Lễ Vu Lan: Đại lễ báo hiếu đáng trân trọng
Nguồn gốc và ý nghĩa lễ Vu Lan
Ở Huế, lễ Vu Lan là lễ hội lớn thứ hai sau lễ Phật Đản. Mặc dù Vu Lan là một lễ hội của Phật giáo, nhưng đối với đại đa số người dân Cố đô, dù có theo Phật giáo hay không thì cứ đến ngày 15/7 âm lịch đều chung một lòng hướng về ngày đặc biệt có ý nghĩa tâm linh này.
Chia sẻ với PV báo Thời Đại, Hòa thượng Thích Hải Ấn, trụ trì chùa Từ Đàm, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Lễ Vu Lan có tên gọi như vậy là từ kinh Vu lan. Xuất phát từ truyền thuyết về Bồ tát Mục Kiền Liên, một vị đại đệ tử của Đức Phật. Theo kinh Vu Lan, ngài Mục Kiền Liên đã tu luyện được nhiều phép thành thông. Sau khi mẹ mình qua đời, ông đã dùng mắt tuệ nhìn khắp thế gian để tìm. Thấy mẹ mình phải sinh loài ngọa quỷ, bị đày đọa cực hình ở cảnh giới địa ngục vì gây nhiều tội ác nên ngài đã thỉnh cầu đến Đức Phật. Đức Phật đã dạy ngài rằng: Vì ác nghiệp của mẹ Kiền Liên quá nặng, cho nên chỉ còn cách nhờ hợp lực của các chư Tăng khắp mười phương mới mong chuyển được nghiệp khổ. Vào ngày rằm tháng Bảy, nhân lúc chư Tăng mãn hạ (sau 3 tháng an cư kiết hạ-PV) thì sắm sửa lễ phẩm đặt vào trong chậu để dâng cúng và thành khẩn cầu xin mới có thể cứu rỗi vong nhân khỏi địa ngục tăm tối. Ngài Mục Kiền Liên đã làm theo lời Đức Phật dạy và không những cứu được mẹ mình mà giải thoát được tất cả các vong hồn bị giam cầm ở âm cung. Cũng chính bởi vậy, ngoài tên gọi là lễ Vu Lan với ý nghĩa “mùa hiếu hạnh” thì còn được gọi là Lễ Xá tội vong nhân”.
Trong những ngày này, người dân thường lập đàn cầu siêu hoặc cúng thí (bố thí) thức ăn cho các cô hồn (tức là vong hồn không có người thân) để mong họ phù hộ cho mình.
Chùa Từ đàm, nơi đông đảo Phật tử trong và ngoài tỉnh đến trong ngày lễ Vu Lan.
Về sau theo lời Phật dạy, các Phật tử muốn báo hiếu cha mẹ cũng cử hành lễ Vu Lan để cầu siêu cho các đấng sinh thành và cầu chuyển đổi nghiệp báo địa ngục cho những bà con thân thuộc nhiều đời, và từ đó lễ Vu Lan ra đời.
Đây là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất, một tập tục đáng quý, đáng trân trọng. Lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ là ngày dành cho các Phật tử mà đó còn là mùa báo ân, báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên... cho tất cả mọi người.
Đồng thời, lễ Vu Lan cũng là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của ông bà, cha mẹ cũng như tổ tiên và các anh hùng dân tộc đã có công với đất nước.
Dù gọi là lễ Vu Lan hay lễ Xá tội vong nhân thì trên hết, ý nghĩa của ngày rằm tháng Bảy âm lịch vẫn là hướng về nguồn cội với lòng thành kính của chữ Hiếu. Ngoài ra, đây còn là dịp mọi người tìm về cội nguồn tổ tiên dân tộc của mình.
Phong tục Vu Lan trên đất Huế
Hòa thượng Thích Hải Ấn, trụ trì chùa Từ Đàm chia sẻ về ngày lễ Vu Lan báo hiếu.
Huế từng được mệnh danh là chiếc nôi của Phật giáo. Đất Cố đô hiện có hàng trăm ngôi chùa, địa phương nào, làng nào cũng có chùa. Ở Huế, Vu Lan là lễ hội lớn thứ hai sau lễ Phật Đản và không mâm cao, cỗ đầy. Dịp này, các chùa đã mở cửa từ sáng sớm để đón mọi người đến thắp hương, cầu nguyện cho người thân.
Trong ngày lễ Vu Lan, mọi người đều đến cửa chùa để tỏ lòng thành kính với người đã sinh ra mình, dù ai còn mẹ hay mất mẹ cũng làm mẹ vui.
Ngoài ra trong ngày này, các Phật tử thường làm lễ cúng dường Trai Tăng, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải những nghiệp chướng...
Vu Lan cũng là ngày mà nhiều người dân Huế đi thăm mộ và thắp hương cho người quá cố, dù không đông bằng ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là một nét đẹp truyền thống mà người Huế còn lưu giữ được.
Chùa Từ Đàm và những ngôi chùa khác ở cố đô Huế hối hả tiến hành công tác chuẩn bị tổ chức lễ Vu Lan.
“Gần đây có một truyền thống xuất phát từ Nhật Bản, đó là truyền thống cài hoa hồng. Vào dịp lễ Vu Lan, mỗi người thường được cài lên áo một bông hoa hồng: Màu đỏ cho người còn mẹ và màu trắng cho ai đã mất mẹ. Với những ai may mắn được cài bông hồng đỏ trên ngực áo thì được nhắc nhở hãy cố gắng hết lòng vâng lời, hiếu kính và lễ phép với cha mẹ. Còn người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở không bao giờ quên ơn cha mẹ, đồng thời giữ nề nếp gia phong anh em hòa thuận”, Hòa thượng Thích Hải Ấn chia sẻ thêm.
Bài và ảnh M.Hữu-H.Ngọc