Trang chủ Bạn đọc - Cần biết
15:34 | 22/12/2015 GMT+7

Một nền tư pháp văn minh không nên xét xử lưu động

aa
Một nền tư pháp văn minh nên tổ chức các phiên tòa tại trụ sở tòa án để đảm bảo trang nghiêm, thể hiện uy quyền của tòa án - nơi đưa ra những phán quyết phù hợp với công lý, chứ không nên áp dụng hình thức xét xử lưu động.

mot nen tu phap van minh khong nen xet xu luu dong

Phiên toà xét xử lưu động vụ thảm sát ở Yên Bái

Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao: Người ta đến xem chủ yếu vì tò mò

Tuyên truyền, giáo dục pháp luật là một trong những mục đích của xét xử lưu động. Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động này đến nay vẫn chưa được đánh giá.

Theo tôi, việc xét xử lưu động cần được đặt trong bối cảnh của nguyên tắc xét xử công khai, công bằng, khách quan. Tại sao người thì được xét xử trong phòng xử án, người thì bị xét xử tại nơi công tác hoặc nơi cư trú? Chúng ta cũng cần lưu ý việc xét xử lưu động vừa ảnh hưởng đến bị cáo, vừa ảnh hưởng đến gia đình bị cáo, người bị hại.

Từng tổ chức nhiều phiên tòa lưu động điển hình, tôi nhận thấy người ta đến xem phiên tòa vì tò mò nhiều hơn là tìm hiểu pháp luật. Tôi nghĩ tác dụng giáo dục pháp luật của các phiên tòa xét xử lưu động không cao.

Hơn nữa, phần lớn những vụ án được đưa ra xét xử lưu động là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dư luận phẫn nộ, cho nên HĐXX chịu áp lực không nhỏ, khó đảm bảo tính khách quan trong xét xử.

Tôi cho rằng nên hạn chế xét xử lưu động. Các tòa án cũng không nên dùng việc xét xử lưu động để làm tiêu chí thi đua như hiện tại.

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Tác dụng tuyên truyền pháp luật rất thấp

Thời gian gần đây, những vụ xét xử lưu động đã thu hút người dân theo dõi rất nhiều. Điển hình như phiên tòa xét xử vụ thảm sát Yên Bái, Bình Phước. Những tình tiết về vụ thảm sát được các bị cáo tường thuật trong phần xét hỏi tại phiên tòa có lẽ không đạt được mục đích tuyên truyền, phổ biến pháp luật khi mà người dân cũng như báo chí đều tập trung vào những chi tiết này. Hơn nữa, chi phí cũng như công tác chuẩn bị, đảm bảo an ninh cho phiên xét xử lưu động cũng là điều đáng phải suy nghĩ.

Tôi cho rằng một nền tư pháp văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp thì nên tổ chức các phiên tòa tại trụ sở tòa án, trong phòng xét xử để đảm bảo những nguyên tắc công khai, minh bạch, trang nghiêm của thiết chế tư pháp độc lập. Uy quyền của tòa án, nơi đưa ra những phán quyết phù hợp với công lý nên được thể hiện ở những nơi phù hợp.

ThS Lê Minh Tiến, giảng viên xã hội học: Sao không xử lưu động án tham nhũng?

Việc xử án lưu động là không công bằng bởi những người bị xử lưu động sẽ chịu một bản án kép. Khi đưa một vụ án ra xử lưu động cho bàn dân thiên hạ chứng kiến, người phạm tội bị tuyên cùng lúc hai bản án - bản án của tòa và “bản án” của công chúng tham dự phiên tòa. Cạnh đó, thân nhân của người phạm tội cũng phải chịu “bản án” từ cộng đồng qua những lời phỉ báng, những ánh mắt khinh khi.

Mặt khác, việc xử án lưu động trước nay hình như chỉ áp dụng đối với bị cáo là dân thường. Trong khi những vụ đại án tham nhũng mà quan chức làm thất thoát hàng ngàn tỉ đồng, gây tác động xấu đến nền kinh tế (như nhận hối lộ trong các dự án ODA) thì hình như chưa từng bị đưa ra xử lưu động. Đây cũng là một sự không công bằng.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: Nên bỏ hẳn việc xử lưu động

Ở nước ta, xử án lưu động bắt nguồn từ thời chiến tranh, vùng giải phóng đã có những hoạt động tố tụng nhưng chưa có trụ sở tòa án cố định. Vì vậy, các cơ quan tố tụng phải đi các nơi để xét xử, tòa án thiết kế nơi nào cũng được. Bây giờ, tòa án các cấp đã có trụ sở khang trang, việc xét xử nên tập trung về trụ sở của tòa.

Người dự khán phiên tòa là vì yêu sự công bằng, ghét cái ác mà đến nhưng đa phần nhận định vụ án theo cảm tính trong khi tòa xét xử vụ án theo pháp luật. Tâm lý đám đông dễ tạo ra sự căng thẳng cho các thẩm phán, kiểm sát viên, hội thẩm, luật sư hai bên và dễ gây ra tình trạng mất trật tự. Tôi đã dự một phiên xử lưu động vụ án làm nhục người khác. Khi bị cáo được dẫn ra, đã có người nóng nảy định nhảy vào đánh; tòa phạt bị cáo 18 tháng tù, người dự khán vẫn cho là nhẹ.

Một người chỉ bị coi là có tội khi bản án kết tội họ có hiệu lực pháp luật. Xét xử lưu động đã tuyên bị cáo một bản án trước khi vụ án được xét xử. Điều này đi ngược lại tính nhân văn của pháp luật. Vì vậy, tôi đề nghị bỏ hẳn xử lưu động.

Bà Hà Ngọc Bích, người từng bị xử lưu động và bị oan: Xử lưu động lỡ bị oan như tôi thì sao?

Tôi đã từng bị TAND huyện Tân Phú (Đồng Nai) đưa ra xử lưu động tại trụ sở UBND xã Tà Lài. Hôm đó, mặc dù tôi được tại ngoại nhưng khi tới tòa tôi thấy quá nhiều công an và những người tham gia bảo vệ phiên tòa (gần 100 người) và khoảng 300 người dân đến xem. Tự dưng lúc đó tôi bị hạ đường huyết, dao động tim vì sợ bị bắt. Luật sư phải đến trấn an tôi. Họ làm như thể tôi đã là tội phạm rồi.

May do sau này tôi được xác định bị oan. VKSND huyện Tân Phú phải xin lỗi tôi ngay tại trụ sở xã này vì đã truy tố oan tôi. Nhưng lúc họ đưa tôi ra xét xử, người dân cứ nghĩ tôi là tội phạm chứ đâu có biết tôi bị oan.

Một người mới bị xử sơ thẩm thì chưa bị coi là có tội, Hiến pháp nói rõ vậy. Thế thì hà cớ gì phải hài họ ra xử lưu động trong khi có khả năng họ bị oan, như tôi chẳng hạn?!

Ám ảnh khi xem phiên tòa Bình Phước

Ngày 17/12, bà con xóm tôi lũ lượt kéo đến xem xử vụ thảm sát Bình Phước. Chứng kiến phiên tòa từ đầu đến cuối tôi mới thấy tội ác đáng sợ và hãi hùng biết chừng nào. Cứ đến đoạn bị cáo tả lại hành vi trói người, siết cổ, đâm dao… là người ta thốt lên “trời ơi, dã man quá!”, “còn hơn trong phim!”…

Phiên xử hôm ấy như một buổi chiếu phim kinh dị. Tội ác được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, qua nhiều giọng nói, với nhiều ngữ điệu. Tính đến khi thẩm phán đọc bản án trong bóng tối mịt mù, từng câu từng chữ mô tả cách cách thức bị cáo đoạt mạng đã được nhắc đến lần thứ ba. Ai cũng thấy lạnh cả sống lưng.

Một người bạn tôi kể đêm ấy chị gặp ác mộng, thấy rõ từng vết dao cứa, máu văng… Đi trong xóm, đám thanh niên vẫn bàn luận sôi nổi về từng chi tiết nghe được, người nọ bổ sung cho người kia. Tôi rùng mình tự hỏi liệu rồi đây khi vấp phải những sân si trong cuộc đời mình, liệu có ai trong số họ bắt chước cách gây án kinh rợn như thế.

Góc nhìn khác về xử lưu động

Xét xử lưu động là một hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục mà hiện nay nhiều người cho là không phù hợp nhưng tôi lại có ý kiến khác.

Lý do là trong thời đại mọi thông tin đều có thể lên mạng tìm trong một giây thì việc bố trí một phiên tòa giữa nơi dân cư tốn rất nhiều thời gian, chi phí. Ngoài ra, phiên tòa như thế gây áp lực với HĐXX cả về thời gian tố tụng lẫn mức án đưa ra, gây sự kỳ thị trong cộng đồng với người đứng trước vành móng ngựa….

Tuy nhiên, những điều đó nếu đem so với tác dụng mà hình thức phổ biến pháp luật này đem lại thì vẫn còn một khoảng cách. Điều có giá trị lớn nhất của phiên tòa này bên cạnh việc “triển lãm tội ác” thì người dân theo dõi còn có dịp tường minh những vấn đề pháp lý mà không phải ai cũng biết, không phải trang mạng nào cũng đủ sức để rạch ròi từng chi tiết. Qua đó, phiên tòa có thể giúp những mầm mống tội ác quay đầu phục thiện, giúp công dân thẩm thấu luật pháp từ những lý lẽ được phía công tố, luật sư, thẩm phán đưa ra từ đây.

Như trong vụ thảm sát sáu người tại Bình Phước, Trần Đình Thoại tay không dính máu nhưng vẫn bị truy tố và tuyên án tội giết người. Qua phiên tòa, người ta có thể biết được bản án của người này chắc chắn thay đổi nếu sau cái đêm đột nhập bất thành anh ta ra ngay công an tự thú.

Hay trong vụ giết cả gia đình ở Yên Bái, Nguyễn Thị Hán thoát trách nhiệm hình sự khi không có điều kiện tố giác tội phạm. Qua phiên tòa, mọi người có thể hiểu được những căn cứ để cơ quan chức năng không xử lý người này.

Hoặc trong những vụ án mà nếu dùng vũ lực để giành một con gà, bị cáo có thể nhận mức án năm năm tù nhưng nếu ăn trộm dưới 2 triệu đồng thì chỉ có thể xử lý hành chính…

Nghĩa là những vấn đề pháp lý thú vị không chỉ diễn ra trong bốn bức tường của trụ sở tòa án rồi được báo chí đưa tin một cách đơn giản, chỉ đa phần chú trọng vào kết quả mà nó còn được bày ra trước một bộ phận cộng đồng như những món ăn bổ ích mang tên “hiểu biết”. Quan trọng hơn, thông qua đối đáp trước tòa, người dân sẽ giác ngộ pháp luật, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của họ được thúc đẩy hơn và họ biết được nên hay không nên làm gì trong các tình huống ứng xử, hoạt động.

Khi người dân chưa có ý thức về pháp luật rõ như nhiều nước tiến bộ, đứa trẻ bảy tuổi cũng biết báo cảnh sát nếu bị cha mẹ ngược đãi, thì Việt Nam vẫn cần những phiên xử lưu động và cần mở rộng lĩnh vực xử lưu động đến những vụ án phi hình sự (Hành chính, dân sự).

Với vai trò phổ biến giáo dục to lớn từ các phiên xử lưu động như vậy thì đánh đổi với nỗi xấu hổ, uất ức của một số ít người hay sự tính toán về thời gian, chi phí… tôi cho là xứng đáng.

Theo Pháp Luật TP.HCM

Nguồn:

Tin bài liên quan

Các tin bài khác

Thời tiết hôm nay (20/5): Miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông

Thời tiết hôm nay (20/5): Miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo ngày 20/5, khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to.
3 con giáp vượng duyên vào cuối tháng 5/2025

3 con giáp vượng duyên vào cuối tháng 5/2025

3 con giáp này sẽ đón nhận vận đào hoa rực rỡ vào cuối tháng 5/2025, chấm dứt chuỗi ngày lận đận trong tình duyên.
Kinh nghiệm xin visa đi du lịch Đức

Kinh nghiệm xin visa đi du lịch Đức

Việc xin visa Đức khá phức tạp và đòi hỏi bạn phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Việc chuẩn bị hồ sơ là bước quan trọng nhất. Một bộ hồ sơ hoàn chỉnh sẽ tăng khả năng đậu visa của bạn.
9 địa điểm du lịch nổi tiếng tại Đức

9 địa điểm du lịch nổi tiếng tại Đức

Nước Đức được mệnh danh là "trái tim của Châu Âu" với bề dày lịch sử và nền văn hóa độc đáo là điểm đến hấp dẫn dành cho du khách. Dưới đây là 9 địa điểm du lịch Đức nổi tiếng mà bạn không thể bỏ qua cho chuyến du lịch đầy trọn vẹn của bạn.

Đọc nhiều

Chiếu phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” cho kiều bào TP.HCM

Chiếu phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” cho kiều bào TP.HCM

Ngày 22/5, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh đã tổ chức cho tập thể cán bộ, công chức, người lao động ủy ban cùng cộng đồng kiều bào Úc, New Zealand, Nhật, Pháp... xem bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”.
Kết nối Việt - Trung qua hành trình đỏ theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kết nối Việt - Trung qua hành trình đỏ theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 21/5, chương trình công bố tuyến tham quan “Hành trình đỏ hữu nghị Việt-Trung theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã chính thức diễn ra tại Hà Nội.
Nơi chắp cánh ước mơ cho học trò vùng khó Điện Biên

Nơi chắp cánh ước mơ cho học trò vùng khó Điện Biên

Từ những phòng học tạm bợ với mái lá đơn sơ, Trường PTDTBT TH&THCS Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) đã vươn mình mạnh mẽ sau hơn ba thập kỷ, trở thành điểm sáng giáo dục vùng cao. Không chỉ truyền dạy tri thức, ngôi trường còn thắp lên khát vọng đổi đời cho bao thế hệ học sinh dân tộc thiểu số.
Học sinh ở Giang Tây (Huế) sẽ có thêm không gian học tập do Midas Foundation tài trợ

Học sinh ở Giang Tây (Huế) sẽ có thêm không gian học tập do Midas Foundation tài trợ

Ủy ban Nhân dân thành phố Huế vừa có Quyết định số 1442/QĐ-UBND, tiếp nhận viện trợ không hoàn lại dự án “Xây dựng trường mầm non Phú Lương cơ sở lẻ Giang Tây” do Quỹ từ thiện Midas Foundation (Nhật Bản) tài trợ trị giá 3,2 tỷ đồng.
Phát triển hệ thống giao thông động lực để Mường Nhé phát triển

Phát triển hệ thống giao thông động lực để Mường Nhé phát triển

Mường Nhé (Điện Biên) – nơi địa đầu cực Tây Tổ quốc – đang từng ngày chuyển mình mạnh mẽ nhờ những bước tiến trong phát triển hạ tầng giao thông.
Khắc phục thành công sự cố hệ thống tời lưới cho tàu cá ở đảo Trường Sa

Khắc phục thành công sự cố hệ thống tời lưới cho tàu cá ở đảo Trường Sa

Ngày 18/5/2025, Trung tâm Dịch vụ Hậu cần – Kỹ thuật đảo Trường Sa (thuộc Hải đoàn 129 Hải quân) đã khắc phục thành công sự cố hệ thống tời lưới tàu cá NT02070TS.
Hải quân Vùng 5: Nâng cao khả năng sử dụng vũ khí, trang bị cho chiến sĩ mới

Hải quân Vùng 5: Nâng cao khả năng sử dụng vũ khí, trang bị cho chiến sĩ mới

Từ ngày 14-16/5, tại thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Tiểu đoàn 563, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức kiểm tra “3 tiếng nổ” cho chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2025. Đây là hoạt động huấn luyện quan trọng giúp chiến sĩ mới làm quen với cường độ huấn luyện cao, nâng cao thể lực, bản lĩnh, khả năng sử dụng vũ khí, trang bị trong điều kiện sát với thực tế chiến đấu.
Xin chờ trong giây lát...
[Video] Người truyền cảm hứng về tình yêu nước
Sinh viên Lào đi chùa tắm Phật mừng Tết cổ truyền Bunpimay
[Video] 60 phút - Hành trình thay đổi cuộc đời
MV "Bắc Bling": Cụ già, em nhỏ ngân nga, du khách gần xa tỏ bày hứng thú
[Video] Dự án CAF: Ươm mầm những công dân toàn cầu tương lai
[Video] Du khách quốc tế trải nghiệm lễ Phật đầu năm tại chùa Tam Bảo (Đà Nẵng)
Tết của bác sĩ trực cấp cứu - hồi sức tích cực
Đại sứ nhóm G4 hát "Năm qua đã làm gì"
[Video] Bản hòa ca tình hữu nghị chào năm mới 2025
[Video] 30 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: từ chiến tranh đến đối tác chiến lược toàn diện
[Video] Samaritan’s Purse và Plan International Việt Nam hỗ trợ người dân Việt Nam phục hồi sau bão
[Video] Tái thiết thôn Làng Nủ: Quân đội - Nhân dân đồng hành xây dựng tương lai mới
[Video] Tổ chức Cứu trợ Trẻ em và hành trình 10 năm thay đổi cuộc sống trẻ em vùng cao
[Video] Kinh nghiệm tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới
Halloween: ứng xử thế nào cho đúng?
Phiên bản di động