Không quân Việt Nam đưa máy bay C-295 hiện đại vào trực chiến
Tiếp nhận máy bay mới, hiện đại
Trong những năm gần đây, Quân chủng Phòng không - Không quân với định hướng tiến thẳng lên hiện đại đã được ưu tiên đầu tư mua sắm nhiều loại vũ khí trang bị mới, hiện đại.
Bên cạnh lực lượng không quân tiêm kích là ưu tiên hàng đầu thì lực lượng không quân vận tải cũng đã có những sự thay đổi về chất khi được tiếp nhận máy bay vận tải quân sự C-295 hiện đại, thuộc biên chế Lữ đoàn không quân 918.
C-295 được đánh giá là một trong những loại máy bay vận tải hạng trung tiên tiến nhất thế giới với những ưu điểm vượt trội như:
Thứ nhất, C-295 có hệ thống điện tử hàng không hiện đại, giúp kíp phi công thao tác điều khiển máy bay đơn giản, dễ dàng hơn. Mọi thông số của máy bay cũng như thông tin toàn cảnh trên bầu trời đều được cập nhật trong các màn hình LCD cỡ lớn.
Thứ hai, nhờ sở hữu động cơ mạnh mẽ, tiết kiệm nhiên liệu, C-295 có tầm bay xa và sức chở lớn hơn so với nhiều máy bay vận tải cùng loại.
Thứ ba, C-295 có khả năng cất, hạ cánh trên đường băng cực ngắn, kể cả sân bay dã chiến. Đây là một trong những đặc điểm nổi bật nhất của dòng máy bay này.
Thứ tư, là dòng máy bay vận tải quân sự đa năng hạng trung, C-295 có thể làm được nhiều nhiệm vụ như vận tải hàng hóa, chở quân đổ bộ, tìm kiếm cứu nạn, tải thương. Ngoài ra, nó còn được dùng làm nền tảng phát triển biến thể tuần tra - chống ngầm trên biển và biến thể cảnh báo sớm - chỉ huy trên không.
Với việc tiếp nhận dòng máy bay hiện đại này, lực lượng Không quân vận tải Việt Nam đã có bước tiến lớn, tạo ra sự thay đổi về chất, kịp thời bổ sung thay thế cho các máy bay vận tải An-26 đang dần tiến tới cuối vòng đời hoạt động.
Máy bay vận tải quân sự C-295 số hiệu 8903 của Không quân Việt Nam. Ảnh: Planesspotters.net
Làm chủ máy bay C-295 hiện đại, đưa vào trực ban chiến đấu
Theo hợp đồng đã ký với Airbus Defence & Space, ngay từ giữa năm 2014, đoàn phi công cùng thợ kỹ thuật Việt Nam đã tiến hành học chuyển loại máy bay mới ở nước ngoài. Với tinh thần trách nhiệm cao, các phi công Việt Nam đã được các giáo viên bay của đối tác đánh giá rất cao, nhanh chóng làm chủ dòng máy bay vận tải quân sự C-295 hiện đại.
Ngày 14/11/2014 đã đánh dấu một mốc son quan trọng khi chiếc C-295 đầu tiên của Không quân Việt Nam (mang số hiệu nhà máy 0123) chính thức tung cánh lên bầu trời. Ngay sau đó, các phi công Việt Nam đã được thực hành trên máy bay của mình tại Seville, Tây Ban Nha.
Đến nay, cả 3 chiếc C-295 đã được đối tác bàn giao cho Không quân Việt Nam và đều được biên chế cho Lữ đoàn không quân 918.
Trong bài viết mang tựa đề "Lữ đoàn 918: tăng cường huấn luyện hỗn hợp các loại máy bay" trên Báo PK-KQ, số ra ngày 04/08/2017, cho biết, tới nay, đơn vị đã hoàn toàn làm chủ dòng máy bay vận tải này và sẽ sớm đưa vào trực ban sẵn sàng chiến đấu.
Bài báo cũng cho biết, trong thời gian tới, Lữ đoàn 918 sẽ đưa phi công, thành viên bay và máy bay các loại, trong đó có cả C-295 chuyển sân về sân bay Cần Thơ để thực hành huấn luyện.
Trước đó, trong phóng sự "Chinh phục thử thách - Học lái máy bay thế hệ mới" của Truyền hình QPVN, để có thể nhanh chóng đáp ứng yêu cầu vận hành, đội ngũ phi công, thợ máy đã được gửi đi huấn luyện ở nước ngoài từ trước khi tiếp nhận máy bay.
Đối với phi công, điều kiện đặt ra phải là phi công cấp 1, có số giờ bay tích lũy trên 1.500 giờ. Đối với kỹ thuật viên phải là những người có trình độ và kỹ năng tay nghề cao.
Máy bay tuần tra săn ngầm đặc biệt C-295 MPA đã tới Việt Nam
Trong tương lai, Việt Nam tiếp tục được Airbus Defence & Space coi là thị trường trọng điểm đối với dòng máy bay C-295, ngoài biến thể vận tải, họ hy vọng Việt Nam sẽ quan tâm tới các biến thể đặc biệt như tuần tra săn ngầm, cảnh báo sớm trên không.
Chính vì vậy, đầu tháng 7 vừa qua trong khuôn khổ Chương trình giới thiệu dòng máy bay vận tải quân sự C-295 mang tên "C295 Worldtour", một chiếc máy bay tuần tra săn ngầm C-295 MPA đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài nhằm giới thiệu những đặc điểm ưu việt của loại máy bay này cho Không quân Việt Nam.
Tuấn Sơn