Mỹ trừng phạt Nga, đánh thuế đồng minh: Đồng đô la rơi vào nguy cơ bị "tẩy chay"
Đồng đô la Mỹ đang trở thành một công cụ thanh toán thiếu tin cậy trong thương mại quốc tế, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nhận định trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Sputnik.
Ông Siluanov cũng không loại trừ khả năng sử dụng đồng tiền của Nga thay vì đồng đô la trong việc mua bán dầu khí.
"Tôi không loại trừ khả năng đó. Chúng tôi đã giảm đầu tư đáng kể vào tài sản Mỹ. Trên thực tế, đồng đô la, vốn được xem như đơn vị tiền tệ quốc tế, đã trở thành một công cụ đầy rủi ro để thanh toán", ông Siluanov nhấn mạnh.
-
Chuyên gia: Trung Quốc sẽ dùng Biển Đông để "mặc cả" trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Bộ trưởng Tài chính Nga cũng chỉ ra rằng Chính phủ Nga không có ý định đóng cửa các công ty Mỹ ở Nga:
"Hiện nay, chúng tôi không hoạch định bất cứ phương án hạn chế hoặc đóng cửa nào, ví dụ như đóng cửa McDonald's, bởi các công ty này thuê mướn công dân của chúng tôi".
Đầu tháng 8, đồng rúp Nga đã lao dốc sau khi xuất hiện thông tin về lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga liên quan tới cáo buộc đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái tại Salisbury, Anh.
Theo truyền thông, gói trừng phạt đầu tiên sẽ có lệnh cấm xuất khẩu các thiết bị điện tử và các sản phẩm song dụng sang Nga, trong khi gói trừng phạt thứ hai có thể bao gồm động thái giảm bớt quan hệ ngoại giao, cấm các chuyến bay của Aeroflot tới Mỹ và gần như ngừng hoàn toàn hàng xuất khẩu của Mỹ.
Trước đó, các tranh cãi xung quanh đồng đô la đã nổi lên sau tranh chấp tài chính giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng gấp đôi mức thuế nhằm vào hàng nhập khẩu nhôm, thép từ Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ giá hối đoái của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi xuống mức kỷ lục, sụt hơn 16% so với đồng đô la Mỹ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gọi sự sụt giảm của đồng lira là "âm mưu tiền tệ" và khẳng định, Ankara sẵn sàng tẩy chay đồng đô la Mỹ và euro trong các giao dịch thương mại giữa nước này với các đối tác.
Thi Anh