Máy bay chiến đấu rơi liên tiếp - Ấn Độ "tự chặt tay": Trung Quốc hưởng lợi lớn?
"Tự chặt chân, chặt tay"!
Theo bài viết mang tựa đề "Các lực lượng vũ trang Ấn Độ đã mất 37 máy bay chiến đấu và trực thăng chỉ trong vòng 3 năm qua" đăng trên Tạp chí Economic Times thì kể từ tháng 5/2015 cho tới những ngày gần đây, Quân đội Ấn Độ đã mất tới 37 máy bay (gồm cả máy bay chiến đấu) và trực thăng, làm 55 người thiệt mạng.
Trong số khoảng 25 máy bay (gồm cả máy bay chiến đấu) và 12 trực thăng đã bị mất, Không quân Ấn Độ đứng đầu bảng về mức độ "dùng như phá" với 24 máy bay và 5 trực thăng, trong đó có không ít chiến đấu cơ hiện đại như tiêm kích Su-30MKI, MiG-29 hay Mirage-2000. Những nguyên nhân chính được chỉ ra là do lỗi của con người và lỗi kỹ thuật.
Theo đại diện Chính phủ Ấn Độ, mỗi vụ tai nạn hoặc uy hiếp an toàn bay đều được điều tra bởi một tổ công tác đặc biệt, có trách nhiệm tìm nguyên nhân và đưa ra các khuyến cáo sau khi công tác điều tra kết thúc.
Máy bay chiến đấu Ấn Độ tai nạn.
Ấy vậy mà tai nạn vẫn liên tiếp xảy ra! Một sự thật hết sức đáng buồn, Quân đội Ấn Độ đang "tự chặt chân, chặt tay mình", nhất là trong bối cảnh căng thẳng biên giới với Trung Quốc đang không ngừng nóng lên.
Được biết, hiện nay Ấn Độ vẫn đang tiếp tục duy trì việc nâng cấp các loại máy bay chiến đấu như tiêm kích MiG-21 và máy bay ném bom MiG-27. Ngay cả những chiếc tiêm kích MiG-29 cũng bị coi là quá cũ nên đã và đang được hiện đại hóa, để chúng ít nhiều còn duy trì được khả năng chiến đấu tương đương với các chiến đấu cơ thế hệ 4 đúng nghĩa.
Trong khi đó, gần như chắc chắn Ấn Độ sẽ không trang bị tiêm kích F-16 mà có lẽ chỉ hợp tác với Mỹ để sản xuất và bán cho các nước thứ 3.
Cụ thể, phát biểu trước cuộc họp Hạ viện, một quan chức cấp cao phụ trách quốc phòng có tên Subhash Bhamre tuyên bố: "Không có đề nghị mua máy bay chiến đấu F-16 cho Không quân Ấn Độ. Các thông tin chi tiết về các thỏa thuận do các công ty Ấn Độ thực hiện không liên quan đến vấn đề này và không do Chính phủ nắm giữ".
Một chiếc tiêm kích Su-30MKI của Ấn Độ gặp nạn. Ảnh: Jetphotos.net
Đủ sức đương cự?
Tạp chí Economic Times cũng cho hay, so sánh tổng số máy bay quân sự (tính chung của cả hải - lục không quân) thì Ấn Độ có binh lực ít hơn.
Cụ thể, về máy bay chiến đấu, Ấn Độ chỉ có 1.485 chiếc trong khi Trung Quốc có tới 2.656 chiếc; còn về trực thăng, Ấn Độ có khoảng 666 chiếc so với 912 chiếc của Trung Quốc, trong đó riêng trực thăng tấn công Ấn Độ thua xa Trung Quốc khi chỉ có 16 chiếc so với 206.
Đó là chưa kể, Trung Quốc đã tự chủ được công nghệ sản xuất máy bay chiến đấu và trực thăng nội địa từ lâu, tất nhiên là dựa trên việc sao chép một cách ồ ạt những mẫu máy bay chiến đấu hiện đại của nước ngoài, trong khi Ấn Độ mãi vẫn loay hoay chưa thực sự có được sản phẩm nào đáng nể.
Các loại tiêm kích của Không quân Trung Quốc.
Với năng lực của mình, hàng năm các công ty chế tạo máy bay Trung Quốc có thể cung cấp cho quân đội của họ hàng trăm máy bay chiến đấu mới tinh, vừa để thay thế máy bay cũ, vừa bổ sung trang bị cho các đơn vị mũi nhọn.
Ngược lại Ấn Độ vẫn nhẹ nhàng, đều đều và bây giờ họ mới thấy cái giá phải trả có thể sẽ rất đắt một khi bùng nổ xung đột toàn diện với Trung Quốc.
Gói thầu đặt mua 126 máy bay chiến đấu đa năng hạng trung qua cả chục năm triển khai vẫn gần như là con số không, khi mới chỉ có 36 chiếc tiêm kích Rafale (Pháp) được ký và còn lâu Ấn Độ mới nhận được những chiếc đầu tiên.
Còn, Su-30MKI dẫu liên tục được xuất xưởng và biên chế cho các đơn vị của Không quân Ấn Độ, nhưng cứ với đà "tự rơi" như vậy, cũng sẽ không thể nào bù đắp nổi.
Tất nhiên, xác suất để 2 nước lớn là Trung Quốc và Ấn Độ để xảy ra xung đột quân sự quy mô là không cao, chẳng ai mong muốn, nhưng rõ ràng, trong mọi trường hợp, chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống xấu luôn là phương án tốt nhất. Vậy mà, Ấn Độ chưa gì đã tổn thất nặng nề!
Tuấn Sơn