Tại thành phố Bắc Kinh, nơi được mệnh danh là “kinh đô ẩm thực” của đất nước 1,4 tỷ dân, không chỉ hội tụ ẩm thực các vùng miền Trung Quốc, mà còn chứng kiến sự phát triển mạnh của hệ thống nhà hàng đồ ăn nước ngoài. Ngoài ẩm thực châu Âu, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc… thời gian gần đây, các quán ăn Việt Nam dần có chỗ đứng trong lòng thực khách Bắc Kinh, góp phần lan tỏa văn hóa ẩm thực Việt tại thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. |
Giữ gìn hương vị truyền thống |
Nếu tìm kiếm trên các ứng dụng tìm kiếm phổ biến ở Trung Quốc như Baidu, Dazhongdianping, Gaode, người ta dễ dàng tìm thấy hàng chục các quán kinh doanh đồ ăn Việt Nam, với đủ các món ăn 3 miền bắc, trung, nam. Ngay trên ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến Waimai, có tới hàng chục cửa hàng “online” bán đồ ăn Việt Nam. Trong đó, nổi bật và giành được nhiều yêu thích hơn cả, có lẽ là chuỗi cửa hàng SuSu. Nhà hàng SuSu rất nổi tiếng với thực khách Bắc Kinh. Từ 1 nhà hàng ra đời năm 2011 tại khu phố cổ “tứ hợp viện” ở trung tâm Bắc Kinh, đến nay, SuSu đã trở thành chuỗi nhà hàng chuyên kinh doanh các món ăn Việt, với 8 địa chỉ nằm ở các khu vực khác nhau ở thành phố, do 8 bếp trưởng người Việt phụ trách và có hơn 200 nhân viên người bản địa. Đến đây, thực khách có thể thưởng thức nhiều món ăn cả 3 miền như phở bò, nem, chả giò, gỏi cuốn, nộm… Điều đặc biệt là, thiết kế thực đơn các món ăn khác nhau tới 40% giữa các nhà hàng SuSu, để thực khách có các trải nghiệm ẩm thực riêng khi đến với những địa chỉ khác nhau. Anh Lê Ngọc Quyền, bếp trưởng của chuỗi nhà hàng, được đào tạo chuyên nghiệp tại Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, là học trò của MasterChef Phạm Tuấn Hải, trực tiếp phụ trách chuyên môn ẩm thực của 8 nhà hàng, hằng ngày đều phải di chuyển hàng chục cây số giữa các nhà hàng để kiểm tra, đôn đốc công việc. Bếp trưởng Lê Ngọc Quyền tự tay chuẩn bị tô phở Việt Nam. Gắn bó với chuỗi nhà hàng ngay từ khi thành lập, anh Quyền đã lập nghiệp tại Bắc Kinh hơn chục năm nay, thậm chí người anh “bén duyên” lấy làm vợ cũng là 1 thực khách và là du học sinh Việt Nam nhiều lần đến ăn tại quán. Chia sẻ với chúng tôi, anh Quyền cho biết, điều quan trọng nhất là giữ được tinh hoa trong hương vị các món ăn Việt cũng như đặc trưng các vùng miền, ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu cũng phải hết sức tinh tế, giữ được sự tươi ngon của đồ ăn và đậm đà gia vị truyền thống. Theo anh, phở, nộm đu đủ, chả cá Lã Vọng, nem rán là những món ăn “quốc hồn quốc túy”, phải làm sao gìn giữ và lan tỏa được cái tinh túy nhất của những món ăn này. Nằm ở khu phố Sanlitun sầm uất bậc nhất thành phố Bắc Kinh, quán Việt Xá (Yueshe) kinh doanh đồ ăn Việt Nam từ năm 2012, có 13 đầu bếp và nhân viên người Việt Nam và bản địa. Chị Thanh, chủ quán cho biết, phở, nem rế, bánh cuốn, giò chả là những món ăn được ưa thích nhất tại đây. Điều đặc biệt là, các nguyên liệu và gia vị để chế biến các món ăn đều được đặt từ Việt Nam sang, để giữ được nguyên vị ẩm thực Việt. Khách đến quán một số là người Việt Nam sinh sống, học tập tại Bắc Kinh, nhưng phần lớn là người Trung Quốc và người nước ngoài, không ít trong số đó là những người đã từng đi du lịch Việt Nam, yêu thích và muốn tìm lại “hương vị Việt”. Chị Thanh cho biết, ngoài việc giữ gìn hương vị truyền thống của ẩm thực Việt, nhất là lựa chọn gia vị và nguyên liệu “chuẩn vị”, quán cũng nghiên cứu kỹ thói quen sở thích và khẩu vị của người bản địa, để có điều chỉnh phù hợp, nhằm thu hút đông đảo thực khách, nhất là nhóm khách trẻ đến vui chơi, mua sắm ở các trung tâm thương mại dọc khu phố Sanlitun. |
Nâng tầm ẩm thực Việt |
Đặc trưng của ẩm thực Việt là giữ được sự tươi ngon của nguyên liệu, sự đa dạng và bản sắc của vùng miền, sự phong phú của các loại gia vị có nguồn gốc từ thiên nhiên. Đây là điểm mấu chốt, cũng là khó khăn lớn nhất khi ẩm thực Việt vươn ra thế giới. Chia sẻ về điều này, anh Lê Ngọc Quyền cho biết, để tạo nguồn nguyên liệu “chuẩn vị Việt”, hệ thống nhà hàng SuSu đã nghiên cứu và lập xưởng làm bánh phở tươi Việt Nam duy nhất tại thành phố Bắc Kinh vào năm 2018, giai đoạn đầu cung cấp khoảng 200 đến 300 kg bánh phở mỗi ngày chỉ cho chuỗi nhà hàng, nay tăng lên khoảng 400 đến 500 kg/ngày cho cả những cửa hàng đồ ăn Việt Nam khác. Ngoài ra, SuSu còn mở cơ sở sản xuất bánh mì Việt, mỗi ngày cung cấp khoảng 200 ổ bánh mì làm nguyên liệu cho chuỗi nhà hàng. |
Vượt qua khó khăn đại dịch |
Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, sau đó lan rộng ra các địa phương khác của Trung Quốc. Thủ đô Bắc Kinh áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch rất nghiêm ngặt, có giai đoạn cách ly toàn xã hội trong nhiều tháng liền. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các cửa hàng đồ ăn Việt Nam. Năm 2020, theo yêu cầu của chính quyền địa phương, các cửa hàng phải dừng tất cả các hoạt động bán hàng tại chỗ, chỉ duy trì hoạt động bán hàng trực tuyến qua các ứng dụng gọi đồ ăn, do vậy doanh thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Như quán Việt Xá, có thời điểm doanh thu sụt giảm đến hơn 50%, trong khi giá thuê mặt bằng và nhân viên rất đắt đỏ. Nhà hàng Việt Xá nằm trong khu phố Sanlitun sầm uất bậc nhất ở Bắc Kinh.
Nhờ những nỗ lực và biện pháp mạnh mẽ trong phòng, chống dịch bệnh, Trung Quốc đã kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, cuộc sống của người dân Bắc Kinh trở lại bình thường. Đại diện chuỗi nhà hàng SuSu cho biết, năm 2020, dù dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn, nhưng nhà hàng vẫn kiên trì vượt khó, nỗ lực giữ vững quy mô hệ thống nhà hàng. Năm 2021, hoạt động kinh doanh đã phục hồi và phát triển nhanh chóng, tổng doanh thu tương đương mức 80% thời điểm trước dịch, đạt kỳ vọng của nhà hàng. Đặc biệt, các nhà hàng nằm ở trung tâm mua sắm lớn có doanh thu tăng trưởng mạnh, do nhu cầu tiêu dùng người dân Bắc Kinh tăng cao, sau một thời gian buộc phải tuân thủ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để phòng chống dịch bệnh. Không ít thực khách Trung Quốc tỏ ra hào hứng với “hương vị Việt” tại nhà hàng SuSu.
|
Chị Loan, đầu bếp nhà hàng Việt Xá cho biết, thời điểm trước dịch, riêng món phở, mỗi ngày quán tiêu thụ khoảng 200 đến 300 bát cả tại chỗ và qua các ứng dụng trực tuyến. Giai đoạn cao điểm dịch, doanh thu giảm mạnh, phải cho gần một nửa số nhân viên tạm nghỉ. Nay dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động kinh doanh của quán khôi phục bình thường trở lại. |
Nhiều dự định cho tương lai |
Tại thành phố Bắc Kinh, đã có hàng chục cơ sở kinh doanh các món ăn Việt Nam, song so với hàng nghìn nhà hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Âu-Mỹ, Arab thì đây vẫn là con số khiêm tốn. Đấy là chưa kể trong số mấy chục địa chỉ ấy, đạt được quy mô, chất lượng và sự đa dạng các món ăn như chuỗi nhà hàng SuSu thì càng không phải nhiều. Nói về dự định tương lai, chị Thanh, chủ quán Việt Xá cho biết sẽ vẫn duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh của nhà hàng, hướng mạnh tới đối tượng khách trẻ và người nước ngoài tại Bắc Kinh, vừa góp phần quảng bá, lan tỏa ẩm thực Việt, vừa tạo công ăn việc làm cho hơn chục đầu bếp và nhân viên người Việt Nam và bản địa. Còn trong mắt bếp trưởng 8X Lê Ngọc Quyền, thị trường 1,4 tỷ dân của Trung Quốc đầy tiềm năng và cơ hội. Riêng năm 2021, chuỗi cửa hàng SuSu đã mở thêm 3 chi nhánh ở Bắc Kinh và nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ rất lớn từ phía chính quyền địa phương. Bếp trưởng Quyền đang ấp ủ dự định sẽ phát triển 1 thương hiệu ẩm thực Đông Nam Á đầu tiên ở Trung Quốc, trong đó các món ăn Việt Nam là chủ đạo, giành lấy lợi thế của người đi đầu, thiết lập chuỗi nhà hàng ở hầu khắp các tỉnh, thành phố, tiếp tục góp phần lan tỏa ẩm thực Việt tại quốc gia đông dân nhất thế giới. |
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN Nội dung: HỮU HƯNG và VI SA - Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc Trình bày: TRUNG HƯNG |