Lộ bằng chứng hãi hùng lính Iraq tra tấn cả IS lẫn dân thường "cho vui", Mỹ cắt viện trợ
Bạo lực gia tăng từ lính Iraq
Một nhóm lính Iraq được quân đội Mỹ đào tạo đã bị cáo buộc giết hàng chục người vô tội trong trận chiến chống IS ở thành cổ Mosul.
Theo Al Jazeera và ABC News, liên tiếp xuất hiện những bằng chứng hình ảnh và thước phim được báo cáo là ghi lại cảnh lính Iraq tra tấn và giết không chỉ các phần tử Nhà nước Hồi giáo (IS), mà có cả dân thường và những người vô tội.
Trong các đoạn phim này, binh lính Iraq đánh đập dã man những người đàn ông không có vũ trang. Một đoạn phim khác cũng cho thấy lính Iraq đẩy một người được cho là IS xuống từ vách đá cao.
Cảnh cắt từ clip quân Iraq đẩy 2 lính IS xuống vực.
Các quan sát viên giấu tên của HRW thuật lại cảnh một nhóm lính Iraq dẫn bốn người đàn ông khỏa thân xuống dưới một con hẻm vắng, và sau đó có tiếng súng nổ phát ra liên tiếp. Khi được hỏi, họ cho biết bốn người nói trên là lính IS.
Xác của những người này nằm cạnh la liệt những thi thể khác, một trong số đó bị còng tay và trói chân.
Hiện tại, khó có thể độc lập xác nhận các thông tin thực địa, vì chính quyền Iraq đã hạn chế nghiêm ngặt thông tin ở thành cổ Mosul từ ngày 10/7, sau khi Thủ tướng Haider al-Abadi tới đây tuyên bố chiến thắng trước lực lượng khủng bố IS. Đại diện chính phủ và quân đội Iraq cũng từ chối bình luận.
Trao đổi với ABC News hồi tháng 5, cựu Trung tá quân đội Mỹ Scott Mann nói sau khi xem các thước phim: "Đó là hành vi giết người. Cần phải có hình phạt thích đáng với những tội ác chiến tranh. Đây là những hành vi đáng lên án, kể cả trong chiến tranh."
Một người bị nghi là IS bị trói. (Ảnh: Reuters)
Những bằng chứng mới nhất
Phóng viên chiến trường Ali Arkady, người dành nhiều tháng hoạt động cùng lực lượng quân đội Iraq tinh nhuệ hồi cuối năm 2016, bí mật đem những thước phim đáng báo động từ chiến trường về cho ABC News.
Sau đó, Arkady cho biết ông thường xuyên nhận được lời dọa giết từ những người đồng đội Iraq. Hiện tại, Arkady đã rời Iraq và tị nạn tại châu Âu. Được biết, dù từ chối bàn luận, các quan chức Iraq cũng đã bắt đầu tiến hành điều tra về các cáo buộc của Arkady.
Ban đầu, phóng viên Arkady dự định viết về những mặt tích cực về đời sống và tinh thần của binh sĩ trong Đội Phản ứng Khẩn cấp (E.R.D.) thuộc Bộ Nội vụ Iraq, ghi lại cảnh những người lính từ hai dòng Shi'a và Sunni cùng hợp tác trong cuộc chiến chống lại IS.
Nhưng mọi chuyện bắt đầu có chiều hướng khác. Khi những người lính bắt đầu tin tưởng ông, họ cho phép ông ghi lại những cảnh tra tấn người bị bắt, thậm chí còn gửi một đoạn phim ghi lại cảnh một tù nhân bị còng tay, treo lên cao.
Đáng chú ý, trong một cuộc phỏng vấn điện thoại với ABC, Đại úy Omar Nazar của E.R.D. không phủ nhận tính xác thực các cảnh quay của Arkady. Quan chức này khẳng định rằng, các chiến thuật tàn bạo là chính đáng vì những người bị tra tấn và giết đều có liên kết với IS.
Ông Nazar nói: "Chúng tôi không muốn tù nhân chiến tranh. Chúng tôi không giữ tù nhân."
Hình thức tra tấn phổ biến của lính Iraq (Ảnh: Ali Arkady)
Sarah Leah Whitson, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Trung Đông, trả lời ABC News sau khi xem các đoạn phim tra tấn, cho biết "đây không phải là kiểu tra tấn để lấy thông tin, đây là tra tấn cho vui".
Trong một đoạn phim quay bởi Arkady, Đại tá Nazar ép một người đàn ông lên tường, đấm liên tục 15 phát và bắt anh ta nói lời hứa trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi.
Người đàn ông nói từng từ một theo Nazar một cách đau đớn. Sau đó, ông Nazar yêu cầu phóng viên Arkady chỉnh sửa và cắt ghép lại để giống như cảnh người đàn ông kia tự nói.
"Nazar biết người đàn ông vô tội. Anh ta không hề làm việc với IS," Arkady kể lại.
Làm việc cùng Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ABC News không thể xác minh được số phận người đàn ông trong đoạn phim đó hiện giờ ra sao. Số phận của nhiều nạn nhân khác cũng vậy.
Ông Scott Mann bình luận: "Chẳng phải đây chính là những gì IS muốn đem tới mảnh đất này sao?"
Có nhiều cáo buộc lính Iraq tra tấn người vô tội để tiêu khiển. (Ảnh: Ali Arkady)
Phản ứng của chính phủ Mỹ
Các đoạn phim của Ali Arkady đã đặt ra dấu chấm hỏi lớn: Liệu chính phủ và quân đội Mỹ có biết về những vi phạm nghiêm trọng của lính Iraq hay không, và đã làm gì để hạn chế việc lạm dụng quyền lực ở khu vực này.
Al Jazeera dẫn lời bà Sarah Leah Whitson, "Quân đội Mỹ nên tìm hiểu tại sao lực lượng được họ đào tạo lại gây ra những tội ác như vậy. Dân Mỹ đóng thuế để giúp ngăn chặn bạo lực, không phải để ủng hộ tội ác chiến tranh."
ABC News cho hay, các quan chức quân sự Mỹ đã liệt tổ chức E.R.D vào danh sách đen, ngừng cấp viện trợ quân sự và vũ khí của Mỹ theo luật liên bang gọi là Đạo luật Leahy.
Theo luật này, Mỹ phải từ chối viện trợ quân sự cho một quốc gia nếu có "những bằng chứng đủ tin cậy rằng quốc gia này đang vi phạm nhân quyền nghiêm trọng".
Tất Đạt