Kiên Giang: Khánh thành công trình Nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các
Trong 3 ngày (từ ngày 17 đến 19/2), tại TP.Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang long trọng diễn ra Lễ hội kỷ niệm 283 năm ngày thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các (1736 - 2019) và Năm Du lịch Hà Tiên 2019. Đây cũng là lễ hội đầu tiên trong chuỗi các lễ hội, sự kiện diễn ra trong năm 2019 trên địa bàn Hà Tiên để chào mừng sự kiện Hà Tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thành lập TP.Hà Tiên.
Ông Nguyễn Thanh Nghị (hàng trước, thứ hai từ trái sang) – Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang tham quan Nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang, Lễ hội năm nay ngoài chương trình nghệ thuật khai mạc được dàn dựng công phu, đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng của TP trẻ Hà Tiên, lễ hội còn diễn ra các hoạt động đường phố (giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian, nhảy hiện đại, nhảy dân vũ, nhạc cụ dân tộc, tặng thiệp chúc xuân, triển lãm sách); phố thầy đồ; hội chợ ẩm thực và biểu diễn nghệ thuật ẩm thực; gian hàng quảng bá sản phẩm du lịch; viếng mộ Đông Hồ và thăm nhà lưu niệm Đông Hồ; thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên đầm Đông Hồ; diễu hành xe hoa; Ngày thơ Việt Nam và họp mặt các văn nghệ sĩ (khai bút đầu xuân, giới thiệu tác giả, tác phẩm mới); hái lộc đầu xuân, dâng hương…
Biểu diễn nghệ thuật phục vụ lễ khánh thành Nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các
Ban tổ chức cho biết Lễ hội năm nay ghi nhận nhiều nét mới so với những năm trước, thời gian tổ chức kéo dài, đặc biệt là việc tổ chức khai mạc Hội hoa đăng vào đêm 14/1 âm lịch, từng bước nâng lễ hội hoa đăng trở thành một hoạt động đặc trưng của Hà Tiên trong thời gian tới. Vì vậy, số lượng hoa đăng năm nay là rất lớn, với trên 100 mô hình hoa đăng lớn và hơn 30.000 hoa đăng nhỏ được thả trên sông Đông Hồ, trang trí dọc tuyến đường Quảng trường Chiêu Anh Các.
Lối dẫn vào Nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các
Nhân dịp lễ hội lần này, tỉnh Kiên Giang tổ chức khánh thành công trình Nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các, với tổng vốn đầu tư hơn 15 tỷ đồng được xây dựng trong khu di tích Núi Bình San (kế bên đền thờ họ Mạc).
Nơi đây sẽ là nơi lưu giữ các tác phẩm văn học, những hình ảnh, hiện vật của Tao đàn Chiêu Anh Các xưa, đồng thời làm nơi để tổ chức các hoạt động văn học, nghệ thuật của Hà Tiên, đồng thời là nơi để các văn nghệ sĩ đến giao lưu thơ, văn vào đêm nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm) và để cho du khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển Tao đàn Chiêu Anh Các, một trong những Tao đàn lớn và xưa nhất của cả nước.
Cũng theo Ban tổ chức, việc tổ chức lễ hội quy mô lớn, càng làm nâng lên giá trị, sức sống mới cho những vần thơ Chiêu Anh Các, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa, vui chơi giải trí của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là dịp để du khách tiếp tục đến với thành phố trẻ Hà Tiên khám phá mảnh đất, con người nơi đây.
“Tao đàn Chiêu Anh Các do Sĩ Lân Mạc Thiên Tích khởi xướng và thành lập vào ngày Rằm tháng Giêng năm Bính Thìn 1736. Cách nay 283 năm, Tổng trấn Hà Tiên - Mạc Thiên Tích đã mở hội hoa đăng thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các - một Tao đàn lớn thứ hai trong cả nước, sau Tao đàn Nhị Thập Bát Tú của vua Lê Thánh Tông lúc bấy giờ, là nơi khai mở nền văn học Hà Tiên phát triển rực rỡ, làm cho Hà Tiên được xem như là một trong những chiếc nôi của nền văn học miền Nam.
Khác với Tao đàn của vua Lê, Chiêu Anh Các vừa là nơi sáng tác, đàm luận văn thơ, ca ngợi quê hương, bảo vệ đất nước, vừa là nơi đào tạo nhân tài. Trong quá trình hoạt động, Tao đàn Chiêu Anh Các đã quy tụ được nhiều văn nhân, thi sĩ và đã để lại cho đời những áng văn chương lừng danh, với một khối lượng thơ ca khá đồ sộ, nhiều tác phẩm có giá trị cao về mặt tư tưởng và nghệ thuật. Và một điều rất thú vị là sau hơn 200 năm cũng vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, cả nước ta kỷ niệm Ngày Thơ Việt Nam. Điều này cũng làm nâng lên giá trị, sức sống mới cho những vần thơ Chiêu Anh Các và cho cả lễ hội”.
Hà Vy