Mỹ dự chi 900 triệu USD cho việc bắn pháo hoa cho các lễ hội trong năm
Người dân Mỹ kỷ niệm ngày quốc khánh 4/7 với hàng loạt các hoạt động, trong đó tiêu biểu nhất là việc bắn pháo hoa tại gần 14.000 tụ điểm công cộng nổi tiếng. Theo các dự báo, Mỹ sẽ tiêu tốn hơn 900 triệu USD trong năm 2018 cho các màn bắn pháo hoa sôi động cùng những sản phẩm pháo khác, tuy nhiên hoạt động này phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung từ Trung Quốc.
"Khoảng 99% lượng pháo hoa cho mục đích cá nhân tại Mỹ hiện nay có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đối với mảng pháo hoa lễ hội chuyên nghiệp, khoảng 70% được sản xuất và nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc", Chủ tịch Julie Heckman của Hiệp hội pháo hoa Mỹ (APA) nói.
Do việc sản xuất pháo hoa khá độc hại và nguy hiểm, phần lớn các nhà máy tại Mỹ đẩy quy trình này sang những nước thứ 3 như Trung Quốc nhằm giảm chi phí cũng như tránh được sự thanh tra gắt gao của chính phủ về điều kiện an toàn sản xuất.
Trên thực tế, nghề pháo hoa tại Mỹ vốn phát triển ở miền Tây nước này với những công ty như American Fireworks, tuy nhiên đến năm 1976, nhu cầu pháo hoa ngày một cao đã khiến các nhà máy buộc phải nhập khẩu thêm sản phẩm từ Italy, Mexico và Trung Quốc.
Đặc biệt là Trung Quốc, pháo hoa được phát minh ra tại đây từ hơn 1.000 năm trước nên công nghệ cũng như kinh nghiệm làm sản phẩm này khá phát triển. Thêm vào đó, tiêu chuẩn lao động thấp cùng chi phí nhân công rẻ khiến việc nhập khẩu pháo hoa từ đây có lợi hơn rất nhiều so với tự sản xuất.
Trung Quốc chiếm 94% pháo hoa nhập khẩu vào Mỹ hiện nay
"Ngành sản xuất pháo hoa tốn khá nhiều chi phí cho nhân công. Việc các quy định lao động ngày một khắt khe cũng như người Mỹ ngày nay không hứng thú với những công việc thủ công bằng tay khiến quyết định nhập khẩu pháo hoa từ Trung Quốc khá hợp lý với những doanh nghiệp cần lợi nhuận", Chủ tịch Heckman nói.
Năm 2017, tỷ lệ pháo hoa xuất khẩu so với nhập khẩu tại Mỹ đạt mức 40/1, một con số kỷ lục. Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Trung Quốc là nguyên nhân gây ra thâm hụt thương mại nhưng ngành pháo hoa chưa vào tầm ngắm và các doanh nghiệp vẫn ưa nhập khẩu hàng từ Châu Á hơn là tự sản xuất.
Những doanh nghiệp kinh doanh pháo hoa tại Mỹ cảnh báo việc áp hàng rào thuế quan lên mặt hàng này có thể khiến toàn ngành rơi vào khủng hoảng. Nhu cầu pháo hoa tại Mỹ vẫn ngày một tăng khi nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng tốt, qua đó kích thích các lễ hội cũng như những buổi tiệc trên toàn quốc.
Các công ty sản xuất và kinh doanh pháo hoa tại Mỹ đã phải tuyển thêm nhân viên liên tục trong những năm gần đây khi nhu cầu sử dụng pháo hoa của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức cùng các cơ quan ngày một lớn.
Theo American Fireworks, trước đây ngành pháo hoa chỉ tăng trưởng khoảng 1-2 đợt trong năm theo các mùa lễ hội thì giờ đây nhu cầu tăng đều quanh năm, chứng tỏ một đà tăng trưởng hoàn toàn mới cho cả ngành.
Việc pháo hoa nhập khẩu Trung Quốc cải thiện để đạt các tiêu chuẩn an toàn ở từng bang cũng đã thúc đẩy mạnh nhu cầu mua sắm sản phẩm này. Tổng doanh số pháo hoa tại Mỹ đã tăng từ 284 triệu USD năm 1998 lên 885 triệu USD năm 2017.
Nhu cầu tăng cũng khiến giá pháo hoa nhập khẩu từ Trung Quốc lên theo. Bình thường một container pháo hoa chỉ vào khoảng 5.000 USD nhưng vài năm trở lại đây, loại pháo hoa thường cho cá nhân đã lên tới 8.000-15.000 USD/container tùy loại. Đối với pháo hoa chuyên nghiệp cho các lễ hội như ngày lễ quốc khánh 4/7, giá 1 container pháo hoa có thể lên tới gần 20.000 USD.
Trong năm 2017, Trung Quốc xuất khẩu 719,7 triệu USD pháo hoa, chiếm 85,6% trên toàn cầu còn Mỹ chỉ xuất khẩu vỏn vẹn 6,8 triệu USD pháo hoa.
Trớ trêu thay, dù xuất khẩu pháo hoa mạnh sang các thị trường Phương Tây nhưng Trung Quốc lại là một trong số những quốc gia cấm đốt pháo, một tập tục truyền thống của nước này trong hàng nghìn năm qua. Năm 2017, khoảng 400 thành phố, thị trấn của nước này đã cấm sản xuất và tiêu thụ pháo hoa do những vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi không đảm bảo môi trường điều chế.
Việt Nam cũng xuất khẩu khoảng 358.110 USD pháo hoa sang Mỹ
AB