“Không nên giới hạn việc thí điểm nhận chuyển nhượng đất khác để xây nhà thương mại”
Mặc dù vậy, như chúng tôi đã đưa tin trước đó, thống kê từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho thấy, kể từ ngày 01/01/2025 (ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực) sẽ vẫn còn khoảng 15% trong tổng số các dự án nhà ở thương mại chỉ có đất khác không phải là đất ở, hầu hết là các dự án có quy mô diện tích lớn hoặc rất lớn, thuộc trường hợp đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác không phải là đất ở, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Giữa bối cảnh ấy, mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép "thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở". Nghị quyết nếu được phê duyệt và đi vào thực hiện sẽ giúp cho thị trường bất động sản có thêm nhiều dự án mới, tạo động lực thúc đẩy thị trường phát triển bền vững hơn.
Ảnh minh họa |
Sau chỉ đạo của Chính phủ, dự thảo nghị quyết do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng hiện đang được lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan… đưa ra 2 chính sách: Thứ nhất, cho phép doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thỏa thuận nhận quyền sử dụng các loại đất theo quy định tại Điều 9 của Luật Đất đai năm 2024 mà đủ điều kiện chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai để thực hiện dự án nhà ở thương mại;
Thứ hai, cho phép doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất được thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở.
Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ đề xuất thời gian thí điểm là 5 năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2025. Ưu tiên thực hiện thí điểm đối với khu vực đô thị, khu vực quy hoạch phát triển đô thị đã được phê duyệt.
“Việc thực hiện thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở không vượt quá 30% số lượng dự án và 20% tổng diện tích nhu cầu phát triển dự án nhà ở được phê duyệt của chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2030”, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu.
Trước đề xuất trên của cơ quan soạn thảo, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc thực hiện thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở không vượt quá 30% số lượng dự án và 20% tổng diện tích nhu cầu phát triển dự án nhà ở được phê duyệt của chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2030 là chưa hợp tình hợp lý, có thể dẫn đến áp dụng pháp luật không công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp bất động sản và giữa các quận, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn cấp tỉnh về kết quả thu ngân sách nhà nước từ đất đai, bất động sản.
Theo ông Châu, nếu áp dụng quy định như dự thảo nghị quyết thì các doanh nghiệp thuộc nhóm 30% đương nhiên có lợi thế hơn hẳn so với nhóm 70% doanh nghiệp còn lại, do được thực hiện thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở có thể chiếm lĩnh thị trường.
Trong khi đó, đối với các quận, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn cấp tỉnh được lựa chọn thực hiện thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở có thể tạo được nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai, bất động sản cao hơn các địa phương không được lựa chọn hoặc chỉ có ít dự án được lựa chọn.
Từ nhận định trên, ông Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị tham khảo kinh nghiệm xây dựng Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội “về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”, về đối tượng áp dụng; trong đó đã áp dụng đối với tất cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nên tất cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đều được hưởng lợi như nhau trong việc thực hiện, đảm bảo được tính công bằng, bình đẳng.
“Đề nghị vận dụng phương thức xây dựng Nghị quyết 42/2017/QH14 vào khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị quyết thí điểm theo hướng không nên giới hạn việc thực hiện thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở không vượt quá 30% số lượng dự án mà nên áp dụng tương tự như Nghị quyết 42/2017/QH14 và nên nâng tỷ lệ diện tích dự án nhà ở thương mại được thí điểm lên 30% tổng diện tích nhu cầu phát triển dự án nhà ở được phê duyệt của chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2030”, ông Châu kiến nghị.
Dự án Đà Nẵng Times Square đủ điều kiện huy động vốn Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Kim Long Nam, chịu trách nhiệm về tính chính xác về thông tin và hồ sơ gửi kèm. Đồng thời, phải sử dụng nguồn vốn đã huy động vào đúng mục đích xây dựng nhà ở thương mại tại dự án tháp CT3 và CT7 - Đà Nẵng Times Square. |
Đồng Nai ưu tiên thu hút các dự án xanh, phát triển bền vững Đồng Nai là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp mạnh của khu vực và đất nước. Phát triển mạnh sản xuất công nghiệp giúp Đồng Nai đạt được những thành quả lớn trên lĩnh vực kinh tế. Song, mặt trái của quá trình phát triển này đưa đến tình trạng ô nhiễm môi trường và phát triển thiếu bền vững. |
Minh Quân