Minh bạch thông tin để chứng minh thực phẩm sạch
Đó là ý kiến được các đại biểu đưa ra trong hội thảo “Chung tay xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn, minh bạch” vừa diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Liên minh nông nghiệp Việt Nam, Ban Vận động thành lập Hiệp hội thực phẩm minh bạch tổ chức.
Lập lờ “thực phẩm sạch”
Báo Vietnamplus dẫn ý kiến của Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội thực phẩm minh bạch cho biết, thực phẩm bẩn đang trở thành mối nguy ngày càng tăng trong xã hội. Ăn gì, uống gì để đảm bảo vệ sinh đang là câu hỏi và nỗi lo lắng thường xuyên của tất cả mọi người dân. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, chất bảo quản trong chế biến thực phẩm đang rất phổ biến và ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan có trách nhiệm.
Người tiêu dùng lo ngại nhiều sản phẩm "bẩn" vẫn được gắn nhãn sạch
“Trước yêu cầu lớn về thực phẩm sạch, trên kệ hàng của các cửa hàng tiện ích và các siêu thị xuất hiện những sản phẩm có gắn nhãn sạch, nhãn GAP. Nhưng người tiêu dùng vẫn rất hoang mang về các nhãn hàng này khi có không ít thông tin trên báo chí và mạng xã hội về việc hình thức, đối phó trong thực hiện cũng như cấp chứng nhận GAP”, bà Minh nói.
Chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành cũng cho rằng, hiện có khoảng 56% người tiêu dùng đi tìm yếu tố minh bạch các sản phẩm thực phẩm sử dụng. Minh bạch có nghĩa là trách nhiệm, không giấu diếm, lập lờ để từ đó xây dựng lòng tin của khách hàng.
Theo báo Tin Tức, ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội chia sẻ, qua quá trình kiểm tra, kiểm soát, có hiện tượng rau củ quả “bẩn” được đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, cửa hàng… được gắn mác an toàn. Trong năm 2015, Chi cục đã tịch thu, tiêu hủy gần 12.000 kg thủy hải sản đông lạnh; gần 20.000 kg thịt bò, thịt lợn, trâu... Trong số đó, có những lô hàng được bán ở những cửa hàng uy tín, gắn mác thực phẩm sạch.
Doanh nghiệp cần minh bạch thông tin để bảo vệ chính mình
Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn ghi nhận những chia sẻ của ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm. Theo ông Chiến, sau gần 7 năm xây dựng thương hiệu, tới nay đơn vị này mới có khoảng 20 cửa hàng, phục vụ khoảng 4.000 đến 5.000 khách hàng trung thành. Dù thừa nhận lượng khách hàng như vậy chưa phải lớn nhưng để có được lượng khách hàng đó với Bác Tôm không hề đơn giản.
Ông Chiến cho biết, để khách hàng tin tưởng sản phẩm của mình, Bác Tôm đã phải minh bạch tất cả thông tin về sản phẩm, từ vùng trồng, phương thức sản xuất cho đến tem nhãn truy xuất nguồn gốc... Thậm chí, doanh nghiệp còn tổ chức cả các tour du lịch sinh thái để đưa những “khách hàng khó tính” về tận vùng trồng rau sạch.
Doanh nghiệp cần minh bạch thông tin về quá trình sản xuất thực phẩm để tạo lòng tin với khách hàng
Khi đến vùng trồng rau, tận mắt chứng kiến sự khác biệt về các loại phân bón hữu cơ được sử dụng, phương thức canh tác... của Bác Tôm và có sự so sánh với những ruộng rau xung quanh thì khách hàng mới tin tưởng. “Nói thì dễ nhưng để xây dựng được niềm tin như vậy không hề đơn giản”, ông Chiến nói.
Từng là người tiêu dùng và trăn trở với ngành thực phẩm trong nước, bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc điều hành chuỗi thực phẩm hữu cơ Organica nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ là rất lớn. Từ đó, bà Thảo bắt tay vào thực hiện mong muốn của mình là đưa sản phẩm sạch tới tay người tiêu dùng.
Hơn 4 năm bắt tay vào thực hiện, tới nay, Organica mới có được chuỗi 3 cửa hàng Organica ở TP. HCM và dự định sẽ mở 1 cửa hàng ở Đà Nẵng trong thời gian tới.
Bà Phạm Phương Thảo bày tỏ: “4 năm trước, chúng tôi đã thành lập trang trại thực phẩm hữu cơ, được chứng nhận theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn thực hiện việc truy xuất nguồn gốc theo Hiệp hội thực phẩm minh bạch.
Vì khi bước vào lĩnh vực kinh doanh này, tôi thấy rằng những cơ sở làm ăn chân chính cũng cần được bảo vệ. Việc bảo vệ tốt nhất chính là minh bạch thông tin thông qua truy xuất nguồn gốc. Khi đó, khách hàng chỉ cần quét kiểm tra bằng điện thoại thông minh là có thể biết rõ được quy trình sản xuất nông sản, như vậy mới chứng minh được thực phẩm là sạch, doanh nghiệp sản xuất sạch, an toàn”.