Liên tiếp điều chỉnh hạ lãi suất điều hành: Dư địa giảm vẫn còn?
Ảnh minh hoạ. |
Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã quyết định từ ngày hôm nay (3/4) giảm nhiều mức lãi suất từ 0,3 - 0,5%/năm. Đây là lần thứ hai liên tiếp trong một tháng, lãi suất điều hành giảm.
Giảm lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế
Ngay sau khi có thông tin NHNN tiếp tục hạ lãi suất điều hành lần thứ hai, ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng tỏ ra rất vui mừng. Bởi, trước đây, doanh nghiệp đang phải vay vốn với lãi suất ở mức 11-12%/năm khiến giá của sản phẩm cao, trong khi lượng đơn hàng giảm xuống 20-30%.
Việc lãi suất giảm liên tục sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sản xuất và bán được nhiều hàng hơn.
“Hiện đang là thời điểm đáy của giá nguyên vật liệu nên doanh nghiệp quyết định tiếp tục vay vốn của ngân hàng để mua hàng phục sản xuất”, ông Dương thông tin.
Trong lĩnh vực dệt may, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, trong bối cảnh các nước trên thế giới như Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) vẫn đang trong lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát thì việc giảm lãi suất điều hành cũng cho thấy nỗ lực của Chính phủ và NHNN trong việc giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.
“Việc NHNN liên tục hạ lãi suất điều hành là “liều thuốc” rất kịp thời để cho doanh nghiệp có nguồn vốn lãi suất thấp, từ đó sẽ giúp giá vốn của sản phẩm giảm, thúc đẩy tiêu thụ trong bối cảnh khó khăn lượng đơn hàng xuất khẩu và trong nước bị giảm sút”, ông Việt nhìn nhận.
Đánh giá về động thái điều hành lãi suất trên của NHNN, Ts.Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc giảm lãi suất là động thái khá “mạnh dạn” của NHNN trong bối cảnh thị trường tài chính biến động, đặc biệt, mặt bằng lãi suất thế giới được dự báo có thể còn tăng hết quý 2/2024
"Đây là động thái điều hành thực hiện theo Chỉ đạo của Thủ tướng tại Chính phủ ban hành Nghị quyết 31/NQ-CP ngày 7/3/2023, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, qua đó phục hồi tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn", ông Lực nêu rõ.
Phân tích cụ thể, theo ông Lực, việc giảm một số loại lãi suất điều hành tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục giảm lãi suất huy động. Đây cũng là cơ sở để các NHTM hạ lãi suất cho vay. Từ đó, hỗ trợ một phần chi phí lãi suất, giúp giảm chi phí đầu vào chung của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vay nhiều đang gặp khó khăn về tài chính.
Không chỉ tác động giảm lãi suất, việc giảm lãi suất rõ ràng sẽ có tác động tích cực về tâm lý, đó là tín hiệu đảo chiều chính sách của NHNN.
"Với kỳ vọng mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm thời gian tới kể cả ngắn hạn, trung, dài hạn, tạo tâm lý tích cực cho người dân - doanh nghiệp - nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền nhiều hơn, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế", ông Lực tin tưởng.
Vẫn còn dư địa hạ lãi suất?
Thời gian tới, ông Lực cho rằng, dư địa hạ lãi suất cho vay vẫn còn trong bối cảnh áp lực về lạm phát, tỷ giá, lãi suất ở trên thế giới đã và đang giảm nhiệt.
Đặc biệt, khi kinh tế thế giới khó khăn, một số ngân hàng Trung ương các nước cũng đã và đang điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng không còn tăng lãi suất nữa, thậm chí phải tính toán đến việc giảm lãi suất từ đầu năm tới để hỗ trợ kinh tế phục hồi.
Cùng với đó, kinh tế trong nước cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, trong khi thanh khoản của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài dư thừa, đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế.
Vì vậy, việc giảm lãi suất cho vay cũng là vừa là để kích cầu tín dụng, vừa là để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn. Từ đó, giúp cho hệ thống ngân hàng có thể tăng trưởng tín dụng ở mức độ tích cực để tăng nguồn thu thì mới đảm bảo được kế hoạch kinh doanh đã đề ra.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng tương đối dồi dào, áp lực vốn không còn nhiều như trước nữa và việc chạy đua lãi suất huy động không còn cao nữa. Cùng với đó, dù lạm phát của 3 tháng đầu năm tiệm cận mục tiêu của Chính phủ, song khi so sánh cùng kỳ với các năm trước thì chưa phải là cao và cầu tiêu dùng từ cuối năm 2022 đến nay chưa tạo áp lực gia tăng lạm phát.
“Vì vậy, vẫn có cơ sở điều chỉnh lãi suất giảm trong thời gian tới, vừa hỗ trợ cho phục hồi tăng trưởng theo mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ, cũng như cân đối với các chỉ số kinh tế vĩ mô khác”, ông Việt nhìn nhận.
Tuy vậy, theo ông Việt, nguy cơ lạm phát vẫn còn do có nhiều yếu tố tác động như sẽ có đợt tăng lương cơ bản vào đầu tháng 7/2023; nhiều khả năng giá điện sẽ tăng và sản xuất của doanh nghiệp có thể phục hồi trở lại.
“Tất cả những điều này sẽ tạo áp lực về lạm phát, đòi hỏi các Bộ ngành, đặc biệt là NHNN phải nghe ngóng và dự báo chính xác sự thay đổi của yếu tố vĩ mô để có chính sách phù hợp linh hoạt”, ông Việt lưu ý.
Ngoài ra, dù chưa gây ra ảnh hưởng domino hay suy thoái kinh tế toàn cầu, song sự sụp đổ của một số ngân hàng lớn trên thế giới cũng cho thấy sức khỏe chung của hệ thống ngân hàng thế giới đang có vấn đề.
Vì vậy, NHNN cũng cần phải lưu ý sức khỏe của hệ thống tài chính ngân hàng trong nước khi vấn đề trái phiếu vẫn chưa được giải quyết triệt để và vẫn có rủi ro nhất định.
“NHNN cần cận trọng và xem xét những yếu tố bất định trong tương lai”, ông Việt khuyến nghị.