Kỳ vọng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Theo chương trình làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết; xem xét, cho ý kiến 9 dự án luật.
Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến về các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Các chuyên gia kỳ vọng, trong bối cảnh cả bên ngoài và bên trong có nhiều khó khăn - thách thức kéo dài, Quốc hội sẽ đưa ra nhiều quyết sách kịp thời, phù hợp cho kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.
Những khó khăn kéo dài...
Là người đã theo dõi các kỳ họp Quốc hội nhiều năm, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh thế giới vẫn còn những xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao, ... đã tạo ra nhiều bất lợi, ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.
“Nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang trên đà suy giảm, thậm chí các nền kinh tế là bạn hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu bị suy thoái khiến đơn hàng của doanh nghiệp trong nước giảm đi rõ rệt”, ông Việt nêu rõ.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) |
Trong bối cảnh bên ngoài gặp nhiều bất lợi, kinh tế trong nước nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, khi đơn hàng không có và chi phí đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp lại "khó chồng khó" với lãi suất huy động tăng cao, khiến lãi suất cho vay tăng rất cao từ cuối năm 2022.
Đến nay, dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có nhiều chỉ đạo và giải pháp, song lãi suất vẫn chưa thực sự hấp dẫn để doanh nghiệp tiếp cận.
“Lãi suất cao đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp và khiến doanh nghiệp rơi vào thua lỗ, thu hẹp sản xuất, người lao động mất việc. Từ đó, thu hẹp cầu tiêu dùng trong nước.”, ông Việt quan ngại.
Thêm vào đó, sức ép môi trường kinh doanh gây khó khăn, cản trở cho quá trình sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp như quy định phòng cháy chữa cháy, quy định đăng kiểm… bị tắc nghẽn hàng tháng mà đến nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để.
“Tất cả những yếu tố trên làm nản lòng, khiến doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất và thậm chí tạm dừng hoạt động”, ông Việt nêu rõ.
Cùng nỗi lo này, ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết, bên cạnh những khó khăn đến từ kinh tế thế giới, kinh tế trong nước vẫn còn nhiều hạn chế như chưa hoàn thiện thể chế, sự phản ứng chưa kịp thời trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Số liệu thống kê cho thấy, kinh tế trong nước đang rơi vào tình trạng rất khó khăn, nhiều chỉ số tăng trưởng của các ngành trụ cột rất thấp thậm chí âm, khiến số doanh nghiệp rời bỏ thị trường tăng rất cao.
Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình |
Tháo gỡ các rào cản, hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu
Tuy vậy, ông Lộc cho rằng, mỗi khi nền kinh tế rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì sự chống chịu, hay sức bật dậy của cộng đồng doanh nghiệp vô cùng lớn, nhưng việc này có thể làm được khi cả hệ thống chính trị hậu thuẫn cho họ.
Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 cho phép giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm một số thuế, phí với tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng 198.400 tỷ đồng và đang đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT).
Tiếp theo việc liên tiếp giảm một số lãi suất điều hành 1% trong tháng 3/2023 và trong tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023 về cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ.
Đặc biệt, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành và địa phương phải rà soát lại điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, qua đó giúp doanh nghiệp tự tin quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Điều quan trọng nhất vẫn niềm tin, khi có niềm tin về thị trường, khi có niềm tin về sự yểm trợ thì cộng đồng doanh nghiệp và người dân tiếp tục hăng hái sản xuất kinh doanh”, ông Lộc tin tưởng.
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV tới đây, các nội dung đưa ra xem xét, cho ý kiến đều là những nội dung rất quan trọng, nhất là khối lượng về công tác xây dựng pháp luật nhiều gấp đôi các kỳ họp trước.
Những chính sách này sẽ có tính chất dẫn đường, có tính chất đột phá, trao quyền chủ động nhiều hơn cho Chính phủ, cho chính quyền địa phương. Đặc biệt, đề cao trách nhiệm và thực hiện chế độ bảo vệ thật tốt những chính quyền dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...
“Sự yểm trợ về mặt pháp lý về chủ trương, về giải pháp để có thể thúc đẩy các giải pháp của Chính phủ. Vì vậy, kỳ họp lần này, chúng ta đưa ra những quyết sách quan trọng thì sẽ là động lực cho giai đoạn phát triển mới,” ông Lộc nhìn nhận.
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, kỳ họp lần này, ngoài việc xem xét, thông qua 8 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến về các gói hỗ trợ sắp kết thúc và các gói hỗ trợ mới như miễn giảm giãn thuế, gia hạn các khoản nợ.
Đặc biệt, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua Chương trình giảm 2% thuế VAT với tất cả hàng hóa... điều này sẽ rất có lợi cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
| |
Phân tích cụ thể, theo ông Thịnh, khi hỗ trợ giảm VAT từ 10 xuống 8%, trước tiên, người tiêu dùng được hưởng giá thành hàng hóa rẻ hơn, khiến người dân tích cực mua sắm hàng hóa. Từ đó đẩy chỉ số tiêu dùng cuối cùng và dịch vụ cuối cùng mạnh mẽ.
Đối với doanh nghiệp, ngoài việc giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cũng sẽ thấp đi, giá thành sản phẩm thấp đi, thì doanh nghiệp bán hàng nhiều hơn, vòng quay vốn nhanh và hạ thấp chi phí vốn vay.
Về phía Chính phủ, Chương trình giảm thuế VAT 2% vừa kích thích được tiêu dùng, vừa hỗ trợ được các doanh kinh doanh, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng sản; trong khi đó chỉ số lạm phát được giảm do giá hàng hóa giảm.
"Với nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt thuế VAT sẽ sớm được ban hành, tôi tin rằng có thể đến cuối năm 2023 và đầu năm 2024 cộng đồng doanh nghiệp sẽ quay trở lại sản xuất kinh doanh bình thường” ông Thịnh tin tưởng.
|