Không chủ quan khi trẻ bị vàng da sau sinh
Theo TS. BS. Ngô Minh Xuân, Trưởng khoa Sơ Sinh, Bệnh viện Từ Dũ, vàng da sơ sinh là do tăng Bilirubin gián tiếp (VDSS) rất hay gặp, bệnh xảy ra ở 25-30% ở trẻ đủ tháng và đa số ở trẻ non tháng. Bệnh thường xảy ra trong tháng tuổi đầu tiên nhưng nguy hiểm nhất là trong 2 tuần đầu.
Cần phát hiện và điều trị vàng da cho trẻ càng sớm càng tốt. (Ảnh minh họa)
“Vàng da sơ sinh có thể ở mức độ nhẹ (vàng da sinh lý) nhưng cũng có thể tiến triển nặng (vàng da bệnh lý). Nếu không phát hiện và điều trị vàng da bệnh lý kịp thời thì có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh (còn gọi là vàng da nhân) do Bilirubin gián tiếp thấm vào não mà hậu quả là trẻ sẽ bị tử vong hoặc bị bại não suốt đời”, bác sĩ Xuân nhấn mạnh.
Đồng tình với vấn đề này, bác sĩ Võ Đức Trí, Phó khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng, phụ huynh không nên chủ quan khi thấy trẻ bị vàng da. Đã có rất nhiều phụ huynh nghĩ vàng da ở trẻ sơ sinh là bình thường và sẽ tự hết. Tuy nhiên, sau khoảng 10 ngày chưa hết họ mới đưa trẻ đi khám.
“Lúc này, có những trẻ đã trong tình trạng nặng tổn thương nhân xám, bại não. Cũng không loại trừ nhiều trường hợp do giới hạn sinh lý và bệnh lý của vàng da không rõ ràng nên cha mẹ khó nhận biết”, bác sĩ Trí cho biết.
Đối với vàng da bệnh lý thì mức độ hồng cầu bị vỡ nhiều hơn. Ở những trẻ bị xuất huyết ở bụng, não, hoặc trẻ tăng chu trình ruột gan, thiếu men, bất đồng nhóm máu mẹ con sẽ làm mức độ vàng da nặng nề hơn.
Nếu vàng da xuất hiện ngày thứ nhất, hai sau sinh thì diễn tiến thường nhanh và trẻ dễ lâm vào tình trạng nặng. Có những trẻ ngày đầu mới vàng ở mặt nhưng đến ngày sau đã vàng qua bàn chân, bàn tay.
Bệnh vàng da ở trẻ nếu để quá 1 tuần sẽ nguy hiểm đến tính mạng trẻ, dễ gây ra các biến chứng do chất bilirubin tăng xâm nhập vào nhân xám não làm tổn thương não dẫn tới nguy cơ tàn tật, bại não ở trẻ. Do vậy, với vàng da sơ sinh nếu can thiệp trước khi tổn thương não thì bé sẽ hồi phục sức khỏe nhanh.
Chiếu đèn là biện pháp điều trị vàng da an toàn, hiệu quả, kinh tế hiện nay. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Trí khuyến cáo, để phòng và điều trị bệnh vàng da cho trẻ, phụ huynh cần theo dõi vàng da ở trẻ dưới ánh sáng mặt trời hằng ngày. Dùng tay ấn vào vùng trán, mặt, ngực, bụng, trên rốn, dưới rốn, đùi, cẳng chân, bàn chân, bàn tay của trẻ để xác định trẻ bị vàng da. Một số em bé da đỏ nên khó thấy, nên khi ấn vào sẽ thấy để lại màu vàng của da phía dưới chỗ ấn, đây là cách nhận biết vàng da dễ nhất mà phụ huynh có thể lưu ý để theo dõi trẻ.
“Bệnh lý vàng da sẽ nặng dần theo phạm vi ảnh hưởng lên cơ thể trẻ. Cụ thể, nếu trẻ bị vùng đầu mặt cổ thì tình trạng nhẹ hơn còn nếu vàng da đến rốn, qua rốn hay vàng đến cả bàn chân, tay thì trẻ đã bị vàng da rất nặng. Có những trường hợp vàng da kèm sốt, lừ đừ, co giật, gồng cứng… và nặng nhất là trẻ sẽ tử vong”, bác sĩ Trí nói.
Hiện nay, nhiều phụ huynh có quan điểm chữa bệnh vàng da cho con bằng việc tắm nắng. Theo bác sĩ Xuân, ánh sáng mặt trời chỉ có thể giúp trẻ bị vàng da nhẹ mau hết hơn nhưng không thể điều trị kịp các trường hợp vàng da sơ sinh nặng. Đối với các trẻ mới chớm vàng da thì có thể tắm nắng ấm mỗi sáng, nhưng nếu trẻ đã vàng da nhiều thì phải sớm đưa trẻ đi khám ở bác sĩ chuyên khoa để được điều trị ngay. Hiện nay, chiếu đèn là phương pháp điều trị vàng da sơ sinh hiệu quả nhất, an toàn, đơn giản và kinh tế nhất.
Ở trẻ đủ tháng, bình thường thì vàng da được coi là sinh lý khi có đủ các tiêu chuẩn sau: 1. Xuất hiện sau 24 giờ tuổi. 2. Hết trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng. 3. Mức độ vàng da nhẹ (chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn). 4. Vàng da đơn thuần, không kết hợp các triệu chứng bất thường khác (thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ…) 5. Nồng độ Bilirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14mg% ở trẻ non tháng. 6. Tốc độ tăng bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ. |
Bảo An
Tổng hợp