Na Uy giúp Việt Nam "đọc" sóng biển bằng công nghệ số
Mưa lớn tại tỉnh Bến Tre cùng triều cường gây ngập úng. Ảnh: TTXVN |
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các thiên tai có nguồn gốc từ biển như sóng lớn trong bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa, nước dâng do bão tại ven biển Bắc và Bắc Trung Bộ, triều cường cao tại ven biển Trung và Nam Bộ có xu hướng gia tăng cả về tần suất và cường độ. Hệ quả của chúng là hiện tượng ngập lụt, xói lở bờ biển và xâm nhập mặn sâu trong nội đồng, thậm chí dẫn đến tai nạn trên biển làm thiệt hại nặng nề về người, tài sản, gây ô nhiễm môi trường.
Từ năm 2013 đến nay, được sự hỗ trợ tích cực của Bộ Ngoại giao Na Uy, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã hợp tác với Viện Khí tượng Na Uy thực hiện nhiều hoạt động hợp tác, nhằm tăng cường công nghệ dự báo và năng lực cho đội ngũ cán bộ của Tổng cục Khí tượng Thủy văn.
Một trong những hoạt động nổi bật được Viện Khí tượng Na Uy thực hiện trực tiếp là hỗ trợ các dự báo viên Việt Nam khai thác, sử dụng phần mềm hỗ trợ dự báo Diana, mô hình dự báo biển ROMS, OpenDrift.vậy, cần thiết phải có công nghệ hiện đại phục vụ cảnh báo, dự báo các thiên tai hải văn.
Đại diện Cơ quan Khí tượng Na Uy (trái) bàn giao máy tính đã cài phần mềm ROMS và các công cụ khác phục vụ công tác dự báo biển cho đại diện Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam. Ảnh: Báo TN & MT |
Nhờ sự hỗ trợ tích cực từ phía Na Uy, công nghệ dự báo sóng, nước dâng do bão và gió mùa, công nghệ dự báo lan truyền các chất ô nhiễm và vật thể trôi trên biển phục vụ phòng tránh thiên tai và xây dựng các phương án ứng phó với sự cố trên biển đã và đang được áp dụng tại Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực có biển. Nhờ đó, chất lượng các bản tin dự báo thời tiết biển được cải thiện đáng kể, các thiên tai hải văn như sóng lớn, nước dâng và triều cường được cảnh báo kịp thời, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn khẳng định.
Theo Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Grete Lochen, cả Việt Nam và Na Uy đều là những quốc gia ven biển. Cả hai nền kinh tế đều phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế biển bền vững, dầu khí, thủy sản, hải sản, vận tải biển. Phần lớn dân số đang sống dọc theo bờ biển và quá trình đô thị hóa chủ yếu diễn ra ở các khu vực ven biển.
“Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang và sẽ tiếp tục xảy ra và chúng có thể còn tồi tệ hơn nhiều. Đó là lý do hợp tác kỹ thuật giữa Na Uy và Việt Nam về dự báo biển là rất quan trọng”, bà Grete Lochen khẳng định.
Theo Đại sứ Na Uy, hoạt động hợp tác giữa Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam với Viện Khí tượng Na Uy không chỉ hỗ trợ dự báo sóng và nước dâng do bão, mà còn hỗ trợ sử dụng và khai thác các kết quả của mô hình tràn dầu, rác thải nhựa trên biển, trôi tàu và tìm kiếm cứu nạn, bao gồm tất cả từ ứng phó, hiểu, sử dụng và khai thác dữ liệu, các mô hình và các công cụ thời tiết khác một cách chính xác.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng các chuyên gia quốc tế thảo luận về dự báo sóng và nước dâng do bão, đánh giá chất lượng dự báo sóng bằng số liệu vệ tinh, công nghệ dự báo lan truyền các chất ô nhiễm và vật thể trôi trên biển.
Đây là một trong những hoạt động hiệu quả góp phần nâng cao năng lực dự báo biển cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia, dự báo viên hải văn của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, nâng cao hiệu quả phục vụ dự báo khí tượng thủy văn trên biển, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Xem thêm: Mưa lớn do bão Hagibis