Mobifone lần đầu "lộ diện" báo cáo tài chính: Nửa đầu năm 2016 chi gần 9.000 tỷ để đầu tư tài chính dài hạn
Lần đầu tiên kể từ khi tách ra khỏi Tập đoàn VNPT trở thành một doanh nghiệp độc lập, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone đã chính thức công khai báo cáo tài chính.
Theo đó, Mobifone đã công bố số liệu tài chính của riêng công ty mẹ năm 2015 và 6 tháng đầu năm dưới dạng tóm tắt, giản lược một số chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán cũng như chưa công bố báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính.
Năm 2015, công ty mẹ Mobifone đạt 31.400 tỷ doanh thu – tăng 3.000 tỷ so với năm 2014 (số liệu đã điều chỉnh hồi tố theo thông tư 200).
Lợi nhuận trước thuế lại giảm nhẹ từ 7.255 tỷ xuống 7.045 tỷ đồng. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm là do chi phí bán hàng cũng như chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khá cao. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn tăng gần 10% lên 5.481 tỷ đồng do phát sinh thuế ít hơn.
Năm 2016, Mobifone đặt mục tiêu đạt 4.163 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 24% so với kết quả đạt được trong năm 2015.
Trong nửa đầu năm 2016, Mobifone vẫn ở trong xu hướng doanh thu tăng lợi nhuận giảm do doanh thu tài chính giảm và chi phí bán hàng tiếp tục tăng cao.
Theo kế hoạch kinh doanh của Mobifone, trong 2016, bên cạnh các mảng dịch vụ truyền thống là viễn thông – công nghệ thông tin; Phân phối và bán lẻ doanh nghiệp này còn kinh doanh thêm truyền hình và các dịch vụ khác. Nhằm thực hiện chiến lược này, đầu năm nay, Mobifone đã mua lại CTCP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG).
Song song với động thái mua lại AVG thì cơ cấu tài sản của công ty mẹ Mobifone trong nửa đầu năm 2016 đã có khá nhiều biến động lớn.
Tại thời điểm 30/6/2016, khoản mục đầu tư tài chính dài hạn – bao gồm đầu tư vào công ty con, công ty liên kết và các khoản đầu tư tài chính dài hạn khác – tăng vọt từ mức 642 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 9.455 tỷ đồng. Do không có thuyết minh nên hiện không rõ khoản mục này tăng lên là do Mobifone đầu tư những gì.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại thời điểm cuối năm 2015, Mobifone đầu tư vào 3 công ty con gồm Mobifone Service, Mobifone Global và Mobifone Plus cùng một số khoản đầu tư khác vào Seabank, TPBank…
Tương ứng với sự tăng lên của khoản mục đầu tư tài chính dài hạn thì tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn (tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng) giảm mạnh từ 9.000 tỷ xuống còn 4.200 tỷ và các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm từ 6.100 xuống còn 1.100 tỷ.
Tính đến 30/6/2016, Mobifone có tổng tài sản 23.200 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu và nợ phải trả lần lượt là 16.200 tỷ và 7.000 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính