Liên Xô tan rã, Triều Tiên chớp thời cơ "nẫng" công nghệ tên lửa trên tay Mỹ như thế nào?
Tài sản được nhắc đến là toàn bộ bản thiết kế và mô hình các thế hệ tên lửa phóng từ tàu ngầm do Liên Xô phát triển.
Thương vụ Nga-Mỹ đổ bể, Triều Tiên chớp thời cơ
Báo Washington Post cho hay, trong số các loại tên lửa gồm "Calm" và "Ripple" - phóng từ tàu ngầm và mang đầu đạn nặng, và mô hình mới gọi là "Surf" có thể phóng từ bên cạnh thành tàu và bắn lên từ mặt nước.
Ý tưởng ban đầu về kế hoạch giữa Nga-Mỹ là các công ty vệ tinh của Mỹ hợp tác với một phòng thí nghiệm vũ khí hàng đầu của Nga để "chuyển các tên lửa phóng từ tàu ngầm thành những tên lửa không gian hòa bình".
Do vướng các hàng rào pháp lý và thủ tục hành chính, người Mỹ không thể thực hiện phi vụ hợp tác này. Tuy nhiên, người Nga đã nhanh chóng tìm được một đối tác mới sẵn sàng trả tiền mặt cho công nghệ quân sự của Liên Xô sau năm 1991. Đó là Triều Tiên.
Hơn hai thập kỷ sau đó, một số kiểu tên lửa của Liên Xô một lần nữa xuất hiện tại các buổi phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Giờ đây, các tài liệu mới được công bố đã cung cấp những bằng chứng mới về nguồn gốc của những tiến bộ kỹ thuật này.
David Wright, chuyên gia về tên lửa tại Liên hiệp các nhà khoa học, nói với WaPo: "Câu hỏi chúng ta quan tâm từ lâu là có phải Triều Tiên đã có được công nghệ này từ việc mua vũ khí của Liên Xô hay không? Có phải họ lên kế hoạch này từ nhiều năm trước hay họ tự phát triển công nghệ tên lửa này?"
Kể từ những năm 1980, thế giới đã biết rằng giới chức Triều Tiên phụ thuộc vào Liên Xô trong việc cung cấp các bộ phận và thiết kế cho các mẫu tên lửa thế hệ cũ.
Phát hành bởi Cục Thiết kế tên lửa Makeyev, các loại tài liệu này bao gồm các văn bản giới thiệu một loạt các tên lửa hàng đầu của Liên Xô, mẫu tên lửa chở đầu đạn hạt nhân có thể tấn công các thành phố của Mỹ. Ban đầu được thiết kế cho tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Liên Xô, một số mẫu tên lửa này có thể được phóng lên từ một chiếc tàu lớn, tàu ngầm hoặc từ tàu được thả xuống biển.
Kyle Gillman, người đàm phán thỏa thuận kinh doanh giữa Mỹ và các nhà khoa học Nga đã xác nhận tính chân thực của các loại tài liệu do WaPo thu thập được.
"Tên lửa này có thể nổi lên và phát nổ mà không cần đến một bệ phóng," Gillman cho biết.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm xuất hiện trong cuộc diễu binh trên quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng ngày 15/4/2017, kỷ niệm 105 năm ngày sinh của nhà lập quốc Triều Tiên, ông nội của lãnh đạo Kim Jong Un (Ảnh: Wong Maye-E/AP)
Vào mùa hè năm 1993, khi dự án hợp tác Mỹ-Nga đổ vỡ, hơn 60 nhà khoa học người Nga và các thành viên trong gia đình họ bị bắt tại sân bay quốc tế Sheremetyevo của Moskva khi đang chuẩn bị bay sang Bình Nhưỡng. Các quan chức tình báo Mỹ, Nga và Hàn Quốc sau đó kết luận một số nhà khoa học cuối cùng đã đến được Triều Tiên và cung cấp các bản thiết kế và tư vấn kỹ thuật cho chương trình tên lửa của nước này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích Mỹ đã tìm thấy bằng chứng thuyết phục hơn trong các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong suốt hai năm qua. Ví dụ như tên lửa Hwasong-10, hay Musudan - một tên lửa tầm trung đã được Triều Tiên thử nghiệm thành công vào tháng 6/ 2016, dường như sử dụng cùng một động cơ và nhiều tính năng thiết kế như mẫu R-27 Zyb của Liên Xô. Đây là loại tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm do các nhà khoa học của Makeyev thiết kế và quảng cáo trong tài liệu do WaPo thu thập được.
Thực tế, WaPo cho hay, Triều Tiên từ lâu đã thiếu những nguyên liệu tinh vi, kỹ thuật chuyên môn và hệ thống máy móc do máy tính điều khiển để chế tạo các loại tên lửa tiên tiến mà họ vừa thử nghiệm gần đây.
"Do Triều Tiên gần đây đã mua được các loại máy móc tiên tiến nhất hồi thập niên 1990 và vẫn còn sử dụng rất tốt, nên trình độ chế tạo vũ khí của nước này chứng kiến bước tiến không phải là điều quá ngạc nhiên," Kyle Gillman nói.
Bước tiến về công nghệ chế tạo vũ khí
Vào ngày 22/6/2016, Triều Tiên thông báo thử thành công tên lửa mới khác biệt rất nhiều so với bất cứ vũ khí nào của Bình Nhưỡng trước đây. Với chiều cao gần 11 mét, sử dụng chất lỏng lỏng mạnh hơn dầu nhiên liệu mà Triều Tiên thường sử dụng, loại tên lửa mới có khả năng bay xa hơn và mang trọng lượng lớn hơn.
Tên lửa được đặt tên là Hwasong-10, hay Musudan. Nhưng các chuyên gia nhận thấy những điểm tương đồng nổi bật đối với R-27 Zyb, hay Ripple, được sản xuất bởi Cục thiết kế tên lửa Makeyev.
Hai tháng sau, vào ngày 24/8/2016, Triều Tiên thử nghiệm thành công Pukguksong-1, một tên lửa phóng từ tàu ngầm, cũng kết hợp một số tính năng từ Zyb.
Hwasong-15, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) do Triều Tiên phóng thử ngày 29/11/2017, được xác định có tầm bắn lên tới 13.000 km, bao phủ toàn bộ lãnh thổ Mỹ (Ảnh: KCNA/AP)
Joshua Pollack, nhà phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí James Martin ở California (Mỹ), cho biết cả hai mô hình này đều có nguồn gốc từ thiết kế của R-27 của Cục Makeyev.
Sau hai cuộc thử nghiệm này là vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên của Triều Tiên với khả năng tấn công bất cứ địa điểm nào trên lãnh thổ Mỹ.
Mặc dù đã có "bằng chứng chắc chắn" rằng Triều Tiên mua lại bản thiết kế của mẫu tên lửa Zyb R-27, nhưng đến nay chưa có chứng cứ cho thấy Bình Nhưỡng đang xây dựng một bản sao của mẫu tên lửa R-29 Shtil - với động cơ mạnh mẽ hơn và khả năng bay xa hơn 8000 km.
Michael Elleman, nhà khoa học tên lửa và là chuyên gia ở Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh, dự đoán "có thể [mẫu tên lửa R-29] đã tồn tại ở đó, và sẽ xuất hiện trong tương lai".
Triều Tiên công bố toàn cảnh vụ phóng tên lửa ngày 29/11
Ngọc Nguyễn