Khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ 6/11
Khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ 6/11 (Ảnh minh họa) |
Chiều nay (4/11), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về kế hoạch bàn giao, khai thác vận hành giai đoạn đầu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).
Tại cuộc họp báo, ông Vũ Hồng Phương- Giám đốc Ban quản lý dự án (PMU) Đường sắt, Bộ GTVT cho biết, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu là 8.769,9 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên hơn 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 9.200 tỷ đồng. Dự án sử dụng vốn vay Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
Đến tháng 11/2018, cơ bản dự án được thi công, lắp đặt xong. Từ tháng 12/2018, dự án được chạy thử. Đến nay, dự án đã đủ các điều kiện để đưa vào khai thác công trình.
Mới đây, hôm 29/10, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện của chủ đầu tư để đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác.
Dự án cũng đã được Cục Đăng kiểm cấp chứng nhận chứng nhận về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt. Hiện, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan chấp thuận, cho phép bàn giao đưa vào khai thác giai đoạn đầu.
Về nhân sự, hiện đã có hơn 700 nhân sự sẵn sàng phục vụ dự án, trong đó có 36 lái tàu đã được cấp giấy phép lái tàu.
Đại diện đơn vị khai thác, ông Vũ Hồng Trường - Giám đốc Metro Hà Nội, cho biết đơn vị đã sẵn sàng vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Trong 6 tháng đầu khai thác, tàu sẽ chạy từ 5h30 sáng đến 22h hàng ngày. Cứ khoảng 15 phút có một chuyến, tùy theo lượng khách, có thể tăng chuyến lên. Trong 15 ngày đầu, tàu sẽ chạy khuyến mại cho người dân.
Về giá vé, đi một chiều là 15.000 đồng/lượt; vé ngày là 30.000 đồng. Vé tháng khoảng 140.000 đồng. Ngoài ra, có nhiều đối tượng được miễn phí giá vé như người khuyết tật, người già...
Theo ông Trường, dọc tuyến Cát Linh - Hà Đông có nhiều tuyến xe buýt để kết nối người dân đi lại. Tuy nhiên, tại các nhà ga, không có chỗ nào để gửi xe đạp, xe máy cho hành khách.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, dự án sẽ được Bộ GTVT bàn giao cho Hà Nội vào sáng thứ 7 tới đây, tức ngày 6/11. Sau khi bàn giao xong, tuyến đường sắt sẽ chính thức được khai thác.
Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cho hay, ngay sau khi nhận bàn giao dự án từ Bộ GTVT, dự án sẽ được Hà Nội khai thác ngay, tức từ ngày 6/11 tới đây. Dự án giai đoạn 1 sẽ được khai thác trong khoảng 1 năm sau đó sẽ được chuyển sang giai đoạn 2 sau khi đã đánh giá mức độ an toàn của hệ thống.
Mưa lũ ở miền Trung khiến đường sắt gián đoạn tạm thời Gần 600 hành khách đi các chuyến tàu trong ngày 23 và 24/10 đã bị kẹt lại tại Quảng Nam và Quảng Ngãi do mưa lũ. Ngành đườn sắt đã dùng ô tô chuyển tải khách qua đoạn đường mưa lũ để tiếp tục hành trình. |
Đến năm 2030, quy hoạch 09 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362 km Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, quy hoạch 09 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362 km. |
Tàu Nhổn - ga Hà Nội trên cao chạy thử toàn tuyến vào ngày 1/7 Vào ngày 1/7 tới, đoàn tàu dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ chạy thử 8,5 km trên cao, từ depot Nhổn đến ga S8 (trước cổng Đại học Giao thông Vận tải) và di chuyển ngược lại, theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB). |