Myanmar: Gần 400 người chết vì xung đột ở bang Rakhine
Quân đội Myanmar cho hay: các cuộc đụng độ và tấn công của quân đội nước này đã giết chết khoảng 370 phần tử nổi dậy người Rohingya, nhưng cũng có 13 nhân viên an ninh, 2 quan chức chính phủ và 14 thường dân thiệt mạng.
Từ trước đến nay, đây được coi là làn sóng bạo lực đẫm máu nhất liên quan tới dân tộc thiểu số theo đạo Hồi Ronhingya, cư trú tại bang Rakhine (Myanmar). Trước đó, năm 2012, tại Sittwe - thủ phủ của Rakhine, đã xảy ra tình trạng tương tự, khiến gần 200 người chết và khoảng 140.000 người phải rời bỏ nhà cửa.
Xung đột ngày một leo thang kể từ khi bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái, khi những nhóm nhỏ người Rohingya có vũ trang tấn công lực lượng an ninh. Kể từ đó, quân đội Myanmar đã mạnh tay trấn áp người Rohingya, di tản hơn 11.700 người dân tộc thiểu số khỏi khu vực có xung đột ở miền Bắc Rakhine.
Người tị nạn Rohingya tại biên giới chung Myanmar - Bangladesh. (Ảnh: Reuters)
Hôm qua (31/8), hơn 150 phần tử nổi dậy người Rohingya đã mở đợt tấn công mới nhằm vào lực lượng an ninh gần các ngôi làng bị người Hindu kiểm soát - tờ New Light của Myanmar cho biết, nói thêm rằng khoảng 700 người dân đã được sơ tán.
Theo một nguồn tin an ninh, có 4 trong số những kẻ khủng bố đã bị bắt giữ, trong đó có một nam thiếu niên 13 tuổi. Ngoài ra, có 2 người khác bị bắt gần đồn cảnh sát Maungdaw, Rakhine vì bị nghi có tham gia vụ tấn công.
Thống kê của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho thấy: chỉ 1 tuần sau khi nổ ra xung đột quân sự giữa lực lượng chính phủ Myanmar và người Rohingya ở Rakhine, đã có khoảng 38.000 người Rohingya vượt biên để tới nước láng giềng Bangladesh.
Cảnh sát Myanmar tuần tra tại Maungdaw, Rakhine hôm 31/8. (Ảnh: Reuters)
Quân đội Myanmar nói rằng họ đang chống lại "những kẻ khủng bố cực đoan" và sẽ đảm bảo an toàn cho thường dân. Tuy nhiên, những người Rohingya trốn sang Bangladesh cáo buộc quân đội chính phủ cố tình đàn áp, giết hại khiến họ buộc phải bỏ chạy.
Trong khi một số người Rohingya cố gắng vượt biên bằng đường bộ, số khác lại tìm cách vượt biển Naf để băng qua cả Myanmar và Bangladesh. Khoảng 20.000 người đang bị mắc kẹt ở khu vực biên giới không có người ở - LHQ cho hay.
Một quan chức thuộc lực lượng biên phòng Bangladesh cho biết: hôm nay (1/9), họ đã phát hiện thi thể của 15 người Rohingya, trong đó có 11 đứa trẻ, trôi trên sông. Theo đó, tổng số người Rohingya chết đuối khi vượt biên sang Bangladesh đã lên tới con số 40 người.
Hồng Anh