Hội Việt – Mỹ tiếp đoàn sinh viên trường Đại học American
Tại buổi tiếp, Tổng thư ký Hội Việt – Mỹ Bùi Văn Nghị đã giới thiệu sơ lược với đoàn về các hoạt động đối ngoại nhân dân của VUFO cũng như các hoạt động vì hòa bình của nhân dân hai nước, nhấn mạnh các mốc phát triển quan trọng của quan hệ ngoại giao song phương trong thời bình và vai trò của hội Việt - Mỹ và các tổ chức nhân dân trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị song phương.
Toàn cảnh buổi tiếp. (Ảnh: Phi Yến)
Nhân dịp này, ông cũng đề cập tới những sự kiện kỉ niệm nổi bật sắp tới như kỷ niệm 5 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt-Mỹ vào tháng 7/2018 và hướng tới kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt - Mỹ năm 2020.
Tổng thư ký hội Việt – Mỹ cũng trả lời các câu hỏi của các thành viên trong Đoàn về quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ, vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh cũng như các vấn đề liên quan đến nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin và các chương trình giao lưu, trao đổi đoàn giữa nhân dân hai nước.
Ông cũng chúc đoàn có một chuyến thăm tốt đẹp, thành công, và bày tỏ hi vọng chuyến thăm Việt Nam của Đoàn sẽ giúp các bạn trẻ Mỹ hiểu thêm về tình hình Việt Nam, chính sách đối ngoại của Việt Nam, quan hệ Việt - Mỹ, góp phần làm tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, đóng góp vào sự phát triển chung của tình hữu nghị Việt – Mỹ trong tương lai.
Đại diện cho đoàn sinh viên trường Đại học American, trưởng đoàn - cô Britta Galanis đã bày tỏ lòng cảm kích trước sự tiếp đón nồng hậu của hội Việt – Mỹ.
Ông Bùi Văn Nghị - Tổng thư ký Hội Việt – Mỹ trao tặng sách “Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ: Quá khứ, hiện tại và tương lai” cho đại diện nhóm sinh viên trường Đại học American. (Ảnh: Phi Yến)
Cô cho biết, chuyến thăm Việt Nam có ý nghĩa thiết thực với cá nhân cô, một người trẻ quan tâm sâu sắc tới việc khắc phục hậu quả chiến tranh để lại. Cô cũng chia sẻ, chuyến đi là cơ hội để cô và các bạn sinh viên hiểu hơn về chiến tranh Việt Nam ngay tại nơi cuộc chiến đã diễn ra.
Đoàn Đại học American đến Việt Nam lần này gồm 8 người. Họ cũng chính là những thành viên của chương trình ngoại khóa “Ghosts of war: Post- conflict recovery in Vietnam” (tạm dịch: Khắc phục hậu quả “bóng ma chiến tranh” ở Việt Nam) mùa thứ ba.
Với mục đích đem lại cái nhìn khách quan về chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là thực tế về hậu quả của chất độc màu da cam/dioxin và bom mìn còn sót lại, đoàn sinh viên hi vọng chương trình sẽ đem đến cho họ những kiến thức, trải nghiệm hữu ích, góp phần tăng sức thuyết phục trong việc kêu gọi sự quan tâm của Quốc hội cũng như Bộ Ngoại giao Mỹ đối với hai vấn đề này.
Trước khi đến Hà Nội, đoàn đã có các cuộc tham quan các di tích chiến tranh tại Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, Bảo tàng chứng tích chiến tranh; giao lưu với nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin và các nhân viên, y bác sĩ tại làng Hòa Bình thuộc bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh); và làm việc với các nhóm dự án về khắc phục và giảm thiểu hậu quả của bom mìn như RENEW, MAG Quốc tế (Quảng Trị).
Phi Yến