Kết cục bi đát của kẻ đào tẩu nguy hiểm nhất trong lịch sử Liên Xô
Không có kẻ nào lại mang tới nhiều nguy hại cho Liên Xô như kẻ đào tẩu sang Nhật Bản vào năm 1938 - Giám đốc Sở Dân ủy Nội vụ (NKVD) Viễn Đông Genrikh Lyushkov.
Điệp viên nằm vùng, giảng viên chính trị
Genrikh Lyushkov sinh năm 1900 tại Odessa trong một gia đình thợ may. Vào năm 1917, cậu bé Do Thái đã trở thành Bolshevik và đang ký làm lính Hồng quân. Vào năm 1918, Lyushkov "nằm vùng" tại thành phố Odessa bị kẻ địch chiếm đóng khi đó.
Sau khi thành phố được giải phóng, Genrikh lại tham gia vào Hồng quân Công nông Liên Xô, năm 1920 ông ta là giảng viên chính trị ở một đơn vị thuộc Quân đoàn 14 Hồng Quân.
Sau khi chấm dứt chiến sự ác liệt, giảng viên chính trị này đã được cử đến công tác tại cơ quan mật vụ.
Genrikh Lyushkov.
Thẳng tiến quan lộ
Tiêu diệt những thế lực thù địch, thiết lập mạng lưới điệp viên trong lòng kẻ địch và điều phối mạng lưới đó – công việc của cơ quan mật vụ vào những năm 1920 luôn chất cao quá đầu. Lyushkov không phải là nhân viên văn phòng, không khoanh tay đứng ngoài hoạt động tác chiến và thăng quan tiến chức theo đúng khả năng thực sự của mình.
Trong vòng 10 năm công tác tại cơ quan mật vụ, Lyushkov đi từ nhân viên bình thường cho tới Trưởng phòng chính trị - bí mật Ukraine.
Trong bối cảnh những năm 1920-1930, khi mối quan hệ giữa Liên Xô và Đức đang tốt đẹp, thì Lyushkov, với khả năng nói tiếng Đức trôi chảy, đã được đưa vào nhóm cán bộ cử tới Đức để làm quen với hoạt động của Tập đoàn "Junkers".
Genrikh là người biết quan sát, nhìn thấy những điều nhỏ nhặt tại đây, ghép chúng lại thành một bức tranh gồm nhiều yếu tố, phân tích chúng và đưa ra những kết luận khái quát. Báo cáo của ông ta về chuyến đi đã được chính Stalin xem và để mắt tới chàng thanh niên trẻ tuổi này.
Từ năm 1931, Lyushkov làm việc trong bộ máy trung ương của Bộ Dân ủy nội vụ, nơi mà ông ta nhanh chóng được bổ nhiệm vào vị trí phó phòng bí mật chính trị.
Một trong những lãnh đạo của Bộ Dân ủy Nội bộ
Nhiều năm trôi qua, đất nước thay đổi, cùng với đó Lyushkov cũng thay đổi. Đó không còn là cậu bé đầy nhiệt huyết, sẵn sàng chiến đấu vì hạnh phúc của nhân dân, mà là một trong những quan chức lãnh đạo của Bộ Dân ủy Nội vụ, chuyên truy lùng và hủy diệt những kẻ nổi loạn.
Chính ủy Yagoda (vào thời điểm đó) ủng hộ ông ta. Nhiều các vụ án chính trị ầm ĩ do chính tay Lyushkov lên kế hoạch và được thực hiện dưới sự giám sát đặc biệt của chính ông ta (Vụ án "Đảng Dân tộc Nga", điều tra vụ ám sát Kirov, vụ "Trung tâm Trotzkistsko-Zinovyevsky", vụ"Kremlin").
Vào năm 1936, Lyushkov được bổ nhiệm là giám đốc Sở Dân ủy Nội vụ vùng Azovo-Chernomorsky. Dưới quyền kiểm soát của ông là những lãnh thổ, nơi có khu nghỉ dưỡng của Stalin và các lãnh đạo cấp cao.
Lyushkov truy lùng kẻ thù, và ở chỗ nào ông ta cũng tìm thấy chúng. Cho tới tháng 12/1936 đã có hơn 200 đối tượng trong hàng ngũ quan chức cấp cao và lãnh đạo của các tổ chức phản động đã bị bắt.
Năm 1936, chính ủy Yagoda bị điều chuyển công tác, còn vào năm 1937 thì ông này bị bắt. Số phận của chính ủy cũng ứng với tất cả các cấp phó chính ủy và trưởng các phòng từng theo ông. Đã có hơn 300 nhân viên Dân ủy Nội vụ trong số những lãnh đạo cao cấp bị bắt.
Nhưng Lyushkov không hề hấn gì. Ezov (chủ tịch Ủy ban kiểm tra đảng, Chánh thanh tra Nội vụ Liên Xô lúc bấy giờ) đích thân chỉ đạo không đưa tên Lyushkov vào bất cứ văn bản hỏi cung nào.
Tháng 7, Lyushkov được giao nhiệm vụ tại vùng lãnh thổ quan trọng nhất – Viễn Đông, nơi quân đội Quan Đông đang hoành hành trắng trợn.
Trong vai trò lãnh đạo Sở Dân ủy Nội vụ Viễn Đông
Vào tháng 8/1937, thanh tra an ninh quốc gia Lyushkov, đại diện toàn quyền của Bộ Dân ủy Nội vụ tại Viễn Đông với quyền hạn không hạn chế, đã có mặt tại Khabarovsk. "Ông vua một xứ" bắt tay vào công việc của mình, đương nhiên, từ hoạt động truy lùng kẻ địch.
Hóa ra toàn bộ ban lãnh đạo địa phương là điệp viên của Nhật Bản hoặc những kẻ theo phe Trotzkisky. Đã có hơn 40 nhân viên của Sở Dân ủy Nội vụ Viễn Đông bị bắt.
Tất nhiên, với ban lãnh đạo như vậy, khu vực này hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của các điệp viên nước ngoài. Chưa đầy một năm đã có hơn 200 nghìn người bị bắt, 7 nghìn người trong số đó bị xử bắn.
Vào cuối tháng 8/1937, Hội đồng nhân dân và Ban chấp hành Trung ương Đảng CS Liên Xô đã quyết định "trục xuất những người dân Hàn Quốc ra khỏi các khu vực giáp biên giới của vùng Viễn Đông". Các cơ quan dưới sự lãnh đạo của Lyushkov bắt đầu chiến dịch và tới cuối tháng 10/1937, Lyushkov đã báo cáo lên Moscow rằng nhiệm vụ đã hoàn thành.
Ezov công khai gọi Lyushkov là "mật vụ tốt nhất" và yêu cầu mọi người noi gương.
Nhưng mật vụ đầy kinh nghiệm Lyushkov không vì thế mà mờ mắt. Đã xuất hiện nhiều mây đen phủ kín trên đầu ông ta… Các cấp phó của ông ta như Kagan, người đứng đầu cơ quan Dân ủy Nội vụ Ukraine, bạn thân và người cùng chí hương Leplevsky đã bị bắt.
Vào tháng 5/1938, Lyushkov nhận được bức điện: Ông ta được gọi về Moscow để nhận công việc mới tại Bộ Dân ủy Nội vụ. Lyushkov đánh một bức điện trả lời rằng mình lấy làm vinh dự khi được bổ nhiệm vào vị trí mới và phải thực hiện gấp chuyến thanh tra các khu vực giáp biên.
Đó là lúc nhân vật này thực hiện kế hoạch đào tẩu.
Cuộc đào tẩu được chuẩn bị
Quyết định đào tẩu của ông ta có phải hoàn toàn tự phát? Không. Từ hồi đầu năm 1938, Lyushkov đã chuẩn bị sẵn các giấy tờ về bệnh tật của con gái và nhu cầu phải đưa con ra nước ngoài chữa bệnh. Với bức điện từ Moscow, một tín hiệu nhanh như chớp đã xuất hiện trong đầu với nội dung: "Tháo chạy ngay".
Người vợ của ông ta, Inna Lyushkova, đã gửi bức điện khẩn với nội dung "gửi anh hàng ngàn nụ hôn" chứng tỏ rằng bà và cô con gái đã xuất cảnh thành công. Không còn gì tại Liên Xô có thể níu kéo được Lyushkov nữa.
Ngày 13/6, Lyushkov tới đội biên phòng số 59. Cùng với chỉ huy tiền đồn và hai lính Hồng quân hộ tống, ông ta đi về phía biên giới để gặp một điệp viên bí mật "từ phía bên kia".
Tại biên giới, ông ta ra lệnh cho đội hộ tống lùi sâu về phía lãnh thổ Liên Xô với lý do điệp viên này vô cùng có giá trị, không ai được phép nhìn thấy mặt anh ta.
Sau hai tiếng chờ đợi vô vọng, sĩ quan tiền đồn đã thông báo với đội trưởng đội biên phòng về sự việc. Hơn một trăm lính biên phòng suốt đêm ra soát địa hình, nhưng không mang lại kết quả.
Trong tay người Nhật
Phản ứng đầu tiên của các nhân viên phản gián Nhật Bản khi lính biên phòng áp tải đến chỗ họ một công dân Liên Xô bị bắt với bộ quân phục có 3 hình quả trám trên ve áo và hai huân chương "Mật vụ danh dự" - là trao trả lại cho phía Liên Xô. Họ coi đây là hành động khiêu khích.
Trong đầu những chiến binh Samurai không thể hiểu được tại sao một sĩ quan cấp cao như thế lại có thể tự nguyện bỏ sang phe đối phương. Bị lạc? Vậy tại sao khi nhận thấy mình đang ở lãnh thổ của kẻ địch nhưng anh ta không tự sát? Chắc chắn anh ta là điệp viên. Nếu đúng như thế thì hãy để anh ta quay về nơi anh ta xuất phát.
Nhưng công dân Liên Xô này nhất quyết không chịu quay về và yêu cầu báo cáo về anh ta lên lãnh đạo cấp cao. Để trả lời cuộc điện thoại báo cáo về sự việc, hai sĩ quan cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật Bản có mặt và đưa kẻ đào tẩu đi cùng.
Vở kịch
Ban đầu, người Nhật che giấu việc giám đốc Sở Dân ủy nội vụ Viễn Đông đang nằm trong tay họ, nhưng thông tin đã bị lọt ra ngoài. Khi trên các phương tiện báo chí Latvi, sau đó là Đức xuất hiện những thông tin về vụ đào tẩu của Lyushkov sang Mãn Châu, và việc giữ im lặng đã trở thành vô nghĩa, người Nhật dựng lên một vở kịch.
Lyushkov xuất hiện trước các nhà báo nước ngoài, trả lời nhiều cuộc phỏng vấn, trên các tờ báo xuất hiện nhiều bài viết mà tác giả chính là ông ta, nội dung là bôi nhọ hình ảnh Liên Xô
Kẻ phản bội
Không chỉ các cơ quan an ninh Nhật Bản quan tâm tới kẻ đào tẩu. Đại tá Greyling, đại diện của đô đốc Canaris (giám đốc cơ quan mật vụ Gestapo của Đức) đã có mặt ở Tokyo. Người Nhật đã "tặng" kẻ cung cấp thông tin cho ông ta trong một vài tối.
Sau các cuộc gặp gỡ, viên đại tá đã viết một báo cáo dài vài trăm trang. Richard Sorge (với mật danh Ramsay - điệp viên nổi danh tình báo Liên Xô thời kỳ Thế chiến thứ Hai) đã có cơ hội tiếp cận bản báo cáo và chụp ảnh một số trang quan trọng nhất.
Khi cuốn phim được gửi về Moscow, những nghi ngờ cuối cùng đã được làm sáng tỏ: Lyushkov đã bán đứng tất cả, kể hết mọi chuyện mình biết. Mà chuyện ông ta biết không phải ít: vị trí các cứ điểm quân sự, nhà kho, sân bay, căn cứ quân sự, nơi đóng quân của các đơn vị quân đội và tàu chiến của Hải quân Liên Xô, hệ thống bảo vệ biên giới, mật mã và mã điện đàm.
Kể đào tẩu đã giao nộp tất cả những điệp viên mà ông ta biết tại Mãn Châu và Nhật Bản.
Gậy ông đập lưng ông
Mặc dù báo chí Liên Xô giữ im lặng về sự việc xảy ra tại Viễn Đông, nhưng hậu quả không thể không xảy ra. Chánh thanh tra Ezov, khi biết về cuộc đào tẩu đã nói: "Thế là tôi tới số rồi". Ông biết rằng mình nói gì. Trong số những lời buộc tội nhằm vào ông, trước tiên chính là vụ đào tẩu của Lyushkov.
Khi đến tiếp quản vị trí của Lyushkov, trung tá an ninh quốc gia Gorbach tiến hành thanh lọc bộ máy của Sở Dân ủy nội vụ Viễn Đông. Tất cả các nhân viên được Lyushkov bổ nhiệm đều bị bắt và xử bắn. Vợ con, bạn bè, người thân và thậm chí họ hàng xa của Lyushkov cũng bị liên đới.
Cố vấn Yamoguchi Toshikazu
Đến mùa hè năm 1945, Lyushkov làm việc với vai trò cố vấn chính tại các cơ quan tình báo Bộ Tổng tham mưu Nhật Bản. Ông ta viết các báo cáo, tổng quan về tình hình tại Liên Xô, khả năng chiến đấu của Hồng quân, tổ chức hoạt động của các cơ quan an ninh Liên Xô.
Người Nhật phải ngạc nhiên vì khả năng làm việc của ông ta: Lyushkov nộp 40 trang giấy viết tay mỗi ngày, các nhân viên biên dịch không theo kịp.
Mùa hè năm 1945, dự cảm về một cuộc chiến tranh sắp xảy ra với Liên Xô, Bộ tư lệnh quân đội Quan Đông đã yêu cầu Bộ Tổng tham mưu cử một chuyên gia về Hồng Quân cho họ.
Ngày 8/8, dưới sự hộ tống của đại úy quân đội Nhật Bản, cố vấn Yamaguchi Toshikazu (Lyushkov) đã có mặt tại Dairen (nay là Đại Lâm, tỉnh Liêu Ninh). Nhưng người ta không cần sự trợ giúp của viên cố vấn này.
Ngày 19/8 số phận của quân đội Quan Đông đã không còn làm ai nghi ngờ. Một câu hỏi đặt ra: "Làm gì với cố vấn Yamoguchi Toshikazu?" Sau khi bàn bạc ngắn gọn về một vài phương án (trả tự do, đưa tới Đông Nam Á, bàn giao cho người Mỹ hoặc các đại diện của Liên Xô), đa số có ý kiến cho rằng chuyên gia này biết quá nhiều và phải thủ tiêu.
Cựu chỉ huy sứ mệnh quân sự tại Dairen, khi bị hỏi cung vào tháng 11/1945, đã thú nhận chính tay ông ta bắn chết Lyushkov. Một nghịch lý: Bị tòa án Liên Xô tuyên xử bắn nhưng Lyushkov lại bị chính kẻ thù của Liên Xô hành quyết…
Bảo Lam