Jack the Ripper: 2 tháng sát hại tàn bạo 5 người, cho đến hơn 1 thế kỷ sau, kẻ sát nhân vẫn là một ẩn số
Trong suốt “kỷ nguyên” của mình, Jack the Ripper là một trong những tên sát nhân bí hiểm, bệnh hoạn nhất trong lịch sử phạm tội thế giới. Từ ngày 7/8 đến ngày 10/9/1888, 11 vụ thảm sát đã xảy ra tại khu vực East End, Whitechapel của Luân Đôn, Anh. Suốt khoảng thời gian của năm 1888, người dân Luân Đôn luôn sống trong nỗi khiếp sợ, lo âu thấp thỏm rằng mình sẽ là nạn nhân kế tiếp. Hầu hết nạn nhân đều là phụ nữ, hành nghề mại dâm và bị sát hại thê thảm.
(Ảnh: whitechapeljack)
Những vụ án này được London Metropolitan Police Service đặt tên là Whitechapel Murders. Trong số 11 vụ Whitechapel Murders, người ta tin rằng Jack the Ripper thực hiện 5 trong số đó, bắt đầu từ ngày 31/8/1888 cho đến ngày 9/11/1888. Ngài Melville Macnaghten - người từng là Trợ lý Cảnh sát trưởng Metropolitan, đồng thời là Trưởng phòng Điều tra hình sự - đã nhận định trong báo cáo năm 1894 rằng: “Kẻ giết người ở Whitechapel - Jack the Ripper - đã sát hại 5 nạn nhân và chỉ có 5 nạn nhân mà thôi”.
5 nạn nhân với thi thể không nguyên vẹn
Vị trí 5 thi thể do Jack the Ripper sát hại (chấm đỏ) được tìm thấy. (Ảnh: whitechapeljack)
Mary Ann Nichols: nạn nhân đầu tiên
Thi thể của Mary Ann Nichols được tìm thấy vào sáng sớm ngày 31/8/1888, khoảng 3 giờ 40 phút sáng, ngay phía lối vào chuồng ngựa ở Buck’s Row, Whitechapel bởi 2 người đang trên đường đi làm. Hai người đàn ông - Charles Cross và Robert Paul - đã thấy Mary nằm trên đất, váy bị kéo đến eo. Đầu tiên, họ không biết cô say xỉn hay đã chết. Sau một chút do dự, họ đã chạm vào người cô và thấy tay, mặt của cô đã lạnh toát. Nhận thấy có điều không ổn, cả hai đã thông báo đến cảnh sát ngay lập tức.
Nạn nhân bị bầm tím mặt, cổ họng bị cứa hai vết sâu, đầu gần như không còn dính vào cổ, bụng dưới bị một vết rách lớn cùng nhiều vết thương khác ở bụng. Theo kết quả pháp y, Mary đã chết khoảng 30 phút trước khi thi thể được tìm thấy.
Annie Chapman: nạn nhân thứ hai
Một nhân chứng đã báo cáo rằng đã nhìn thấy Annie Chapman (47 tuổi) nói chuyện với một người đàn ông bên ngoài ngôi nhà số 29 Hanbury Street, Spitalfields vào lúc 5 giờ 30 phút sáng ngày cô bị sát hại, ngày 8/9/1888. Albert Cadosch sống ở 27 Hanbury Street cho biết đã nghe thấy tiếng phụ nữ từ sân sau ở nhà kế bên nói: “Không” và sau đó là âm thanh tựa như cơ thể ai đó ngã xuống hàng rào. Khoảng 20 phút sau, cơ thể ấy được phát hiện bởi John Davis gần lối ra cửa sau của nhà 29 Hanbury Street.
Cổ họng cô bị cứa hệt như Mary Ann Nichols, cả vùng bụng cũng thế, bị mở toang cả ra. Ruột bị rách, nát. Cuộc khám nghiệm tử thi sau đó cho biết, kẻ sát nhân đã cắt bỏ tử cung và một phần âm đạo của Annie.
Elizabeth Stride: nạn nhân thứ 3
Khoảng 1 giờ sáng ngày 30/9/1888, thi thể của Elizabeth Stride được tìm thấy ở Duttfield’s Yard, phố Berner. Kẻ sát nhân đã cắt cổ Elizabeth, cô bị đứt động mạch trái, ngoài ra không còn vết cắt, vết rạch nào khác. Khi được phát hiện, cơ thể Elizabeth vẫn còn chảy máu từ cổ họng. Khung cảnh ở hiện trường được cho rằng cô và kẻ sát nhân đã vật lộn rất dữ dội.
Bởi vì bụng nạn nhân không có vết thương như 2 vụ án trước nên nhiều người vẫn nghi ngờ liệu có phải do Jack the Ripper ra tay hay không. Tuy nhiên, hầu hết chuyên gia đều tin rằng cô bị Jack the Ripper sát hại bởi cổ bị cứa như 2 nạn nhân trước. Ngoài ra, cũng có người cho rằng Elizabeth không bị thương vùng bụng là do kẻ sát nhân lo sợ có nhân chứng gần đó nên đã bỏ chạy.
Catherine Eddowes: nạn nhân thứ 4
45 phút sau khi thi thể Elizabeth được tìm thấy, thi thể Catherine Eddowes (43 tuổi) cũng được phát hiện tại Mitre Square, trong phạm vi thành phố Luân Đôn. Cổ họng Catherine bị đứt, bụng bị rạch như 2 thi thể đầu tiên, mất thận trái cùng một phần tử cung. Các điều tra viên lần theo vết máu và phát hiện ra dòng chữ viết bằng phấn: “Người Do Thái không phải là những kẻ không bị kết tội” được viết ở gần đó. Thế nhưng chẳng hiểu vì sao, Cảnh sát trưởng Luân Đôn khi đó là Charles Warren lại yêu cầu xóa dòng chữ này - chứng cứ quan trọng hàng đầu.
Trước khi thi thể Catherine được tìm thấy, một nhân chứng cho biết đã thấy cô nói chuyện với một người đàn ông cao khoảng 1m70, tuổi khoảng 30, da ngăm, có râu, mặc trang phục kiểu như thủy thủ.
Mary Jane Kelly: nạn nhân thứ 5
Mary Jane Kelly (25 tuổi) được xem là nạn nhân bị sát hại thảm thương nhất trong số các vụ giết người Whitechapel. Nhìn thi thể không còn nguyên vẹn của cô, không ai có thể cầm được nước mắt. Cô được tìm thấy trên giường ngủ nhà riêng ở 13 Miller;s Court, Dorset Street, Spitalfields vào lúc 10 giờ 45 sáng ngày thứ Sáu 9/11/1888.
Thomas Bowyer - trợ lý của chủ nhà - đã đến nhà Mary thu tiền nhà theo tuần. Khi Thomas gọi cửa mà không thấy ai trả lời, Bowyer đã đưa tay vào một vết nứt ở cửa sổ, đẩy chiếc áo khoác được treo tạm thời và thấy cảnh tượng quá khủng khiếp.
Những lá thư "đẫm máu"
Trong suốt thời gian xảy ra các vụ thảm án từ ngày 31/8/1888 cho đến ngày 9/11/1888, cảnh sát và các cơ quan khác đã nhận được rất nhiều lá thư. Một số thư được gửi đến để hỗ trợ công tác điều tra, một số cười nhạo việc điều tra của cảnh sát và cả những lá thư được viết và gửi bởi Jack the Ripper. Tuy nhiên, với những lá thư được cho là gửi bởi Jack the Ripper, chỉ có 3 trong số đó là đáng chú ý nhất.
Lá thư thứ nhất được gọi là Dear Boss Letter được đóng dấu gửi đi ngày 25/9/1888 và Central News Agency nhận vào ngày 27/9/1888. Thư này đã được gửi đến Scotland Yard 2 ngày sau đó. Ban đầu, lá thư được xem như trò đùa nhưng nhanh chóng thu hút sự chú ý sau vụ án của Catherine Eddowes vào ngày 30/9. Trong thư, tác giả đề cập sẽ cắt tai nạn nhân tiếp theo và thi thể của Eddowes sau đó đã được tìm thấy với 1 tai bị cắt.
Mặt trước Dear Boss Letter (Ảnh: whitechapeljack)
Mặt sau Dear Boss Letter (Ảnh: whitechapeljack)
Sau đó, cảnh sát nhận một tấm bưu thiếp được đặt tên Saucy Jack Postcard vào ngày 1/10/1888. Chữ viết tay rất giống với chữ viết tay trên Dear Boss Letter, đề cập đến sự kiện kép, liên quan đến cái chết của Elizabeth Stride và Catherine Eddowes. Cả hai đều xảy ra vào buổi sáng ngày 30/9/1888.
Saucy Jack Postcard (Ảnh: whitechapeljack)
Cả 2 lá thư sau đó đã được cảnh sát cho rằng là sản phẩm của nhà báo địa phương Tom Bullen. Nhiều năm sau đó, năm 1931, một nhà báo tên Fred Best tự nhận mình đã viết 2 lá thư trên với mục đích duy trì công việc kinh doanh. Ngay sau cuộc điều tra kết thúc, lá thư Dear Boss Letter và Saucy Jack Postcard đã biến mất khỏi hồ sơ cảnh sát. Người ta tin rằng một trong những nhân viên điều tra vụ Jack the Ripper đã giữ nó như món quà lưu niệm. Năm 1988, 1 thế kỷ sau khi vụ án được đóng lại, lá thư đã được chuyển lại cho cảnh sát Metropolitan bởi một người nặc danh.
Lá thư thứ 3 - From Hell Letter - được đóng dấu bưu điện ngày 15/10, nhận bởi người đứng đầu Ủy ban Cảnh sát Whitechapel khi đó là George Lusk vào ngày 16/10/1888 - được cho là đáng lo ngại và đáng chú ý nhất trong số những thông điệp từ Jack the Ripper. Chữ viết của lá thư này không giống với 2 thư trên. Bức thư được đựng trong chiếc hộp nhỏ cùng với 1 quả thận người. Trùng hợp là, thận của Catherine Eddowes đã bị mất khi người ta phát hiện ra thi thể của cô.
From Hell Letter (Ảnh: whitechapeljack)
Bác sĩ Thomas Openshaw đã kiểm tra quả thận và kết luận rằng, thận này của phụ nữ khoảng 45 tuổi, mắc bệnh Bright. Quả thận này cho thấy chủ nhân của nó nghiện rượu nặng. Catherine Eddowes khi bị sát hại đã được 46 tuổi và được biết đến là người uống rất nhiều rượu. Cũng như số phận của 2 lá thư trước, lá thư lần này cũng như quả thận đã biến mất.
Người ta vẫn chưa thống kê được chính xác có bao nhiêu lá thư được gửi đến các nhà chức trách, giới truyền thông và những nhân vật nổi tiếng khác ở Whitechapel suốt thời gian xảy ra các vụ giết người, nhưng con số có thể lên đến vài ngàn. Ngày 20/10/1888, ấn bản của The Illustrated Police News báo cáo rằng có hơn 700 lá thư đang được cảnh sát điều tra.
Vì hầu hết những lá thư này đã bị hủy bỏ, thất lạc hay bị hư hỏng bởi đánh bom trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 nên hiện tại, chỉ còn khoảng 300 lá thư được cất giữ tại Corporation of London Records Office.
Những kẻ tình nghi
Những bí ẩn xung quanh việc tìm ra danh tính của kẻ đứng đằng sau 5 vụ án đẫm máu nổi tiếng ở Luân Đôn ngày càng trở nên phức tạp. Cảnh sát Luân Đôn và các cơ quan không ngừng phán đoán về danh tính thực sự của kẻ thủ ác.
Sau khi phỏng vấn hơn 2.000 người, điều tra 300 người, bắt giữ 80 người khác, cảnh sát Luân Đôn vẫn chưa thể nào xác định được chính xác Jack the Ripper là ai. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cảnh sát thu hẹp, xác định 5 người sau đây là nghi can:
Montague John Druitt
(Ảnh: strawberrytours)
Một người đàn ông có học thức ở Oxford, sinh ra ở WImborne Minster, Dorset, tiểu sử gia đình tốt, từng làm trợ giảng ở Blackheath, Luân Đôn. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng Montague là kẻ điên loạn về tình dục. Nhiều chuyên gia tin rằng Montague là nghi phạm vì họ tin Jack the Ripper là người địa phương Whitechapel, đồng thời ông ta cũng được nhìn thấy ở khu vực Whitechapel vào khoảng thời gian xảy ra các vụ án.
Vào ngày 9/11/1888 - 7 tuần sau cái chết của Mary Jane Kelly (nạn nhân cuối cùng) - thi thể của Montague đã được tìm thấy nổi trên sông Thames. Các nhà điều tra tin rằng nguyên nhân cái chết là do tự tử và ông ta đã ở dưới đáy sông ít nhất vài tuần, tức khoảng thời gian xảy ra vụ án của Mary Jane Kelly.
Carl Feigenbaum
(Ảnh: strawberrytours)
Một kẻ tình nghi khác là Carl Feigenbaum, 54 tuổi, người Đức. Carl có rất nhiều bí danh và được biết đến là làm việc trên những chiếc tàu neo đậu gần Whitechapel. Ngay cả luật sư của hắn ta cũng tin đây chính là Jack the Ripper. Hồ sơ chứng minh rằng Carl đã làm việc ở Whitechapel mỗi ngày xảy ra vụ án Jack the Ripper ở East End, Luân Đôn. Ông ta và đồng nghiệp cũng được thấy xuất hiện ở những nhà chứa gần đó.
Sau khi Carl nhập cư vào Mỹ khoảng năm 1890, hắn ta bị buộc tội giết 1 phụ nữ tên Julianna Hoffman và bị đưa lên ghế điện xử tử. Các chuyên gia cũng tuyên bố rằng có những tình tiết tương đồng nổi bật giữa các vụ án Jack the Ripper và Hoffman.
Aaron Kosminski
(Ảnh: strawberrytours)
Một số quan chức cảnh sát tin rằng Aaron đứng đằng sau vụ án Jack the Ripper. Hắn ta sinh vào khoảng năm 1864 đến 1865 ở Nga, nhập cư vào Luân Đôn khoảng những năm 1880. Aaron là người Do Thái, là thợ làm tóc ở Whitechapel suốt thời gian xảy ra 5 vụ thảm án. Hắn ta dường như có sự hận thù kinh khủng với phụ nữ, có xu hướng giết người, đã được gửi đến trại tị nạn năm 1889 và qua đời không lâu sau đó.
Francis Craig
(Ảnh: strawberrytours)
Người ta cũng tin rằng chồng của Mary Jane Kelly - Francis Spurzheim Craig - chính là Jack the Ripper. Hắn ta sinh năm 1837, con của một nhà cải cách xã hội nổi tiếng dưới thời Victoria, từng làm việc với tư cách phóng viên vào khoảng thời gian xảy ra các vụ án. Một số người cho rằng hắn ta bị bệnh tâm thần.
Francis sống ở Mile End Road, Whitechapel, cách nơi xảy ra vụ án đầu tiên trong chuỗi Jack the Ripper khoảng 7 phút. Năm 1884, Francis cưới Elizabeth Weston Davies - người hành nghề mại dâm với tên Mary Jane Kelly, tức nạn nhân cuối cùng.
Các giả thuyết cho rằng Francis đã phát hiện ra việc làm của vợ và âm thầm lập âm mưu sát hại cô. Nhưng để che giấu sự liên quan của mình, hắn ta đã sát hại những gái mại dâm khác trong khu vực.
Walter Sickert
(Ảnh: strawberrytours)
Walter Sickert sinh ra tại Munich vào năm 1860, di cư cùng gia đình đến Luân Đôn vào năm 1869. Walter làm nghề vẽ tranh gái mại dâm và được tin rằng đã chèn vài manh mối cũng như biểu tượng về Jack the Ripper trong các tác phẩm của mình. Người ta cũng tin rằng Walter bị bất lực sau nhiều lần giải phẫu dương vật, từ đó nhắm vào gái mại dâm gây án.
Thủ phạm chính xác: Một câu hỏi lớn không lời đáp
Tuy đã tìm ra 5 nghi phạm cùng những nhận định khác như kẻ sát nhân có thể là một người phụ nữ, cũng có thể nhóm gây ra tội ác gồm 2-3 người, nhưng cảnh sát vẫn chưa tìm được bằng chứng cụ thể nào, tất cả chỉ dựa trên phân tích và phán đoán của cảnh sát cùng các nhà điều tra. Thế nên, kẻ sát nhân vẫn chưa bao giờ bị đưa ra ánh sáng công lý và xét xử. Hồ sơ vụ án đến nay đã được khép lại.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tội phạm học Anh đã công bố phát hiện về nơi ở của Jack the Ripper. Theo đó, Tiến sĩ Kim Rossmo và Steve Le Comber thuộc trường Đại học Luân Đôn đã sử dụng thuật toán, áp dụng các kỹ thuật, thuật toán máy tính để xác định vị trí của kẻ thủ ác. Đó chính là khu Flower and Dean Street ở East End, Whitechapel. Đây là một khu vực được xem như khu ổ chuột, tập trung nhiều tệ nạn, nhiều ô nhiễm nhất Luân Đôn.
Những nạn nhân cũng sống gần khu Flower and Dean Street và để thực hiện được hành vi phạm tội, kẻ sát nhất cũng phải sống ở gần đây. Đây là dấu hiệu quan trọng để khoanh vùng kẻ sát nhân nhưng lại bị bỏ sót vào thời bấy giờ.
(Nguồn: whitechapeljack, telegraph, bbc, strawberrytours, psychologytoday)
https://whitechapeljack.com/the-whitechapel-murders/
https://whitechapeljack.com/the-ripper-letters/
http://www.telegraph.co.uk/news/2016/03/16/who-was-jack-the-ripper-the-suspects-so-far/
http://www.huffingtonpost.co.uk/2014/09/07/jack-the-ripper-identified_n_5779484.html
http://www.bbc.co.uk/history/historic_figures/ripper_jack_the.shtml
https://www.psychologytoday.com/blog/wicked-deeds/201401/jack-the-ripper-identified
https://strawberrytours.com/london/blog/the-5-most-likely-jack-the-ripper-suspects-and-the-facts-against-them
Newben