Kết nối sinh viên Việt Nam với các nhà khoa học vật lý thế giới
Theo Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), VSOP được Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và ICISE tổ chức thường niên nhằm kết nối các sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ đam mê Vật lý tiếp cận và cập nhật các phương pháp nghiên cứu mới về Vật lý.
Giáo sư Trần Thanh Vân phát biểu tại VSOP30. (Ảnh: ICISE) |
Trường học thành lập từ 1994 để tạo điều kiện cho các sinh viên Việt Nam học tập và trải nghiệm nghiên cứu cùng các sinh viên quốc tế và các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu theo chủ đề của từng lớp học. Từ nền tảng này, sinh viên có cơ hội tìm kiếm học bổng nghiên cứu tiến sỹ, sau tiến sỹ ở các trường đại học, viện nghiên cứu tiên tiến trên thế giới, góp phần tăng cường lực lượng nghiên cứu Vật lý cơ bản của Việt Nam
Trường học VSOP30 quy tụ nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới, như: Tiến sĩ Tzu-Chiang Yuan (Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan, Đài Loan - Trung Quốc), Tiến sĩ Nicholas Wardle (Đại học Imperial College London, Anh), Tiến sĩ Andreas Goudelis (LPC Clermont - Ferrand, Pháp), Tiến sĩ Jean - Philippe Guillet (LAPTh Annecy, Pháp), Tiến sĩ Eung Jin Chun (KIAS, Hàn Quốc), Tiến sĩ Celine Degrande (Đại học Công Giáo Louvain, Bỉ)…
VSOP30 cung cấp chuỗi bài giảng về Vật lý hạt cơ bản và vật chất tối lý thuyết và thực nghiệm. Ngoài nền tảng kiến thức của lý thuyết trường lượng tử, mô hình chuẩn (SM), các bài giảng còn bao gồm: lý thuyết ngoài mô hình chuẩn, lý thuyết vật chất tối, những phương pháp thực nghiệm cho các nghiên cứu va chạm tại máy gia tốc hạt lớn (LHC), phương pháp Monte Carlo, và học máy (ML).
Đặc biệt, học viên có cơ hội tiếp cận với các chủ đề nghiên cứu đang được các giảng viên thực hiện. Tất cả bài giảng được thiết kế nhằm kết nối kiến thức cơ bản được cung cấp ở trình độ đại học lên trình độ nâng cao, phương pháp luận trong nghiên cứu và đặc biệt là phương pháp tính toán, phân tích dữ liệu được truyền đạt thực tế trong tất cả các khóa học.
Trường học Việt Nam về Neutrinos lần thứ 8. (Ảnh: ICISE) |
Cùng ngày, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và ICISE đã khai mạc Trường học Việt Nam về Neutrinos lần thứ 8 (VSON8) với sự tham dự của 32 nhà khoa học, nhà nghiên cứu và học viên đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Italy, Anh và Việt Nam.
Từ ngày 16-26/7, học viên tham dự sẽ được cung cấp các kiến thức về Vật lý hạt và Vật lý Neutrino; các nguyên lý cơ bản và kĩ thuật hiện đại để phát hiện ra chúng; các dự án Neutrino đang và sẽ xây dựng cũng như các phát kiến khoa học có thể đạt được với các thí nghiệm này.
Ngoài ra, học viên còn được học các kĩ năng cụ thể như chạy mô phỏng các tương tác Neutrino; phân loại tương tác thông qua hình ảnh thu được từ máy dò Super-Kamiokande (một thí nghiệm đã đóng góp trực tiếp cho giải thưởng Nobel vật lý năm 2015); trực tiếp vận hành, quan sát và đo đạc với một hệ đo các tia vũ trụ đơn giản do nhóm nghiên cứu Vật lý Neutrino tại ICISE thiết kế.
Trường học Việt Nam về Neutrinos được tổ chức lần đầu năm 2017 cùng với sự giúp đỡ từ các chuyên gia Vật lý Neutrino hàng đầu đến từ Nhật Bản. Trường học thu hút các học viên đến từ châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.
Với nền tảng kiến thức về Neutrino của các lớp học trước đây, nhiều học viên Việt Nam và quốc tế đã có điều kiện tiếp tục theo học con đường nghiên cứu, có bằng tiến sĩ trong lĩnh vực Neutrino và có những đóng góp cụ thể cho cộng đồng khoa học quốc tế.