Khởi động lại một dòng văn học bị lãng quên
1. Nói về định nghĩa văn học trinh thám, cho đến giờ còn tồn tại rất nhiều quan điểm khác nhau. Theo nhà văn Võ Thị Xuân Hà, vụ án là thành tố mà một tác phẩm trinh thám chắc chắn phải có. Tuy nhiên, theo nữ nhà văn này, nếu chỉ kể lại vụ án thì chưa đủ để cấu thành nên tác phẩm mà tác giả cần khai thác thêm khía cạnh “đời sống” của nhân vật với các cung bậc cảm xúc, tâm lý.
Những tác phẩm mang hơi hướng hình sự, trinh thám đang dần tìm được lối đi
Còn theo PGS.TS - nhà phê bình Văn Giá thì văn học trinh thám chính là “một thể tài để chỉ những tình huống người ta cố tình bưng bít, phi tang, bao che” và nhiệm vụ của những nhà trinh thám phải lật tẩy, giải minh nó. Ông nhận định, nếu như văn học trinh thám ở phương Tây đã có nền móng từ thế kỷ 19 thì ở Việt Nam giai đoạn 1930-1945 cũng đã ghi dấu những tên tuổi như Phạm Cao Củng, Thế Lữ… Chỉ có điều trong suốt giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, văn học trinh thám gần như là một mảng đề tài bị lãng quên đối với độc giả và chính các nhà văn.
2. Đối với những nhà văn trưởng thành và lớn lên trong chiến tranh, rõ ràng văn học trinh thám không phải là thể loại mới mẻ. Văn học trinh thám Việt từng sản sinh ra rất nhiều tác phẩm hấp dẫn như “Thám tử Đoan Hùng”, “Lệ Hằng với chí phục thù”, “Tráng sĩ một chân”… Nhà văn Nguyễn Quang Thiều tâm sự: “Tôi còn nhớ rõ câu chuyện trinh thám đầu tiên được nghe, đó là “Thám tử Đoan Hùng”.
Hồi ấy tôi học lớp 7, trong giờ nghỉ cậu lớp trưởng đã kể lại câu chuyện ấy cho cả lớp. Nó hấp dẫn đến nỗi cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in. Thậm chí nó cuốn hút hơn cả chuyên mục “Kể chuyện đêm khuya” trên Đài Tiếng nói Việt Nam”. Nói một dẫn chứng như vậy để thấy rằng văn học trinh thám đã từng có sức sống mãnh liệt trong đời sống của thế hệ các nhà văn thế kỷ 20.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, sau thời điểm huy hoàng đó, do tác động của chiến tranh, văn học trinh thám trải qua một khoảng thời gian bị thờ ơ, không được chú ý nữa. Nó bị coi là độc hại và thậm chí bị đẩy ra khỏi đời sống văn học. Một số nhà văn còn cho rằng người ta “ngại” viết trinh thám vì thể loại này không những kỳ công mà đòi hỏi nền tảng kiến thức cực kỳ vững vàng của người viết. Bởi nếu không vững, khi “đụng chạm” đến các mảng đề tài phức tạp như hình sự thì chỉ cần sai một ly là đi… vài dặm. Chưa kể là để đầu tư một tác phẩm trinh thám, người viết cũng phải thai nghén từ nhiều năm. Nếu không có niềm đam mê thực sự và dám bỏ công bỏ sức vì nó thì ít ai dám theo đuổi đến cùng lĩnh vực này.
Di Li là một trong số ít cây bút theo đuổi dòng văn học trinh thám
3. “Theo đuổi văn học trinh thám không phải lựa chọn khôn ngoan” - đó là nhận định của nhà văn Di Li, một trong những cây bút hiếm hoi “dám” dấn thân vào thể tài văn học này. “Rất nhiều người nói theo đuổi dòng trinh thám ở Việt Nam là thuận lợi với tôi vì ít người viết. Nhưng thực tế trinh thám là một thể loại rất kén khách. Nó không phải loại sách thấy người này bảo hay thì người kia đọc theo. So với tiểu thuyết tình cảm hay ngôn tình thì ở Việt Nam, trinh thám tương đối ít người đọc” - chị nhận định.
Thực tế, ngay cả James Patterson, một trong những tác giả trinh thám có thu nhập cao nhất thế giới thì lượng tiêu thụ ở Việt Nam cũng chỉ xấp xỉ 3.000 bản sách. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, trong thời gian gần đây, văn học trinh thám cũng đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều tác phẩm chất lượng, mà nổi bật lên trong số đó là hiện tượng Di Li với “Trại hoa đỏ” và gần đây là “Câu lạc bộ số 7”.
Riêng “Trại hoa đỏ” cũng đã cán mốc 10.000 bản - một con số mơ ước đối với cây bút trinh thám và cũng chứng tỏ độc giả chưa quay lưng với thể tài văn học này. Nói như nhà văn Nguyễn Văn Thọ thì văn học trinh thám vẫn có sức hút rất lớn đối với một bộ phận độc giả trẻ và đây chính là thời điểm thuận lợi hơn cả để khởi động lại một dòng văn học hấp dẫn và giàu tiềm năng.
Theo An Ninh Thủ Đô