Khoảng lặng đêm Trung thu
Trung thu – hai chữ đơn sơ ấy ẩn chứa biết bao ký ức ngọt ngào, để rồi cứ đến mùa trăng tháng tám, lòng người khôn nguôi mong chờ giây phút sum vầy, ngắm trăng, phá cỗ…
Trung thu xưa và nụ cười con trẻ
Có lẽ trong sâu thẳm ký ức tuổi thơ của trẻ em Việt Nam, mùa Trung thu là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Ai cũng gắn bó tuổi thơ của mình với tiếng trống rộn ràng gõ nhịp, điệu múa lân, múa sư tử vui nhộn đầu ngõ, rồi đám trẻ con rước đèn quanh xóm nhỏ trò chuyện, vui đùa râm ran, câu chuyện ông kể về chú Cuội, chị Hằng… tất cả đều khiến ta bồi hồi, xao xuyến.
Đêm trăng vàng ấm áp tình thân
Trung thu trong tâm thức người Việt luôn là một trong những ngày lễ quan trọng với nét văn hóa và bản sắc riêng. Dưới ánh trăng rằm tròn vành vạnh và sáng đẹp nhất trong năm, hình ảnh đại gia đình quây quần đầm ấm, rộn rã tiếng cười bên mâm cỗ dường như đã trở thành một điều thiêng liêng, không gì thay thế được. Trải qua những mùa trăng, hai chữ “gia đình” lại càng thiêng liêng, ấm áp hơn bao giờ hết.
Trung thu làTết đoàn viên
Những ngày này mọi người thường chuẩn bị mua bánh Trung thu biếu ông bà, bố mẹ, bạn bè,… bánh Trung thu cũng được coi là biểu tượng của sự phúc lành, đoàn tụ.
Ngay từ trước đêm Trung thu, các gia đình đã rục rịch chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên, mua thêm bánh kẹo, bày mâm ngũ quả để trẻ con phá cỗ trông trăng. Cả nhà cùng quây quần bên mâm cỗ ấm cúng được bày biện bởi bàn tay khéo léo của người mẹ và tình cảm ấm nồng của người cha.
Đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân lung linh ánh nến cùng nhảy múa theo nhịp bước chân trẻ nhỏ. Ông bà lại ngồi nhâm nhi ly trà, kể lại những hoài niệm đáng nhớ về Trung thu xưa. Những đứa cháu hiếu động ngoan ngoãn lắng nghe với ánh mắt long lanh, chăm chú. Rồi chúng lại nói với nhau rằng Trung thu xưa thật vui biết mấy.
Những khoảng lặng đêm rằm
Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, điều khiến chúng ta dễ cảm nhận được là sự biến mất dần của những tập tục và văn hóa lễ hội. Đêm Trung thu năm nào trăng cũng “sáng như gương”, nhưng sao lòng người vẫn hoài niệm và nhung nhớ về đêm trăng năm xưa.
Trung thu của ngày nay đã có sự khác biệt nhiều so với ngày trước. Những làng nghề, các thợ thủ công chuyên làm món đồ chơi cho trẻ nhỏ như ông tiến sĩ giấy, đèn lồng, đèn kéo quân đang thưa vắng dần. Hình ảnh tiến sĩ giấy cùng với ước mơ, khát vọng thành đạt, vinh hiển của bao bậc cha mẹ đối với con cái giờ đang dần trở lên xa lạ trong mắt con trẻ. Thay vào đó là những món đồ chơi hiện đại nhiều màu sắc, hấp dẫn của nước ngoài được bày bán rất nhiều trên khắp các xóm ngõ, phố phường.
Tiến sĩ giấy - món đồ chơi truyền thống của trẻ em dịp Trung thu
Đèn ông sao 5 cánh đã trở thành phần ký ức không thể quên đối với nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam
Tết thiếu nhi luôn sáng hơn bởi nụ cười con trẻ, nhưng ở đâu đó, trong những ngõ ngách của cuộc sống vẫn còn nhiều mảnh đời nhỏ bé, bất hạnh không được hưởng trọn vẹn niềm vui này.
Năm nay là Trung thu ấm áp nhất của bé Nhật Phi (7 tuổi) cùng các cô, các bạn ở trung tâm “Mái ấm Ánh sáng” (quận 3, TP.HCM). Những năm trước, khi các bạn nhỏ cùng trang lứa đang tíu tít lồng đèn xanh đỏ, được cha mẹ cưng chiều đưa đi chơi chỗ này chỗ khác, thì em bé Nhật Phi chân trần, cặm cụi bán cho bằng hết vài tờ vé số. Nhìn trăng tròn trải sáng mọi nẻo đường, em chỉ ước Trung thu này có mẹ bên cạnh mình. Ước mơ nhỏ nhoi của cậu bé mất mẹ khiến mỗi chúng ta thêm trân quý những tháng ngày bình yên vô giá bên gia đình thân yêu.
Trung thu của trẻ em nghèo ven sông
Em Vũ Minh Thùy (12 tuổi) ở quận 7, TP.HCM thì may mắn hơn Nhật Phi vì được sống trong vòng tay yêu thương, che chở của cha mẹ. Tuy nhiên, mùa Trung thu với em lại không còn mang đúng ý nghĩa của nó:“Em nghĩ Trung thu thành phố chắc không vui bằng các nơi vì mọi người đón Trung thu trong nhà. Nhà em trong căn hộ chung cư, tắt đèn, nhìn trăng qua khe cửa sổ nhỏ, lúc thấy lúc không, mẹ nói với em là không nên mua bánh ngoài cửa hàng vì sợ bánh để quá lâu và không vệ sinh”, Thùy bày tỏ.
Được bố mẹ kể chuyện về Trung thu từ ngày 5 tuổi, bé Kim Ngân (11 tuổi) lại tâm sự rằng đêm hội Trung thu ngày càng cứng nhắc và tẻ nhạt hơn: "Đến nay em đã 11 tuổi nhưng năm nào phường cũng tổ chức đêm Trung thu giống nhau, không có gì mới nên em cảm thấy bớt vui. Một buổi lễ Trung thu gồm có bài phát biểu của ban tổ chức, văn nghệ múa hát đơn giản, chơi trò chơi, nhận quà gồm bánh snack hoặc bánh Trung thu nhỏ rồi về”.
Trung thu là Tết dành cho trẻ em, là dịp để người lớn lắng nghe và thấu hiểu những ước mơ, nguyện vọng của con em mình. Nhưng dường như đêm hội trăng rằm truyền thống vui tươi, tràn đầy ý nghĩa đang ngày càng xa vời với các em.
Tết Trung thu vẫn sẽ mãi là nét đẹp văn hóa của dân tộc. Nhưng có lẽ ánh trăng đêm rằm sẽ tròn vành hơn, sáng trong hơn khi những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống được trở lại hiện hữu, hòa nhập với đời sống hiện đại, để tâm hồn trẻ thơ hôm nay và mai sau hiểu thêm và yêu hơn văn hóa nước nhà.
Để mỗi dịp Trung thu đến, trên môi trẻ em lại rộn ràng những câu hát: “Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường, lòng vui sướng với đèn trong tay, em múa ca dưới ánh trăng rằm…”
TRUNG THU NƯỚC VIỆT – TẾT ẤM TÌNH THÂN Bên cạnh tính chất lễ hội ăn mừng mùa vụ của người xưa, Tết Trung thu Việt Nam truyền thống còn là phong tục nhắc nhủ chúng ta coi trọng giá trị tốt đẹp của tình yêu thương, thân hữu, là dịp để cha mẹ, gia đình thể hiện tình cảm nâng niu, quan tâm đặc biệt tới trẻ nhỏ. “Hương xưa nếp cũ” ở cách thưởng – cách chơi hồn nhiên mà tài hoa, tinh tế của cha ông ta. Sức cuốn hút từ làng nghề thủ công đương đại và những món đồ chơi Trung thu truyền thống đã thổi hồn vào đêm rằm lung linh. Biết bao suy tư, trăn trở về Trung thu xưa – nay. Cách dạy dỗ, gieo mầm nhân ái – hiếu học cho trẻ thơ. Các địa chỉ xem – ăn – chơi... lý thú nhân dịp Tết Trông trăng. Sự sẻ chia đáng quý được nhân rộng trong cộng đồng. Không khí tưng bừng chào đón một trong những ngày lễ lớn nhất năm đậm đà bản sắc, ngọt ngào thời khắc đoàn viên của người Việt… Qua đó, chuyên đề “Trung thu nước Việt – Tết ấm tình thân” của Thời Đại Online hy vọng sẽ đem lại cho độc giả một lát cắt toàn cảnh sắc nét và đong đầy niềm tự hào dân tộc xung quanh đêm hội trăng rằm từ quá khứ cho tới hiện tại!
|
Nguyễn Thảo