Lãnh đạo vận hành và giám đốc sáng tạo: Câu chuyện của người duy trì và kẻ giúp doanh nghiệp đột phá
Ngày nay, quá trình toàn cầu hóa cùng với nền kinh tế đầy biến động và sự cạnh tranh gay gắt khiến các doanh nghiệp ngày càng phải tích cực đổi mới công nghệ, kỹ thuật, sản phẩm và thậm chí là cách quản lý điều hành để thích ứng được với môi trường.
Với lý do đó, doanh nghiệp cần liên tục đổi mới sáng tạo, nhưng chính hiện tượng này đã tạo ra 2 kiểu lãnh đạo khác nhau là lãnh đạo vận hành và lãnh đạo sáng tạo.
Kiểu nhà lãnh đạo vận hành với những kỹ năng đảm bảo hoạt động sản xuất của công ty (Delivery Skills) như phân tích, lên kế hoạch, định hướng và đảm bảo quy trình là yếu tố cơ bản của một công ty. Nếu không có những nhà lãnh đạo này, các doanh nghiệp không thể biến các ý tưởng sáng tạo thành hiện thực.
Hãy tưởng tượng Apple có ý tưởng phát triển dòng iPhone mới trên thị trường nhưng không có các nhà thiết kế, quy trình sản xuất và phân phối không có ai quản lý thì có lẽ sản phẩm này cũng chẳng thể ra mắt được.
Trong khi kiểu lãnh đạo vận hành là yếu tố cơ bản với mọi công ty thì lãnh đạo sáng tạo mới chỉ được chú trọng trong vài năm trở lại đây. Những kỹ năng sáng tạo (Discovery Skills) của họ đã đóng góp rất nhiều thành công cho các ông lớn như Apple (Steve Jobs), Amazon (Jeff Bezos) hay P&G (AG. Lafley).
Mặc dù vậy, việc cân bằng 2 kiểu lãnh đạo này trong công ty cũng khiến các ông chủ rất đau đầu. Thông thường, trong những giai đoạn đầu khởi nghiệp, các kỹ năng sáng tạo là tối cần thiết khi doanh nghiệp mới cần các ý tưởng đột phá để thu hút vốn đầu tư, khách hàng cũng như thị phần.
Dần dần, công ty ngày một lớn mạnh, vai trò của những lãnh đạo vận hành ngày một rõ hơn khi doanh nghiệp đã đi vào quỹ đạo. Lúc đó, những kỹ năng vận hành, quản lý chung đóng vai trò thiết yếu nhằm đảm bảo công ty vận hành trơn tru.
Rõ ràng, việc điều hành một cửa hàng nhượng quyền của McDonald’s sẽ cần rất nhiều kiểu lãnh đạo sáng tạo, trong khi việc điều hành một đế chế như Apple sẽ phải biết kết hợp hài hòa giữa 2 phong cách.
Một nghiên cứu của HBR cho thấy tại các tập đoàn lớn, những nhà lãnh đạo cao cấp thường là những người có phong cách sáng tạo, trong khi các cấp quản lý tầm trung lại không thích kiểu làm việc không theo nguyên tắc.
Làm sao để trở thành lãnh đạo sáng tạo?
Việc trở thành một nhà lãnh đạo vận hành không hề khó với các cấp quản lý khi chúng đã có những nguyên tắc định sẵn. Tuy nhiên, để trở thành một nhà lãnh đạo sáng tạo như Steve Jobs lại không hề dễ dàng.
Những câu hỏi làm sao để đổi mới, sáng tạo tổ chức cũng như bản thân, đã được rất nhiều giám đốc điều hành tự hỏi. Trên thực tế, nghiên cứu của HBR chỉ ra có 4 kỹ năng cơ bản mà một nhà lãnh đạo sáng tạo cần nắm vững.
Đầu tiên là khả năng liên kết những ý tưởng, suy nghĩ lại với nhau. Những thứ tưởng chừng như chẳng liên quan đến nhau có khi lại kết hợp hoàn hảo để cho ra một ý tưởng tuyệt vời. Nếu Steve Jobs không liên kết được một chiếc điện thoại với máy nghe nhạc, máy ảnh và nhiều tính năng khác thì có lẽ iPhone đã không ra đời.
“Sáng tạo thực chất chỉ là kết nối nhiều thứ lại với nhau”, Steve Jobs đã nói như vậy.
Trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng việc Jobs cho ra được hàng loạt các ý tưởng tuyệt vời là do ông đã dành cả đời để khám phá những thứ mới mẻ nhưng chẳng liên quan mấy đến nhau như nghệ thuật thư pháp, phong cách thiền dưỡng sinh của người Ấn Độ hay những kết cấu xa xỉ của 1 chiếc Mercedes Benz.
Kỹ năng thứ 2 mà một nhà lãnh đạo sáng tạo cần có là khả năng tự hỏi, đặt vấn đề theo những góc độ khác nhau. Cách đây 50 năm, chuyên gia nổi tiếng người Mỹ Peter Drucker đã có câu nói nổi tiếng: “Mục tiêu khó khăn và quan trọng nhất không phải là tìm ra câu trả lời chính xác mà là tìm ra câu hỏi chính xác”.
Đồng ý với quan điểm trên, Chủ tịch Ratan Tata của tập đoàn xe hơi hàng đầu Ấn Độ Tata cũng hưởng ứng việc nghi vấn những thứ không được phép đặt câu hỏi.
Trong khi đó, cự CEO của eBay, bà Meg Whitman đã từng làm việc với rất nhiều nhà khởi nghiệp cũng như những nhà sáng lập của eBay, Paypal hay Skype để đi đến kết luận rằng những thiên tài này không bao giờ ngừng tự hỏi và xoay chuyển vấn đề theo những cách khác nhau. Những nhà sáng lập này không bao giờ ngại bị người khác chê cười, đối với họ quá trình tự hỏi, nghĩ vượt giới hạn hay nghi vấn những thứ cố định là điều hiển nhiên trong công việc.
Kỹ năng thứ ba mà những nhà lãnh đạo sáng tạo cần nắm là khả năng quan sát. Chủ tịch Ratan Tata là người giỏi quan sát khi ông nhận thấy nhiều gia đình Ấn Độ mạo hiểm chở cả gia đình trên những chiếc xe máy nhỏ, để rồi tự hỏi làm thế nào để sản xuất ra loại xe hơi vừa rẻ vừa chở được nhiều người.
Thế rồi vào năm 2009, tập đoàn Tata cho ra mắt dòng xe Nano với giá chỉ 2.500 USD, làm đảo lộn thị trường ô tô Ấn Độ.
Tương tự, giám đốc Akio Toyoda của Toyota cũng cố gắng áp dụng học thuyết Genchi Genbutsu, qua đó yêu cầu những nhà quản lý phải thấy tận mắt, sờ tận tay trước khi nói về vấn đề gì đó. Đây là một trong những bí quyết khiến Toyota vượt qua các đối thủ khác về chất lượng sản phẩm.
Tiếp đó, những nhà lãnh đạo sáng tạo cần phải thử nghiệm trước khi đi đến thành công. CEO Jeff Bezos đã thử xây dựng một kho bán sách online trước trang web này trở thành chợ thương mại điện tử lớn trên thế giới. Trong khi đó, Thomas Edison cũng đã phải lần mò thí nghiệm rất nhiều trước khi phát minh thành công nhiều sáng kiến vĩ đại.
Nghiên cứu chuyên gia Gerald W.Sanders cho thấy những nhà quản lý trải nghiệm nhiều vị trí ở các nước khác nhau cho kết quả bình quân tốt hơn 7% so với những người không có. Ví dụ CEO AG.Lafley của P&G đã từng học lịch sử tại Pháp, bán lẻ trong doanh trại quân đội Mỹ rồi làm giám đốc P&G tại khu vực Châu Á. Nhờ những kiến thức rộng lớn đó mà ông Lafley đã biến P&G thành một trong những công ty sáng tạo nhất thế giới.
Cuối cùng, việc thiết lập các mối quan hệ xã hội cũng là điều mà nhà lãnh đạo sáng tạo cần phải học hỏi. trong khi nhiều giám đốc tận dụng các mối quan hệ để làm ăn thì những lãnh đạo sáng tạo dùng chúng để mở rộng ý tưởng, trao đổi thông tin tìm ra hướng đi mới. Ngày nay, những trang mạng như Facebook, LinkedIn... có thể trở thành nơi giao lưu rất tốt cho những người sáng tạo.
Việc đổi mới và sáng tạo cho doanh nghiệp không quá dễ cũng không quá khó. Apple có khẩu hiệu “Nghĩ khác biệt” (Think Different) nhưng trên thực tế nó không hoàn toàn chính xác. Để nghĩ khác, nhà lãnh đạo cần có những kỹ năng khác so với lãnh đạo vận hành và phải có những động thái khác để có được sự đổi mới.
Băng Tâm