Làm ngân hàng có danh tiếng thật nhưng tôi từ bỏ vì đã quá nhàm chán, đây là lý do khiến tôi mạnh mẽ viết đơn thôi việc
Một trong những sai lầm mà mọi người thường gặp hiện nay là quá gắn bó với một công việc với nhiều lý do để rồi cuối cùng nhận ra chúng không như những kỳ vọng mà mình mong muốn. Có thể công việc mà bạn đang làm rất khó giữ do cạnh tranh quá cao, hay ngành nghề đó trở nên bất ổn do nhu cầu thị trường hoặc chúng không đảm bảo một viễn cảnh lâu dài cho chúng ta.
Lối tư duy bám vào một nghề này được nhiều người gọi là tư duy cố định (Fixation) khi chúng ta cho rằng tương lai của mình cuối cùng sẽ bám vào một nghề nào đó. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta phải đối mặt với vô vàn gian nan trên con đường sự nghiệp và đôi khi gắn bó với một nghề chẳng có tương lai là một lựa chọn hoàn toàn không ổn tí nào.
Chúng ta có thể đang làm việc ổn định ở một nhà xuất bản nhưng cơ hội thăng tiến không có vì doanh nghiệp này toàn con ông cháu cha, trong khi lương thưởng không đủ để chi trả cho cuộc sống. Chúng ta có thể yêu thích nghề báo dù tương lai của nghề này đang ngày càng bị đe dọa bởi công nghệ. Chúng ta có thể muốn theo nghiệp diễn xuất dù chẳng xinh đẹp hay có tài năng nổi trội.
Chẳng qua, mọi người không hiểu mình muốn điều gì và cảm thấy đang bị đi thụt lùi sau một thời gian làm việc.
Rõ ràng, các bộ phim truyền hình và những cuốn sách khuyên chúng ta nên cố gắng, nên phấn đấu và đam mê với một nghề. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể tìm hiểu tại sao chúng ta lại bị hấp dẫn và gắn bó với nghề nghiệp đó để rồi tìm ra cách thoát khỏi sự bó buộc trong sự nghiệp.
Dũng cảm lên và viết đơn xin thôi việc đi
Bạn thích chuyên về ngành tài chính ư? Bạn hoàn toàn có thể làm phân tích trong một công ty, làm nhân viên ngân hàng hoặc thậm chí giáo viên tài chính.
Bạn thích viết lách ư? Nghề báo không phải là lựa chọn duy nhất khi bạn có thể làm dịch giả, giáo viên, nhà nghiên cứu...
Trên thực tế, chính sự thiếu hiểu biết về việc chúng ta thích gì cũng như kiến thức về các dạng công việc, các mối quan hệ khiến con người bị gắn vào một công việc nhất định mà không biết rằng họ có thể làm nhiều thứ khác.
Thông thường, mọi người hay ngộ nhận mình thích 1 nghề bởi những đặc tính dễ nhận diện trong đó. Ví dụ cha mẹ thường muốn con cái theo học các ngành có tương lai, kiếm được nhiều tiền hay giới trẻ thích những ngành nghề có đặc điểm đặc trưng phù hợp với họ.
Tuy nhiên, điều trớ trêu là những công việc có đặc tính nổi bật thu hút này, như kiếm được nhiều tiền hay tạo cảm hứng thu hút giới trẻ lại có nhiều người muốn làm, qua đó hạ thấp giá trị đồng lương mà nhân viên nhận được.
Hãy thử tưởng tượng đến ngành ngân hàng cách đây vài năm, một công việc được tung hô bởi những khoản thưởng kếch xù mỗi năm, một nghề được cho là đầy trí tuệ, xứng đáng với những “trai tài gái sắc”. Dẫu vậy, thực tế không như là mơ khi ngành ngân hàng giờ đây chịu áp lực rất nặng từ doanh số, doanh thu, biến động trên thị trường tài chính. Đó là chưa kể sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính (Fintech) khiến các ngân hàng giờ đây cần ít nhân viên hơn.
Bản tính con người khá mập mờ khi chúng ta thích một công việc dựa trên những đánh giá rất chung chung cũng như không hiểu tìm kiếm được niềm vui lao động từ đâu.
Như vậy, mục đích của bạn khi bám vào nghề này là gì? Muốn được danh tiếng làm ngân hàng ư? Hay muốn được làm công việc liên quan đến những con số? Nói cho cùng, bạn hoàn toàn có thể làm kế toán, phân tích tài chính hoặc thậm chí giảng viên ngân hàng. Cái chính là điều gì mới thực sự làm bạn vui.
Những đặc tính chúng ta thích không chỉ tồn tại trong 1 công việc, chẳng qua chúng dễ bị lộ diện nhất trong công việc đó. Bởi vậy, tốt nhất chúng ta không nên cắm đầu vào một công việc với những đợt thực tập không lương kéo dài. Hãy tận dụng khi còn có thời gian để trải nghiệm nhiều nghề, thực sự hiểu mình muốn gì và những ngành nghề nào có thể phù hợp với mình trước khi quyết định làm lâu dài một công việc nào đó.
Nói đến đây chắc có lẽ nhiều người cho rằng việc làm nhiều nghề quá lông bông, không ổn định và không thể thành công nếu không dồn tâm trí cho một việc.
Trên thực tế, đúng là con người chỉ có thể thành đạt nếu biết tập trung thời gian, công sức cho một việc. Tuy nhiên, sự đầu tư này sẽ là đày đọa nếu chúng ta không tìm được niềm vui thực sự trong đó cũng như không nhìn thấy tương lai phía trước. Bởi vậy, hãy tìm hiểu cho kỹ bạn thực sự thích cái gì, muốn công việc ra sao trước khi gắn bó lâu dài.
Phản tư duy cố định
Bản tính con người khá mập mờ khi chúng ta thích một công việc dựa trên những đánh giá rất chung chung cũng như không hiểu tìm kiếm được niềm vui lao động từ đâu.
Đơn cử như nghề báo, niềm vui của ngành này là nắm bắt được nhanh nhạy các vấn đề của xã hội, khả năng phân tích, viết bài đánh giá các vấn đề. Rõ ràng, đây là những đặc điểm mà chúng ta có thể thấy ở những công việc khác nữa.
Ví dụ một công ty phân tích tài chính cần người giỏi phân tích các vấn đề xã hôi, thị trường mới nổi. Một trường đại học cần phân tích những thay đổi trong môi trường cạnh tranh ngày nay và giải thích rõ ràng cho học viên của họ. Một công ty dầu mỏ muốn phân tích nhu cầu việc làm trong xã hội và những tác động của nền kinh tế đến thị trường việc làm...
Có rất nhiều những công việc với niềm vui tương tự mà chúng ta có thể tìm thấy trong các công việc khác nhau. Chẳng qua, mọi người không hiểu mình muốn điều gì và cảm thấy đang bị đi thụt lùi sau một thời gian làm việc.
Trong khi đó, những người biết mình thực sự muốn gì lại không lâm vào tình cảnh như vậy, họ xác định rõ phương hướng và kiên trì làm việc để đạt mục tiêu. Nếu môi trường thay đổi và công việc không còn đáp ứng được nhu cầu của họ, những người có tư duy phi cố định này sẽ nhanh chóng chuyển việc.
Nói chung, chúng ta không cần từ bỏ những gì mình muốn mà chỉ cần mở rộng tầm mắt để nhận diện ước mơ bản thân có thể hiện diện ở nhiều công việc khác nhau. Hãy hiểu rõ những điều mình thích, từ đó giải phóng bản thân khỏi những công việc cố định.
BT