và dòng vốn tín dụng vào mục tiêu sản xuất kinh doanh nhiều hơn. Thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định giúp hỗ trợ xuất khẩu vàtăng dự trữ ngoại hối ở mức kỷ lục 47 tỷ USD. Quá trình tái cơ cấu đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng: Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Hệ thống ngân hàng đã tự xử lý khoảng 70 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 40% so với năm 2016. Lợi nhuận của hệ thống ngân hàng thương mại tăng lên trên 40%, tạo điều kiện giảm lãi suất trong thời gian tới.
Theo ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia, năm 2017 là thời gian chứng kiến nhiều tăng trưởng vượt bậc về số lượng cũng như sự cải thiện về chất lượng. Hành động quyết liệt của Chính phủ đã góp phần tạo ra những động lực phát triển kinh tế.
“Những kết quả trên có được chủ yếu do thực thi chính sách hỗ trợ từ phía cung nền kinh tế, chính sách cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích khởi tạo doanh nghiệp, thực thi chính sách hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp trong những năm gần đây”, lãnh đạo NFSC nói.
Theo dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6,8% trong năm 2018. (Ảnh minh họa)
Sang năm 2018, NFSC dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại tiếp tục được duy trì song ở mức độ không nhiều như năm 2017, giá cả hàng hóa thế giới ít biến động. Chính sách tiền tệ dần thắt chặt, chính sách tài khóa tiếp tục chú trọng cải cách thuế và kiểm soát chi tiêu.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo, tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt 6,5 – 6,8%. Theo đó, 6,5% là mức tăng trưởng tối ưu không gây áp lực lên lạm phát, tăng trưởng 6,8% là mức có thể đạt được khi các biện pháp kích cầu được áp dụng, nhưng sẽ gây áp lực lạm phát cầu kéo cho năm 2018. Bên cạnh đó, nếu các chính sách cải thiện cùng phát huy tác dụng thì dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt mức cao hơn.
Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhận định, nền kinh tế vẫn sẽ đối mặt nhiều khó khăn năm 2018. Đó là thương mại toàn cầu nói chung và xuất khẩu của Việt Nam nói riêng sẽ chịu tác động bởi sự thay đổi chính sách thương mại của Mỹ.
Ở trong nước, các vấn đề nội tại của nền kinh tế như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá.
Xét về dài hạn, Ủy ban này cho rằng, dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra, lợi thế cạnh tranh giữa các nước sẽ thay đổi nhanh hơn theo chiều hướng các nước có trình độ công nghệ cao sẽ hưởng lợi nhiều nhất, trong khi lợi thế về lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên sẽ giảm.
Minh Anh