Mánh làm ăn mới ở phố Wall: Gửi tiền vào FED theo dạng dự trữ bắt buộc, vừa an toàn tuyệt đối lại được hưởng lãi suất lên tới 1,9%
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về cơ bản cũng có chức năng như một ngân hàng của các ngân hàng tư nhân. FED nhận tiền gửi dự trữ bắt buộc của các ngân hàng tư nhân và trả họ lãi suất khoảng 1,95%. Những tổ chức tài chính lớn không phải ngân hàng cũng có thể gửi tiền gửi dự trữ tại FED nhưng theo một chương trình khác với mức lãi suất thấp hơn, khoảng 1,75%.
Kể từ đây, một ngành kinh doanh mới ra đời khi các tổ chức tài chính gửi tiền cho ngân hàng để họ gửi dự trữ bắt buộc vào FED và nhận 1,95% lãi suất. Sau khi trừ đi các chi phí, những tổ chức tài chính này nhận lại khoảng 1,9% lãi suất.
Dự trữ bắt buộc, hay tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một quy định của ngân hàng trung ương về tỷ lệ giữa tiền mặt và tiền gửi mà các ngân hàng thương mại bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo tính thanh khoản. Ví dụ Ngân hàng A có 400 triệu USD và tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 10%, vậy ngân hàng này phải gửi 40 triệu USD cho FED và không được dùng số tiền này cho bất cứ nghiệp vụ nào.
Các ngân hàng có thể giữ tiền mặt cao hơn hoặc bằng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc nhưng không được phép giữ tiền mặt ít hơn tỷ lệ này. Nếu thiếu hụt tiền mặt các ngân hàng thương mại phải vay thêm tiền mặt, thường là từ ngân hàng trung ương để đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Đây là một trong những công cụ của ngân hàng trung ương nhằm thực hiện chính sách tiền tệ bằng cách làm thay đổi số nhân tiền tệ.
Nổi tiếng nhất trong các ngân hàng làm dịch vụ này là TNB USA Inc thuộc The Narrow Bank. Nhiệm vụ chủ yếu của bộ phận này là nhận tiền của khách hàng, gửi nó vào FED và chuyển tiền lãi hàng tháng trở lại cho khách. Bởi nghiệp vụ không nhiều nên chi phí cho dịch vụ này khá thấp, đặc biệt là nhiều khách hàng ưa thích tính an toàn rất cao của phương pháp này.
Việc gửi tiền vào FED nhận lãi thay vì đầu tư vào bất động sản hay chứng khoán, kinh doanh hay bất kỳ loại hình nào khác dù không đem lại lãi suất cao nhưng tính an toàn lại gần như tuyệt đối, điều mà những kênh đầu tư khác không làm được. Thậm chí, nhiều ngân hàng tư nhân Mỹ cũng không dám đảm bảo 100% rằng họ sẽ không bao giờ bị phá sản và tiền của khách hàng có thể được hoàn trả 100%.
Dẫu vậy, nghiệp vụ này lại đang khiến FED "sợ chết khiếp" bởi ngoài tốn tiền ngân sách, chúng chẳng kích thích được kinh tế hay đem lại lợi ích gì cho thị trường. Hậu quả là mới đây đơn xin mở tài khoản ngân hàng của TNB với FED chi nhánh New York đã bị từ chối.
Hiện TNB đang đâm đơn kiện FED vì đã vi phạm luật pháp từ chối đơn xin mở tài khoản của họ, cho rằng việc tìm kiếm một kênh đầu tư an toàn để cất giữ tài sản là chủ yếu hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.
Trên thực tế hoạt động của TNB đi ngược lại mô hình của rất nhiều ngân hàng tư nhân thông thường. Những ngân hàng này thường hạ lãi suất thấp bởi họ dùng tiền của khách hàng cho đầu tư vào các kênh có độ rủi ro cao, hoặc cho vay lại với lãi suất cao hơn để kiếm lợi nhuận chênh lệch. Tuy nhiên TNB chỉ làm duy nhất có 1 việc là gửi tiền vào FED với độ an toàn cao, lãi suất tạm ổn, khiến khách hàng lắm tiền nhiều của yên tâm nhưng lại không được lòng FED.
Theo quan điểm của FED, ngân hàng không phải là nơi cất giữ tiền cho khách hàng mà là công cụ điều phối nguồn vốn, kích thích đầu tư và phân phối lại dòng tiền cho nền kinh tế. Mặc dù các ngân hàng trả người gửi lãi suất thấp để đầu tư vào các kênh rủi ro cao nhưng bù lại chúng khiến dòng tiền trở nên hữu dụng. Nói cho cùng, tiền nếu không được đem lưu thông thì chẳng khác gì tờ giấy lộn có đóng dấu cam kết trả nợ từ chính phủ.
Hệ quả còn lại từ cuộc khủng hoảng 2008
Cách đây 40 năm, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã đề xuất ý tưởng FED trả lãi suất cho tiền gửi dự trữ từ các ngân hàng. Mục đích chính của kế hoạch này là nhằm nâng cao hiệu quả các chính sách tài chính từ FED.
Tuy vậy phải đến năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra thì FED mới thực sự áp dụng chính sách này nhằm tăng cường bảo đảm tiền gửi cũng như tính an toàn trong hệ thống ngân hàng. Việc FED trả lãi suất cho tiền gửi dự trữ bắt buộc giúp tăng tính an toàn cho các khoản tiền gửi ở ngân hàng tư nhân, đồng thời điều tiết tốt hơn với các chính sách nới lỏng hoặc thắt chặt tiền tệ đối với nền kinh tế.
Tính đến tháng 8/2018, FED đang nắm giữ hơn 1.976 tỷ USD tiền gửi dự trữ của các ngân hàng với tỷ lệ dữ trữ bắt buộc là 10% đối với khoản tiền cao hơn 122.3 triệu USD. Trên thế giới hiện nay, khá nhiều ngân hàng trung ương cũng trả lãi suất cho tiền gửi dự trữ bắt buộc. Ví dụ Ngân hàng trung ương Anh đã thực hiện cơ chế này từ năm 2009 trong khi Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã có thẩm quyền thực hiện điều này từ năm 1999.
AB