Khả năng tấn công chính xác - Cơn ác mộng đối với các đối thủ của Nga
Học thuyết răn đe tiền hạt nhân
Theo tổ chức tư vấn Jamestown Foundation, Moscow đang ngày càng chú trọng việc phát triển và củng cố năng lực tấn công chính xác cho lực lượng vũ trang bằng các loại tên lửa hành trình, các loại vũ khí phòng thủ bờ biển, vũ khí chiến lược và chiến thuật với độ chính xác cao.
Một vài loại trong số này đã được thử nghiệm trong các chiến dịch quân sự ở Syria. Và rõ ràng, chúng sẽ ngày càng trở thành điểm nhấn trong các chiến dịch quân sự của Nga ở tương lai.
Giới chức Nga đã cam kết sẽ tái trang bị toàn diện cho Lực lượng pháo binh và tên lửa vào năm 2021 bằng các hệ thống vũ khí mới nhất, cũng như đa dạng hóa chủng loại và tăng cường sản xuất các vũ khí tương tự.
Không chỉ tăng cường khả năng tác chiến cho quân đội Nga, thứ vũ khí tiên tiến này còn có liên quan mật thiết tới học thuyết "răn đe tiền hạt nhân" của Moscow.
Do có chi phí đắt đỏ nên chúng được thử nghiệm nhiều hơn trong các chiến dịch thực chiến ở Syria, thay vì trong các đợt thử nghiệm diễn ra tại các cuộc tập trận chiến lược, mặc dù hình thức thử nghiệm nhằm tối ưu hóa các cuộc tấn công chính xác cũng từng được tiến hành trong cuộc tập trận Vostok 2018.
Mặc dù vũ khí chính xác cao thời gian gần đây mới đóng vai trò ngày càng lớn trong chương trình hoạt động và mua sắm quân sự của Nga nhưng mối liên hệ giữa nó với học thuyết răn đe đã được hình thành từ lâu.
Andrei Kokoshin, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nga đã khởi xướng thuật ngữ "răn đe tiền hạt nhân", với chủ trương cho rằng Nga cần giảm sự phụ thuộc vào khả năng răn đe bằng hạt nhân.
Thuật ngữ này đã được đưa vào Học thuyết quân sự năm 2014 của Nga, nó đề cập tới một chuỗi các biện pháp trong lĩnh vực quân sự-chính trị mà khi được kết hợp với nhau, chúng sẽ đóng vai trò như một lớp răn đe tăng cường.
Chủ trương này đã được xem là một thành phần trong học thuyết răn đe chiến lược của Nga nhưng mục tiêu quan trọng của nó vẫn là tăng cường lực lượng quân sự thông thường của Nga trong bối cảnh hiện nay bằng cách bổ sung và tăng số lượng các hệ thống vũ khí chính xác.
Ví dụ gần đây cho những bước tiến bộ này là cuộc tập trận hải quân của Nga trên biển Baltic hồi cuối tháng 9 năm nay. Các hệ thống hải quân và phòng thủ bờ biển đã được triển khai trong cuộc tập trận, bao gồm tổ hợp tên lửa Bal và Bastion.
Chúng được sử dụng trong các chiến dịch thực hành nhằm chống lại tàu chiến của đối thủ giả định và bảo vệ bờ biển Kaliningrad.
Hệ thống phòng thủ bờ biển Bal. Nguồn: Navy Recognition.
Trước đó, hồi tháng 8, một tàu ngầm hạt nhân đề án 949A đã tham gia tập trận chung với các tàu mặt nước ở biển Baltic. Nhiệm vụ của chúng là chống mìn, chống phá hoại, phòng thủ chống tàu ngầm và tàu mặt nước. Dường như cuộc tập trận này nhằm nâng cao khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Nga trong khu vực Baltic.
Bên cạnh đó, cuối tháng 9, truyền thông Nga còn đưa tin về những bước tiến của nước này trong công nghệ không người lái (UAV) nhằm hỗ trợ các hệ thống tấn công chính xác, từ đó tăng cường khả năng trinh sát cho các lực lượng vũ trang Nga.
Trong các cuộc thử nghiệm bay, nguyên mẫu UAV mới được phóng đi từ hệ thống pháo phản lực phóng loạt Smerch. Nhiệm vụ của nó là thu thập thông tin tình báo. Nó có thể bay ở độ cao 500m trong vòng 20 phút và có thể giám sát một khu vực rộng 25km2.
Nga đầu tư mạnh vào khả năng tấn công chính xác
Theo Jamestown Foundation, thông qua cuộc triển lãm quốc tế Gidroaviasasalon 2018 diễn ra từ ngày 6-9/9 tại bờ biển Đen của Nga, với sự tham gia của 203 công ty đến từ 6 quốc gia, có thể thấy dường như Moscow đang cố lôi kéo các đối tác nước ngoài vào lĩnh vực phát triển lực lượng tương đối nhạy cảm này, bất chấp các lệnh trừng phạt hiện nay.
Nhóm các công ty Nga hiện đang nghiên cứu lĩnh vực trên được thành lập theo sắc lệnh số 84 của Tổng thống Nga, ban hành ngày 24/1/2002, gồm gần 50 công ty quốc phòng tập trung phát triển và sản xuất hàng loạt các loại thiết bị quân sự sau:
- Vũ khí hàng không chiến thuật, chiến dịch-chiến thuật và vũ khí dẫn đường chiến lược, trong đó có vũ khí siêu vượt âm.
- Các hệ thống phòng thủ và tấn công hàng hải, trong đó có các hệ thống tên lửa chống tàu bố trí trên tàu chiến và trên bờ biển, cũng như các loại vũ khí dưới lòng biển, và ác thiết bị kỹ thuật phục vụ mục đích đặc biệt.
- Tên lửa đạn đạo liên lục địa.
- Hệ thống và thiết bị không gian.
- Vũ khí điện tử.
- Các hệ thống dựa trên công nghệ lưỡng dụng trong các lĩnh vực hàng không, không gian, và hàng hải và công nghệ thông tin.
Theo ông Boris Obnosov, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật, gần 50 nhà máy và văn phòng thiết kế đã được tập hợp để tăng cường năng lực tấn công chính xác bằng vũ khí thông thường của Nga.
Đây cũng là những đơn vị phát triển chủ lực trong các chương trình nhằm tạo ra các loại vũ khí tương tự cho máy bay chiến đấu thế hệ 5, hoặc các hệ thống vũ khí cho hải quân.
"Chúng tôi đang chuẩn bị đưa hơn một chục loại vũ khí chính xác cao mới vào sản xuất hàng loạt. Chúng tôi đang cho ra đời các loại tên lửa kích cỡ nhỏ, tầm trung/xa với các phiên bản không-đối-không, chống tàu, chống radar, không-đối-đất, cũng như một loạt các sản phẩm khác, trong đó có vũ khí hải quân dưới lòng biển" – ông Borisov nói.
Các hình ảnh về cuộc tập trận Vostok-2018. Nguồn: RIA Novosti.
Mặc dù sự xuất hiện của các loại vũ khí chính xác trong cuộc tập trận Vostok 2018 không quá nổi bật nhưng điều quan trọng là chúng đã hiện diện. Một nội dung quan trọng trong cuộc tập trận của Quân khu miền Trung và miền Đông Nga là thực hành đẩy lùi "cuộc tấn công đường không quy mô lớn của đối phương".
Trong bài tập này, một loạt hệ thống phòng không của Nga đã được sử dụng để thiết lập "mạng lưới phòng thủ đa lớp" như các chuyên gia quân sự Nga thường đề cập. Đây cũng là thành phần cấu thành khả năng A2/AD của Nga.
Các hệ thống tên lửa đất-đối-không S-300 và S-400, đã kết hợp với các tổ hợp Buk, Thor và tổ hợp pháo/tên lửa phòng không Pantsir-S. Nhiều tình huống giả định đã được dàn dựng và thiết kế để mô phỏng quy mô tấn công khi đối thủ triển khai lực lượng không quân.
Hệ thống S-400 khai hỏa (Ảnh minh họa).
Đại tá Sergey Tikhonov, chỉ huy sư đoàn phòng không số 76, cho biết phòng không Nga mất chưa đầy 10 giây để phát hiện, phân loại và tiêu diệt các mục tiêu đơn lẻ.
Trong bài thực hành bắn, các trung đoàn của sư đoàn Samara đã bị tấn công giả định bởi tên lửa hành trình và đạn đạo.
"Hôm nay là cuộc thử nghiệm quan trọng, bởi rất khó để chiến đấu chống lại nhiều mục tiêu bay trong khoảng thời gian tối thiểu" – ông Tikhonov nói – "Tuy nhiên, các phương thức tính toán mà chúng ta đã được đào tạo, cũng như các thiết bị được chuẩn bị sẵn đã giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ này. Tất cả các mục tiêu đề ra đều đã được thực hiện".
-
F-35I Israel thầm mong có vũ khí tương tự Su-57 để vượt qua được S-300PM Syria?
Mặc dù giới lãnh đạo quân sự-chính trị ở Moscow đã khôi phục lại tầm quan trọng và cam kết đối với việc phát triển khả năng răn đe tiền hạt nhân (trong đó nhân tố quan trọng là năng lực tấn công chính xác) nhưng yếu tố thúc đẩy họ đưa ra quyết định còn là những kinh nghiệm sử dụng các hệ thống vũ khí này tại Syria.
Rõ ràng, giới lãnh đạo chính trị Nga đã rất ấn tượng với những kết quả thu được trong chiến dịch quân sự tại Syria và hiện tại, họ đang đầu tư tài chính dài hạn để khiến các hệ thống vũ khí chính xác trở nên phổ cập hơn trong kho vũ khí.
Điều này không những giúp Nga đa dạng hóa các phương thức răn đe mà còn mang lại nhiều lựa chọn quân sự mới cho Kremlin trong tương lai. Chúng có thể được sử dụng trong các cuộc xung đột (nếu nổ ra) hoặc như một công cụ tiềm năng để gây sức ép cho đối thủ.
Vy Lam