Lake Project – Chung tay vì hồ Thủ đô
Dọn hồ, đạp xe tuyên truyền bảo vệ nguồn nước
Trần Khánh Linh (lớp 11A2, Trường THPT Hà Nội Amsterdam) bắt đầu tham gia dự án từ những việc làm nhỏ như: vớt rác, dọn vệ sinh khu vực quanh hồ, đạp xe tuyên truyền để bảo vệ môi trường… Cô gái có nhiều cơ hội trải nghiệm và qua hai đợt hoạt động, Linh trở thành Trưởng ban dự án Lake Project đợt 3.
Các tình nguyện viên dọn rác hồ, bảo vệ nguồn nước
Linh cho biết, Lake Project do học sinh, sinh viên Hà Nội khởi xướng, nhằm bảo vệ và làm sạch các hồ trên địa bàn Thủ đô. Mục tiêu của dự án là nâng cao ý thức của người dân, học sinh, sinh viên về việc bảo vệ nguồn nước. Lake Project đợt đầu tiên khởi động năm 2012 và đang tiến đợt thứ ba vào tháng 9/2015. Hiện, dự án có 22 thành viên.
Cứ một tháng 2 lần, thành viên, tình nguyện viên của dự án sẽ tập trung dọn rác một số hồ ở Hà Nội như: hồ Giảng Võ, Ngọc Khánh, Bảy Gian, Đầm Tròn (quận Ba Đình, Hà Nội)… Mùa hè, công việc bắt đầu từ 7g30’, mùa đông thì từ 8g30’. Thông thường, mỗi buổi có khoảng từ 15 đến 20 thành viên tham gia. Có những buổi dọn hồ, ngoài thành viên của Lake Project còn có nhiều bạn sinh từ một số trường THPT và Đại học ở Hà Nội như: Đại học Phòng cháy Chữa cháy, câu lạc bộ GHA (THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam), câu lạc bộ GEC (THPT Nguyễn Tất Thành)... cùng tham gia.
Các thành viên tham gia dọn hồ được phát dụng cụ bảo hộ như: găng tay, khẩu trang, chổi tre… Nhóm dự án còn chế tạo những chiếc vợt dài 2m chuyên để vớt rác nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, bất lợi của chúng là chỉ vớt được rác ở gần bờ, các loại rác to hoặc váng dầu, váng mỡ trên mặt nước thì không vớt được. Hiện thành viên của Lake Project đang nghiên cứu để chế tạo ra loại sản phẩm khắc phục được điểm yếu này.
Lê Bích Ngọc (năm 2, khoa Tiếng Anh, trường Đại học Hà Nội), Trưởng ban dự án đợt 2 cho biết: “Việc dọn dẹp sạch sẽ rác ở hồ và xung quanh hồ không dễ dàng. Có những thời điểm nước hồ bị ô nhiễm nặng, rồi thay đổi thời tiết nên cá chết hàng loạt. Chỉ trong 1 buổi dọn hồ mà chúng mình vớt được 2 bao tải xác cá chết. Lại có đợt, nhóm đi dọn hồ Ngọc Khánh dịp Tết Nguyên đán, chúng mình thấy người dân vứt cả bàn thờ, bát hương, chân hương xuống hồ. Khu vực hồ gần khu dân cư còn có xác chim, chuột, lòng lợn… bốc mùi hôi thối nồng nặc, rất khó chịu”.
Bên cạnh hoạt động dọn hồ, Lake Project còn tổ chức các buổi đạp xe tuyên truyền với khẩu hiệu “Bảo vệ nguồn nước cho tương lai – Save water for our future”; tổ chức hoạt động “Nối vòng tay lớn” hưởng ứng “Giờ Trái đất” vào cuối tháng 3/2015 với khoảng 100 người nắm tay nhau đứng quanh hồ Giảng Võ, truyền đi thông điệp, kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ hệ thống hồ và nguồn nước tại Hà Nội.
Ngoài ra, với hoạt động “Mau mau dọn hồ”; các thành viên dự án và tình nguyện viên kêu gọi người dân xung quanh hồ cùng tham gia vào Chiến dịch “Trả lại màu xanh cho hồ”.
Đạp xe tuyên truyền với khẩu hiệu “Bảo vệ nguồn nước cho tương lai – Save water for our future”
Ở khu vực xung quanh hồ thường có nhiều hàng ăn. Họ vô tư xả rác, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Một trong những công việc thường xuyên của thành viên Lake Project là đến những địa chỉ đó, tuyên truyền cho họ về việc bảo vệ môi trường xung quanh hồ.
Lê Bích Ngọc kể, có lần, nhóm dự án đang dọn vệ sinh ở hồ Đầm Tròn (Ba Đình) thì thấy 6 – 7 nhân viên hàng ăn gần hồ chủ động cầm vợt, chổi ra cùng nhóm vớt rác, quét dọn vệ sinh. “Điều đó cho thấy, hành động và sự tuyên truyền của chúng mình đã đem lại hiệu quả thiết thực, thay đổi nhận thức, hành động của nhiều người”, Ngọc nói.
Cải tạo nguồn nước bằng bè thủy sinh
Trong quá trình hoạt động, nhóm dự án thấy rằng, các hoạt động như dọn hồ, đạp xe tuyên truyền rất có ý nghĩa nhưng chỉ có tác động tức thời, về lâu dài thì cần tìm ra phương pháp có hiệu quả bền vững hơn.
Kết bè thủy sinh để lọc nước hồ
Qua tìm hiểu, nhóm biết đến phương pháp thả bè thủy sinh từng được thành phố Hà Nội thực hiện ở sông Tô Lịch. Mỗi bè thủy sinh với các khóm thủy trúc có tác dụng lọc nước, giúp nước hồ trong sạch hơn cũng như cung cấp khí oxi cho các sinh vật dưới nước. Bè thủy sinh sẽ giúp cải tạo chất lượng nước các hồ ở Hà Nội một cách lâu dài.
Nghĩ là làm, các thành viên đặt mua cây thủy trúc, ống nước, lưới… thử nghiệm làm chiếc bè thủy sinh đầu tiên thả ở hồ Đầm Tròn. Thế rồi lần lượt chiếc bè thứ 2, thứ 3 ra đời.
Ngọc cho biết: “Khung bè được làm bằng ống nhựa PVC và gắn keo tạo thành hệ phao nổi đỡ bè. Cây thủy trúc được trồng cách nhau khoảng 30cm/khóm và cách khung bè khoảng 5 – 10cm. Mỗi bè được neo bằng 3 đến 4 chiếc cọc gỗ. Hệ thống dây thừng, giúp bè không bị ảnh hưởng, thay đổi vị trí dưới tác động của dòng chảy và gió”.
Hoạt động của Lake Project thu hút sự tham gia của nhiều người dân
Đến nay, 3 chiếc bè thủy sinh do dự án thả trên hồ Đầm Tròn đang phát triển rất tốt. Nhóm dự định sẽ làm thêm những chiếc bè thủy sinh khác để thả ở hồ Bảy Gian và hồ B52 (hồ Hữu Tiệp)…
Ngọc cũng chia sẻ, mùa thứ 3 của dự án khởi động vào tháng 8 vừa qua. Công tác tuyên truyền bảo vệ hồ cho người dân, hàng quán quanh hồ, làm bè thủy sinh sẽ được các thành viên dự án tăng cường và mở rộng hơn nữa. Bên cạnh hoạt động chính là dọn hồ và đạp xe tuyên truyền, nhóm dự án sẽ thu lượm vỏ lon, vỏ chai trong các buổi dọn hồ để tái chế thành các sản phẩm sáng tạo, bán gây quỹ ủng hộ cho trẻ em nghèo.
An Vinh