Mẹ, đừng nhịn ăn để gom tiền cho con nữa!
Mới đây, trên trang cá nhân của nhà báo Hoàng Nguyên Vũ, anh đã có một đoạn chia sẻ đầy xúc động về người mẹ. Trong đoạn chia sẻ ấy, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ đã kể cho mọi người nghe về những mẩu chuyện liên quan tới sự hy sinh, tần tảo vất vả của người mẹ.
Ăn chẳng dám ăn ngon, mặc chẳng dám mặc đẹp... tất cả đều được dành dụm, tiết kiệm tới từng đồng, từng hào, những người mẹ sống suốt cả cuộc đời vì hai chữ "cho con".
Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ không chỉ đơn thuần muốn kể ra câu chuyện của những người anh biết, của chính bản thân mình mà đằng sau đó là một lời oán than đầy đau xót cho các bà mẹ, kèm theo lời nhắc nhở với những người đang sống dựa vào sự hy sinh của đấng sinh thành.
Đoạn chia sẻ đầy xúc động của nhà báo Hoàng Nguyên Vũ
Chúng tôi xin được trích dẫn đoạn chia sẻ của nhà báo Hoàng Nguyên Vũ:
"Mẹ, đừng nhịn ăn để gom tiền cho con nữa
Đứa em mình nói, mẹ nó khổ lắm, suốt ngày ăn bún chấm nước mắm. Mỗi lần đi chợ nhìn thấy miếng thịt ngon cũng không dám mua, đúng hơn là không dám mua nhiều. Nhà nó có đất, có nhà cho thuê. Và từ trước, mẹ nó cũng đã tháo vát tần tảo buôn bán như bà Tú Xương năm xưa vậy.
Được bao tiền thì mua vàng cất. Lúc nào cũng sợ con thiệt thòi sau này không có của hồi môn, lấy chồng sợ nhà người ta coi thường. Mấy đứa con, đứa tự lập như đứa em thì ít, đứa phá phách ngồi hưởng thụ thì nhiều.
Thì chúng nó đâu cần gì, nhìn thấy mẹ có của ăn của để thì cứ hồn nhiên mà chờ đợi. Chúng nó chỉ nghĩ, mẹ để lại cho mình, không chờ đợi mà hưởng thì phí đời, cần gì lao động nặng nhọc.
Thế đùng một cái bà ôm 5 tỷ đồng vào Sài Gòn mua nhà cho đứa con gái bà cưng nhất, mà lại là một cô gái rạch trời chui xuống. Cô em mình ngỡ ngàng hỏi mẹ làm thế có phải hại em con không, tính nó vốn đã lêu lổng rồi.
Mẹ nói: "Con còn tự lập được, chứ em con thì trời sinh tính thế rồi, làm mẹ không lo cho con, sống chẳng yên mà sau này có ra đi cũng khó mà yên".
Cả cuộc đời, mẹ sống vì hai chữ "cho con". Ảnh minh hoạ
Mà quả thật, người mẹ ấy, cứ gom góp cho con cái thế nhưng đôi mắt lúc nào cũng bàng bạc, cũng buồn đến khó tả. Cô em kiếm được tiền, lúc nào cũng muốn mẹ thôi lo toan, để nó đưa đi du lịch ít ngày, nhưng bà không chịu. Phần thì không muốn con khổ, phần thì lại sợ phải tiêu tiền. Rõ khổ.
Mẹ tôi thì cũng chẳng kém. Chỉ có khác là không gom nổi 50 triệu chứ chưa nói đến 5 tỷ. Cả đời bà cũng nhịn, cũng sợ mua thịt ngon, cá ngon tốn kém. Hai ông bà vào Sài Gòn thăm tôi, khi đi tàu về, chỉ dám ăn chung một suất cơm vì thấy cơm tàu sao mà đắt thế, phần cơm bằng cả bữa chợ cho cả nhà.
Bao tiền con cho cũng không tiêu, cứ gom gom lại đó. Tôi bảo, thôi mẹ già rồi, mẹ cứ tiêu hết tiền dùm con đi, chứ con đưa gì cho ai, con sẽ vô cùng ân hận nếu một ngày nào đó phải nhận lại. Bố mất, tiền phúng điếu mẹ cũng cứ giữ đó, khư khư vậy. Nhìn những đồng tiền, vừa sờ sợ lại vừa chảy nước mắt nghĩ về hai đấng sinh thành.
Có lần tôi hỏi mẹ, mẹ giữ tiền làm gì, mẹ nói: Các anh chị có gia đình cả rồi, còn mỗi mình con. Mẹ biết nếu con lấy vợ chắc chắn cũng kiếm đứa nên hồn để lấy. Nên cha mẹ gom lại để một ngày tặng các con nhiều vàng một chút, cho người ta đỡ cười mình.
Còn nếu lấy đứa cũng tay trắng lập nghiệp thì cha mẹ càng phải cho các con nhiều hơn, thứ mà từ nhỏ cha mẹ không có mà cho. Nhà mình nghèo cũng là một cái tội con ạ...
Tôi thì lại lấy làm giận: Trời, 6 - 7 tuổi đầu con biết kiếm tiền, 10 tuổi thân tự lo thân, mẹ cứ lo làm gì. Thuyết phục mãi thì mẹ cũng đưa số tiền đó đi làm sổ tiết kiệm lấy tháng ít tiền lãi để ăn vặt. Chứ già cả, để tiền trong nhà cũng nguy hiểm.
Để vàng thì càng không. Nhất là trong cái thời buổi của khôn người khó thế này. Mà có bao nhiêu đâu, nhưng mẹ cũng như bao mẹ khác, sẵn sàng ăn mắm ăn muối đến cuối đời, để dành dụm cho con.
Lần nói chuyện với danh ca Tuấn Vũ về mẹ anh, anh cũng hồn nhiên nói một chi tiết: Mẹ anh có bao nhiêu tiền thì cứ mua vàng cất. Cất rồi thỉnh thoảng đem vài chỉ cho cháu ngoại chỗ này, con gái lấy chồng chỗ nọ. Cứ cất thế thôi, chả dám ăn gì, đến những ngày cuối đời vẫn gầy ốm tong teo, hộp sữa con mua cho, vẫn như cái phản xạ cả đời, không dám uống.
Ôi, làm người Việt Nam đã khổ, đội bao nhiêu thứ đắng cay trên đầu, làm người mẹ Việt Nam lại còn khổ nữa. Cả một đời dành dụm chẳng bao giờ nghĩ đến từ hưởng thụ, già cả thì sợ phiền con hoặc sợ con, sợ dâu hắt hủi. Biết bao nhiêu lo toan và sợ sệt lặn vào trong mắt, để rồi mắt mẹ nào cũng bàng bạc, cũng buồn buồn như thế đó...
Và chẳng hiểu sao, cứ như số phận mặc định, cứ có đồng nào, dù chỉ là 1000 đồng, cũng cứ dành dụm lại để cho con chứ chẳng phải cho mình. Có mẹ bị tai biến đột ngột, vẫn cố rướn mắt chỉ chỉ về cái chum đựng gạo trong xó nhà.
Các con chạy đến thì chao ôi, một chum tiền 500, 1000 đồng vo tròn dọc lại như điếu thuốc lá. Để làm gì? Để cho con. Ít nhất thì con cũng dùng phụ thêm một chút lo ma chay cho mình. Sao lại thế, mẹ ơi!
Biết đến bao giờ, những người mẹ ở cái đất nước này chịu hưởng thụ cuộc sống một chút, và bớt lo toan, bớt dành dụm tất cả cho con? Tôi không tin có định mệnh là làm mẹ ở Việt Nam thì ắt phải thế. Mà nếu có, thì tôi sẽ gào lên với định mệnh và phá đi cái định mệnh đó.
Mẹ chỉ lo cho các con đến 18 tuổi thôi, thân chúng để chúng tự lo. Lo nhiều quá, lại nặng lắm về cuối đời, nhất là khi con không được tròn trịa về nhân cách và cuộc sống, mẹ ạ!
Cũng như, những người con có tự trọng có liêm sỉ, cũng đừng chờ đợi sự hy sinh của mẹ mình để lấy điều đó làm vốn liếng cuộc đời. Nợ đấy và tội đấy!"
Luna