Làm thế nào để một Xphone mới trên thị trường cạnh tranh với Apple và Samsung?
Số liệu của ComScore cho thấy gần 3/4 người Mỹ sử dụng smartphone của Apple hay Samsung. Mặc dù Mỹ không phải thị trường tiêu thụ điện thoại lớn nhất thế giới mà là Trung Quốc và chú ngựa ô Ấn Độ nhưng đây lại là nơi mua nhiều sản phẩm cao cấp nhất cho các hãng smartphone, qua đó đóng góp đáng kể vào doanh thu của công ty.
Hiện tại, nhiều hãng smartphone đang có kế hoạch tấn công thị trường Mỹ. Mới đây, công ty kinh doanh điện thoại lớn nhất Trung Quốc Huawei đã có bản thỏa thuận với AT&T nhằm bán những dòng sản phẩm cấp cao của hãng tại Mỹ. Trong khi đó, hãng tin Bloomberg cho biết Amazon đang tiêu thụ mạnh dòng điện thoại mới có giá thấp nhất vào khoảng 50 USD từ một doanh nghiệp Mỹ lạ hoặc có tên Blu.
Với tình hình người tiêu dùng Mỹ hiện nay đã quá quen với những chiếc iPhone hay Samsung thì việc tiếp cận thị trường lá khá khó khăn với những người chơi mới trong mảng smartphone. Tuy nhiên, những bài học lịch sử đã cho thấy không có gì là không thể. Hãng Dollar Shave Club đã thách thức những ông lớn trong ngành dao cạo râu cho đàn ông và giành được những thành công nhất định. Trong khi đó, Under Amour cũng đã làm các chuyên gia phải ngạc nhiên trong mảng quần áo thể thao.
Theo hãng tin Bloomberg, nhiều công tu có thể tìm những thị trường ngách để tồn tại trong ngành smartphone nhằm tránh đối đầu với Apple hay Samsung. Dẫu vậy, theo lý thuyết thì những ông lớn này cũng có thể bị thách thức theo 3 cách sau.
1. Chi mạnh tay cho quảng cáo
Quy luật đầu tiên của ngành công nghệ tiêu dùng là việc tận dụng những sự khác biệt cho chất lượng sản phẩm hay những điểm nhấn kỹ thuật thường không thành công bền lâu trừ khi đó là công nghệ đột phá, vượt trội hoàn toàn so với mặt bằng chung của thị trường.
Hàng loạt những sản phẩm như WebOS của Palm, Windows Phone của Microsoft hay Fire smartphone 2014 của Amazon đều có những tính năng đặc biệt nhưng không thực sự nổi trội và chìm dần theo thời gian.
Nếu nhìn lại thành công của Samsung khi hãng này thách thức vị thế của Apple, các doanh nghiệp sẽ thấy một hướng đi vô cùng thông minh. Tập đoàn này đã vô cùng thành công khi biến mình trở thành ngôi sao mảng sản xuất điện thoại di động của Hàn Quốc.
Bắt đầu từ năm 2011, Samsung đã thực hiện một chiến dịch thông minh nhưng cũng rất tốn kém nhằm thuyết phục người tiêu dùng Mỹ mua sản phẩm của họ. Hàng loạt những đoạn quảng cáo, những bài viết và lời chế giễu được giới truyền thông đăng tải về sự nhàm chán, bất tiện của người dùng khi sử dụng iPhone. Trong khi đó, tính năng màn hình rộng của Samsung được công ty quảng bá hết mức, tràn lan trên mạng xã hội, giới truyền thông cũng như trong các cuộc trò chuyện thường ngày.
Mặc dù thành công của Samsung phải kể đến rất nhiều yếu tố nhưng những chiến dịch marketing thành công và tốn kém đã đóng góp vô cùng lớn cho đế chế Samsung ngày nay.
Năm 2010, Samsung chỉ chiếm 10% thị phần điện thoại Mỹ thì con số này đã tăng lên đến 30% hiện nay.. Rõ ràng, những công ty muốn mở hướng đi mới trên thị trường điện thoại cần tốn rất nhiều tiền cho marketing và quảng cáo, tạo nên một quan điểm mới cho người tiêu dùng thoát khỏi lối mòn và chấp nhận sản phẩm mới.
Ngay ở tại Việt Nam, rất nhiều công ty đã chào bán điện thoại của mình. Có sản phẩm tồn tại được, có sản phẩm thì không. Tuy nhiên, một xu thế rõ ràng là những sản phẩm có chiến dịch marketing khôn ngoan luôn tìm được cách tồn tại trên thị trường bất chấp sự hoành hành của Apple hay Samsung.
2. Tìm một đối tác chiến lược
Trong ngành kinh doanh điện thoại, việc cộng tác với những nhà phân phối là yếu tố chủ chốt cho điểm đột phá thị trường bởi chính những doanh nghiệp này mới là người tiếp xúc và tư vấn cho khách hàng.
Trở lại thời kỳ iPhone làm mưa làm gió trên thị trường Mỹ, AT&T là nhà phân phối duy nhất cho sản phẩm này và hãng đối thủ Verizon vô cùng tức tối. Hệ quả là Verizon bắt đầu ký các thỏa thuận với những hãng smartphone khác sử dụng hệ điều hành Android như Motorola. Đây chính là một trong những nguyên nhân thúc đẩy cuộc chiến sản phẩm dùng iOS của Apple và Android của các nhà sản xuất khác trong mảng smartphone ngày nay.
Ngày nay, ngay cả những công ty làm về truyền hình cáp như Comcast hay Charter cũng bắt đầu kinh doanh dịch vụ phân phối smartphone bởi họ nhận thấy được tầm quan trọng cũng như vị thế của các nhà bán lẻ trong mảng này.
Điều này giải thích tại sao Huawei phải ký kết hợp đồng với AT&T nhằm đảm bảo sản phẩm của họ lọt vào tầm ngắm của người tiêu dùng Mỹ. Tất nhiên bản thỏa thuận này là chưa đủ để Huawei cạnh tranh với Apple và Samsung nhưng là bước khởi đầu đúng đắn.
Trong một cửa hàng điện thoại với vô vàn sản phẩm và phần lớn người tiêu dùng sẽ hướng đến iPhone hoặc Samsung nếu không có tư vấn của nhân viên. Bởi vậy việc cộng tác với các công ty phân phối là điều vô cùng cần thiết để phá vỡ thế độc quyền của các ông lớn.
Tại Việt Nam, không có gì khó hiểu khi Bphone với màn ra mắt hoành tráng và quyết định hợp tác với Thế giới di động để kinh doanh điện thoại. Họ đang học những bài học thành công của người đi trước. Vấn đề còn lại hiện nay là chất lượng sản phẩm và định hướng cụ thể cho từng bước đi về marketing cũng như giá cả phân phối.
3. Thương mại điện tử song song phân phối truyền thống
Nhà phát minh ra hệ điều hành Android, ông Andy Rubin nhận định rằng xu thế mua hàng của người Mỹ đang dần thay đổi. Ngày càng nhiều người tiêu dùng mua smartphone trên Amazon hơn là đến các cửa hàng điện thoại.
Số liệu của Amazon cũng cho thấy hãng này đã thuyết phục được rất nhiều khách hàng mua các dòng điện thoại thương hiệu lạ với mức giá hấp dẫn. Tiêu biểu trong đó là sản phẩm của hãng Blu có nhà máy tại bang Florida.
Dẫu vậy, sự dịch chuyển từ phân phối truyền thống sang thương mại điện tử vẫn còn chậm và người tiêu dùng Mỹ vẫn ưa thích ra cửa hàng cầm nắm sản phẩm trước khi quyết định mua 1 chiếc smartphone. Bởi vậy, các doanh nghiệp vừa phải duy trì hệ thống phân phối truyền thống đồng thời tìm điểm đột phá trong kênh thương mại điện tử.
Thời kỳ các công ty smartphone trợ giá hoặc bán trả góp cho người tiêu dùng để họ có thể thưởng thức sản phẩm công nghệ mới đã qua. Giờ đây, với mặt bằng công nghệ không vượt trội gì, người tiêu dùng bắt đầu thấy nhàm chán với những chiếc smartphone na ná nhau và đây là lúc những nhà phân phối, những chiến dịch marketing hay những kênh thương mại điện tử bắt đầu phát huy hiệu quả của nó.
AB