Mỹ mâu thuẫn với Pakistan: Không có chuyện TT Trump "dọn cỗ sẵn" cho Trung Quốc
Lời cảnh tỉnh cho đồng minh chiến lược
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy không phê trách suông Pakistan trong tweet đầu tiên của năm 2018. Trong đó, ông Trump cáo buộc Pakistan chứa chấp và dung túng khủng bố với hàm ý chỉ Taliban.
Ông Trump còn cụ thể hơn khi cho rằng từ năm 2002 đến nay, Mỹ cung cấp cho Pakistan hơn 33 tỷ USD viện trợ quân sự mà chỉ nhận về "lừa đảo và dối trá" từ Pakistan. Gần như ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Mỹ ngừng viện trợ quân sự cho Pakistan, trước mắt khoảng 900 triệu USD dự kiến cho năm 2018.
Không phải chỉ có ông Trump hay chỉ đến thời chính quyền của ông Trump, phía Mỹ mới phê trách Pakistan là nhận viện trợ quân sự của Mỹ nhưng không giúp Mỹ thật lòng và hết sức chống khủng bố, đặc biệt là đối phó với Taliban ở Afghanistan.
Thời tổng thống Mỹ Barack Obama, Mỹ cũng đã từng tính đến chuyện dùng việc cắt giảm viện trợ quân sự cho Pakistan để gây áp lực buộc nước này đáp ứng mọi yêu cầu của Mỹ nhưng không thực hiện bởi e ngại sẽ bị lợi bất cập hại.
Trung Quốc không sẵn sàng thay thế Mỹ về viện trợ quân sự cho Pakistan. Ảnh: Getty
Nhưng ông Trump hành xử khác. Khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" của ông Trump đã bao hàm đầy đủ cách tư duy của ông là nếu không thu về được cái lợi lớn hơn cái giá phải trả thì ít nhất cũng không để bị thua lỗ. Theo đó, Pakistan nhận viện trợ của Mỹ thì phải phục vụ cho lợi ích của Mỹ hoặc ít nhất thì cũng không gây tổn hại tới lợi ích của Mỹ.
Pakistan là đồng minh chiến lược của Mỹ ở khu vực Nam Á nhưng Mỹ cho rằng nước này chỉ nửa vời trong cuộc chiến chống Taliban ở Afghanistan, chống chỉ ở mức độ cần thiết để trang trải với Mỹ, nhưng đồng thời lại hậu thuẫn như có thể để tiếp tục sử dụng Taliban ở thời hậu chiến tại Afghanistan.
Con bài Taliban này giúp Pakistan có được ảnh hưởng ở Afghanistan trong thời chiến tranh cũng như hoà bình, đồng thời giữ được giá trong quan hệ với cả Mỹ lẫn Trung Quốc bởi nước này luôn đóng vai trò cùng quyết định cho an ninh và ổn định ở Afghanistan cũng như khu vực Nam Á. Suy cho cùng thì ông Trump không hẳn phê trách Pakistan một cách vô lý.
Mỹ đưa ra quyết định giảm viện trợ quân sự cho Pakistan vào thời điểm hiện tại nhằm trước hết cảnh tỉnh Pakistan chớ nên chơi tiếp ván bài lá mặt lá trái và bắt cá nhiều tay với Mỹ. Việc này trở nên cần thiết đối với Mỹ vì Mỹ hiện phải dàn xếp chuyện hậu chiến ở Afghanistan và cần Pakistan là hằng số chứ không phải biến số.
Mỹ cần Pakistan nhưng biết là nước này lệ thuộc ở mức độ cao vào viện trợ quân sự của Mỹ và phải mất thêm thời gian không ngắn mới có thể tìm được nguồn khác lấp chỗ trống, về lâu dài cũng không có đối tác nào có thể thay thế được hoàn toàn viện trợ quân sự, công nghệ quân sự của Mỹ và hợp tác với Mỹ, kể cả Trung Quốc.
Phép thử cho Nga, Trung Quốc
Mục đích tiếp theo của Mỹ là phép thử đối với Trung Quốc và Nga xem họ thật lòng đến đâu với tuyên bố chung của nhóm BRICS đòi hỏi Pakistan tăng cường nỗ lực chống khủng bố.
Pakistan bị Mỹ gây khó khăn và không thể không tính cách hoá giải chuyện này. Nhưng chắc chắn Pakistan sẽ không đáp ứng hoàn toàn yêu sách của Mỹ mà sẽ vừa tranh thủ và tận dụng Mỹ, vừa tìm kiếm nguồn viện trợ quân sự mới từ Trung Quốc và vừa tăng ngân sách quốc phòng.
Cái khó đối với Pakistan là không đủ khả năng để tự tăng mạnh ngân sách quân sự và quốc phòng cũng như Trung Quốc không sẵn sàng thay thế Mỹ về viện trợ quân sự cho Pakistan, không phải không có, nhưng không thể nhiều.
Chiến lược xưa nay của Trung Quốc ở Pakistan và Afghanistan là để cho các đối tác khác gánh chịu việc đảm bảo an ninh trong khi Trung Quốc tập trung vào đầu tư phát triển như chương trình Vành đai và Con đường. Nó lợi hơn nhiều và ít rủi ro hơn nhiều đối với Trung Quốc.
Cho nên nếu nói quyết sách mới của Mỹ đối với Pakistan mở ra cơ hội mới cho Trung Quốc thì chỉ đúng phần nào và không phải cơ bản. Mỹ đâu có dễ dàng dọn cỗ sẵn cho Trung Quốc ở khu vực này như thế. Mỹ làm găng với Pakistan như thế cũng còn là cách thể hiện thái độ rõ ràng với Taliban.
Trong khi đó, cả Trung Quốc lẫn Nga và Pakistan đều muốn ôn hoà hơn với Taliban để "chính trị hoá" Taliban. Quyết sách mới của Mỹ sẽ làm khuấy đảo những chuyện này và trước mắt sẽ gây lo ngại thêm sâu sắc về an ninh ở Afghanistan và khu vực.
Tiêu đề đã được tòa soạn đặt lại.
Đại sứ Trần Đức Mậu