Làm gì để tăng xuất khẩu hàng hóa, nông sản sang Mỹ?
Thông tin trên từ những nghiên cứu, khảo sát của Hội Doanh nghiệp (DN) hàng VN chất lượng cao đưa ra tại Diễn đàn An toàn thực phẩm toàn cầu với chủ đề "Phát triển thị trường cho hàng Việt", do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại VN (AmCham Vietnam) và Hội DN hàng VN chất lượng cao tổ chức tại TP.HCM hôm qua (28/8). Theo đó, việc chưa nắm bắt kịp những quy định mới từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) khiến ngày càng nhiều DN rơi vào danh sách cảnh báo của Mỹ.
Hàng Việt sang Mỹ giảm sút
Theo ông Mark Gillin, Phó chủ tịch AmCham VN, trong tháng 12/2016 có 1.845 nhà máy thực phẩm ở VN đăng ký với FDA để xuất khẩu vào Mỹ, nhưng sang đến tháng 1/2017 con số này rớt xuống chỉ còn 806 nhà máy.
Theo ông Mark Gillin, nguyên nhân sụt giảm là hơn 1.000 công ty VN không biết quy định mới của luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Mỹ áp dụng với sản phẩm nhập khẩu, cùng sự dịch chuyển trách nhiệm trong điều tra nhập khẩu cá da trơn từ FDA sang Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vào cuối năm qua.
Theo đó, tất cả các nhà máy đăng ký trước đó phải gia hạn đăng ký trong thời gian từ 1/10 - 31/12/2016. Nếu không gia hạn trong thời gian nói trên, các DN sẽ bị "rớt" khỏi danh sách và hiện không thể xuất khẩu hàng vào Mỹ.
Mặt hàng cá da trơn xuất khẩu của Việt Nam đang chịu nhiều sức ép tại thị trường Mỹ
AmCham cũng bày tỏ quan ngại việc thiếu hiểu biết các quy định mới có thể gây ra sự giảm sút đáng kể về kim ngạch xuất khẩu nông sản và thực phẩm của VN vào Mỹ, cũng như sự suy giảm nhân công và doanh thu ngành. Theo nhiều DN xuất khẩu, họ thực sự thấy hoang mang khi FDA đưa ra quy định là các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc lưu trữ sản phẩm cho người và động vật khi nhập khẩu vào thị trường Mỹ phải đăng ký với cơ quan này trước khi bắt đầu sản xuất.
'Vào được thị trường Mỹ đã là điều không dễ dàng, lại thêm luôn có những quy định khắt khe mà DN không nắm rõ khiến chúng tôi vô cùng lúng túng khi một mặt vừa nỗ lực nâng cấp để hoàn thiện, một mặt theo kịp những thay đổi của FDA", đại diện Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) cho biết.
Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp
Để tháo gỡ khó khăn cho DN, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cho biết giai đoạn 2016 - 2017 là thời gian quan trọng triển khai các chương trình hành động về an toàn thực phẩm, đặc biệt là tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm theo chuỗi liên kết giữa người sản xuất và DN với thị trường.
Mỹ vẫn là nước nhập khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam
Bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thông tin thêm: Đối với quản lý thực phẩm xuất khẩu, khi có yêu cầu của nước nhập khẩu, VN mà cụ thể là Cục An toàn thực phẩm sẽ cấp chứng nhận CFS, HC, CO hoặc giấy chứng nhận khác có liên quan cho DN.
Trong 2 năm 2015 - 2016, cơ quan này đã cấp gần 1.340 giấy chứng nhận lưu hành tự do và chứng nhận y tế cho các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai cấp độ 4 đối với thủ tục hành chính cho sản phẩm xuất khẩu, nhằm tạo điều kiện tối đa cho các DN thâm nhập và mở rộng các thị trường xuất khẩu.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng VN chất lượng cao, cho biết để giúp DN đáp ứng những đòi hỏi trong quy định mới về an toàn thực phẩm tại các thị trường xuất khẩu, hội đã đưa ra sáng kiến xây dựng bộ tiêu chí mới "Hàng VN chất lượng cao - Chuẩn hội nhập" trên cơ sở tuân thủ hệ thống văn bản pháp lý về chất lượng sản phẩm của VN, những tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng quốc tế có tính phổ quát phù hợp hoặc tương đương.
"Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, bộ tiêu chuẩn cũng tổng hợp các tiêu chuẩn phổ quát quy định bởi FDA, tiêu chuẩn BRS của Hiệp hội Bán lẻ Anh quốc, tiêu chuẩn IFS của Hiệp hội Thực phẩm Đức... đảm bảo tính tương đồng là cùng hướng đến mục tiêu ngăn ngừa rủi ro trong an toàn thực phẩm", bà Hạnh nói.
Kiểm soát chặt điều kiện vệ sinh và môi trường chăn nuôi
Bà Ratih Puspitasari, Giám đốc phụ trách hợp tác khoa học và luật định của Cargill khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, góp ý VN cần chú trọng đẩy mạnh những tiêu chuẩn, quy định liên quan đến chất lượng thực phẩm, an toàn thực phẩm, giá trị dinh dưỡng và phát triển bền vững.
Đặc biệt, cần có các chính sách rõ ràng để thúc đẩy an toàn thực phẩm, thực hành tốt về chăn nuôi, kiểm soát chặt điều kiện vệ sinh và môi trường chăn nuôi. Bên cạnh đó, phải có quy định nghiêm ngặt về sử dụng thuốc trong chăn nuôi, chăm sóc vật nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế, học hỏi phương pháp chăn nuôi từ các thị trường thành công.
"Nếu làm tốt những vấn đề trên, VN không chỉ mở cửa thị trường thực phẩm Mỹ mà còn tạo điều kiện cho các sản phẩm thực phẩm sản xuất tại VN tiếp cận được nhiều thị trường xuất khẩu lớn", bà Ratih Puspitasari nhấn mạnh.
Theo Thanh Niên