ẨM THỰC Campuchia TRONG chợ Việt |
Chợ Lê Hồng Phong (quận 10, TP.HCM) là khu vực có nhiều gia đình người Việt gốc Campuchia sinh sống với rất nhiều món ăn ngon mang đặc trưng của xứ chùa Tháp. Thời Đại xin giới thiệu tới quý độc giả các món đặc trưng tại đây. |
Khu chợ này nằm sâu trong hẻm nhỏ đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP.HCM. Các hộ kinh doanh tại đây chủ yếu là gia đình người Việt Kiều Campuchia trở về Việt Nam định cư vào những năm 70 của thế kỉ trước. Khởi điểm từ một vài cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, chuyên buôn bán những đặc sản xứ chùa Tháp (khô biển Hồ, lạp xưởng bò, bò khô, mắm bò hóc...). Với những món ăn độc đáo như bún Num Bo Chóc, chè Bà Bơ Chon Chang, gỏi đu đủ, chè hạt me... quán bún Tư Xê, quán chè cô Huôi nhiều năm qua đã góp phần tạo nên sự đa dạng trong văn hoá của Sài Gòn bằng ẩm thực Campuchia. |
|
Chè thập cẩm Campuchia. |
Chè thập cẩm Campuchia có vị ngọt, bùi của bí đỏ nhân trứng hấp, vị thơm của bánh được làm từ lòng đỏ trứng, cùng với đó là hạt me dai dai, giòn giòn… Một thành phần độc đáo trong món chè thập cẩm là bí đỏ nhân trứng hấp. Bí đỏ ở đây có kích thước nhỏ, được nhập từ Campuchia. Bí đỏ được lấy hết ruột. Hỗn hợp sữa, trứng, đường và nước cốt dừa được đánh đều, cho vào bí ruột bí và đem đi hấp. Bí chín mềm, phần nhân có vị ngọt, bùi do có chất ngọt từ quả bí. Bát chè thập cẩm Campuchia hấp dẫn, bắt mắt với đủ sắc màu từ màu vàng của bánh trứng, màu xanh của sương sa, màu nâu của bí đỏ nhân trứng, màu trắng của sữa tươi, nước cốt dừa... làm cho món chè quyến rũ nhưng không kém phần thơm ngon. Chè thập cẩm Campuchia có giá từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng. |
Bún Num Bo Chóc. |
Có nguồn gốc từ Campuchia, Num Bo Chóc là tên gọi của một loại bún cá nổi tiếng của người dân xứ chùa Tháp. Bát bún với màu vàng đặc trưng của nghệ, điểm xuyết bên trong là màu xanh của đậu đũa, màu tím của bông súng làm nổi bật lên những lát cá lóc có màu trắng tươi ngon, cùng nước lèo dậy mùi thơm làm cho thực khách không thể cưỡng lại được. Với những người mới nghe tên gọi sẽ rất e ngại mùi vị của mắm bò hóc mà không dám thưởng thức món ăn đầy hấp dẫn này. Nhưng khi ngửi mùi thơm của nước lèo thì sẽ không thể cưỡng lại được bởi mùi vị của mắm bò hóc đã được ngải bún, sả và trái chúc át đi. Các nguyên liệu đó hòa cùng với mắm bò hóc làm nên vị ngọt đậm đà, cái vị chua thanh thanh đặc trưng của món ăn, càng ngon miệng hơn với đậu đũa giòn tan, ngó súng giòn xốp và các loại rau ăn kèm. Nguyên liệu nấu bún gồm có cá lóc, mắm bò hóc, trái chúc (giống trái chanh dây nhưng có mùi vị khác), ngãi bún (có mùi giống củ riềng) chỉ có ở Campuchia. Tất cả nguyên liệu trên đều được lấy về từ Campuchia. Nước lèo nấu từ cá lóc tươi nguyên và nước mắm bò hóc, nêm các gia vị gồm trái chúc lấy vỏ giã nát cùng ngãi búng và củ sả. Khi thưởng thức, bún được ăn kèm với các loại rau quen thuộc như bắp chuối, rau muống, đậu đũa, dưa leo thái nhỏ, giá đỗ, bông súng… |
Đồ khô là sản phẩm vô cùng nổi bật tại chợ. |
Đồ khô luôn là sản phẩm được nhiều người mua về ăn hoặc làm quà mỗi khi đến với chợ Campuchia. Vì thế giúp khu chợ này trở nên sầm uất với lượng tiêu thụ mỗi ngày rất lớn. Và đặc biệt hút khách vào những ngày lễ và dịp tết Cổ Truyền. Tại đây bán đa dạng sản phẩm đồ khô như cá trèn xỏ xấu xông khói, cá lăn phồng, cá sặc, cá lóc biển Hồ… Những món được ưa chuộng là cá trèn xỏ xâu xông khói, thịt trâu gác bếp và nhái khô. |
Chuối nếp nướng là món đặc sản ở đất nước Campuchia. |
Chuối phơi 2 nắng rồi nhúng nước muối trước khi đem ra nướng. Vỏ ngoài dai dai, bên trong dẻo ngọt mà không gắt. Chuối nếp làm từ nếp xào với nước dừa, vì thế nếp dẻo mềm mà không bị khô cứng như các bánh khác. |
Đường thốt nốt Campuchia. |
Một số món đặc sản Campuchia khác có thể tìm thấy ở chợ Campuchia bao gồm đường thốt nốt, củ cải muối và trứng bắc thảo. Món củ cải muối Campuchia có thể xắt lát để kho hoặc xào cùng thịt ba rọi. Trứng bắc thảo của xứ chùa tháp có thể dùng để làm món chả ngũ sắc... |
Tuy nhiên khu ẩm thực bán các món ăn liền không bán vào buổi sáng mà họp chợ từ đầu giờ chiều đến tận khuya. Quán xá ở đây không quy mô, chủ yếu kinh doanh nhỏ lẻ và bán vỉa hè, nhưng chính nhờ sự gần gũi, chân phương đã kéo chân nhiều du khách khi đã một lần đặt chân đến… Ở TP.HCM, cộng đồng Cam kiều cũng ngày một phát triển, đưa nét văn hoá đặc trưng xứ Chùa Tháp trở thành một phần không thể thiếu trong nền văn hóa đa dạng các quốc gia, tộc người cùng hội tụ tại TP.HCM. |
Thu Hoài |