Học sinh muốn tự tử vì kỳ vọng quá lớn của cha mẹ
Theo báo cáo kết quả thực hiện y tế trường học giai đoạn 2011-2015 tại hội nghị đánh giá thực trạng y tế trường học, do Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội, số học sinh có ý định tự tử tăng cao (17%).
Nỗi đau tăng theo những con số
Mới đây nhất, cuối năm 2015, nữ sinh Thùy Trang (THPT Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) tự tử để lại 5 lá thư tuyệt mệnh khiến nhiều người đau xót. Trong thư, Trang viết: “Tương lai sau này của con cũng không còn nữa, con xin lỗi bố mẹ. Không, không, con không thể chịu nỗi nữa rồi… Tương lai con mù mịt, suy nghĩ con mù mịt, con đường con đi cũng mù mịt, mọi thứ xung quanh con mù mịt…. Hết rồi, tất cả kết thúc rồi".
Một trong 5 lá thư tuyệt mệnh Thùy Trang để lại
Nguyên nhân tự tử của Trang xuất phát từ sự buồn chán, thất vọng vì em chỉ đạt học sinh trung bình. Kết quả học tập đó không đáp ứng được mong đợi của người thân.
Trước đó, hàng loạt vụ việc liên quan học sinh tự tử như làm mất tiền quỹ lớp, bị bạn bè ghép ảnh nhạy cảm đăng lên mạng, thi trượt đại học, thất tình...
Là người quan tâm đến tâm lý của giới trẻ, TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu – giảng viên ĐH Sư phạm TP HCM - gửi đến thông điệp, khi bạn trẻ có ý định tự tử là lúc chỉ nhìn thấy vết mực trong cuộc đời mình, mà không thấy phần còn lại là cả tờ giấy trắng.
"Ta luôn chăm chú vào thất bại, thổi phồng lên và tưởng tượng cuộc đời mình đã mất hết tất cả. Thực ra, ta chỉ mất đi một phần rất nhỏ mà thôi. Tay chân vẫn còn. Sự sống vẫn còn. Cơ hội vẫn còn. Thời gian vẫn còn. Người thân vẫn còn. Khi tất cả những thứ khác đã mất thì tương lai vẫn còn", vị tiến sĩ nêu quan điểm.
Nhận định về con số "17% học sinh có ý định tự tử", TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, đây là thực trạng đáng lo ngại.
Theo TS Tùng Lâm, lỗi thuộc về người lớn khi đã đặt lên vai trẻ quá nhiều áp lực, kỳ vọng. Trong khi đó, bố mẹ, thầy cô giáo lại chưa trang bị được cho các em những kỹ năng vượt qua giây phút căng thẳng, bế tắc.
Mở rộng vấn đề hơn, TS Vũ Thu Hương – Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, con số 17% chưa phản ánh đúng thực chất, bởi thực tế học sinh có ý định tự tử nhiều hơn, nhưng nhiều em không dám thổ lộ suy nghĩ của mình.
Tác động từ gia đình
TS Vũ Thu Hương đánh giá, ý định tự tử có xu hướng tăng do cuộc sống sinh hoạt, học tập, lao động và vui chơi của không ít bạn trẻ quá nghèo nàn. Mục tiêu sống hạn hẹp và đơn sắc. Nhiều em chủ yếu hướng đến mục tiêu vào trường tốt, học xong ra trường có công việc ổn định, lập gia đình và sinh con theo... ý muốn của cha mẹ.
“Mỗi khi gặp khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu, nhiều bạn cảm thấy mình vô dụng, hèn kém. Bởi không còn mục tiêu gì khác nên họ dễ có suy nghĩ đen tối, muốn chấm dứt cuộc đời”, TS Hương phân tích.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của nữ TS tâm lý này, cách giáo dục trong gia đình sẽ liên quan nhiều hơn đến việc giới trẻ tự tử, nhà trường chỉ có tác động hỗ trợ.
Cụ thể, trong gia đình, tâm lý đánh giá con bằng học lực rất phổ biến và nặng nề. Nhiều cha mẹ gắn kết quả học tập của con với sự thành công của chính mình trong việc giáo dục. Điều đó gây áp lực và khiến cuộc sống của trẻ trở nên nghèo nàn, dễ mệt mỏi. Thực tế cho thấy, đánh giá một con người thành công hay không sẽ không đơn thuần ở thành tích học tập, mà ở chỗ họ đã cống hiến cho xã hội thế nào. Vì thế, cha mẹ cần xem lại cách giáo dục lý tưởng, mục tiêu sống của con trẻ để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
“Ngoài ra, cách sống của cha mẹ cũng ảnh hưởng khá nhiều đến giới trẻ” - TS Vũ Thu Hương nói - bởi một số học sinh có ý định tự tử vì cha mẹ không yêu thương nhau, khiến con cái có cảm giác mình bị lừa vì sự giả dối của phụ huynh. Trong gia đình, dù hạnh phúc hay không, cha mẹ cần sống trung thực với con. Điều này không đơn giản nhưng các con rất cần và rất mong cha mẹ mình thực hiện.
Tư vấn tâm lý trong trường học hạn chế
Theo TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Công tác Học sinh Sinh viên, Bộ GD&ĐT, thời gian qua, Bộ này khảo sát các trường THCS, THPT tại Hà Nội, TP HCM, Hải Dương, Khánh Hòa... Kết quả là trên 90% học sinh gặp khó khăn, vướng mắc về tâm lý và các em đều có nhu cầu được tư vấn.
Tuy nhiên, việc triển khai phòng tâm lý trong trường học còn nhiều hạn chế. Nhiều trường chưa có giáo viên tư vấn chuyên trách, chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm; đa số góc tư vấn ghép chung với phòng y tế hoặc phòng Đoàn - Đội; giáo viên tâm lý chủ yếu phải làm việc ngoài giờ hành chính… Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh và học sinh vẫn nghĩ phòng tư vấn dành cho người bị tâm thần.
Về mô hình tư vấn trong trường học hiện tại, TS Vũ Thu Hương nhận xét: Giáo viên nhiều khi còn quá trẻ để giải quyết những tình huống cụ thể. Vì vậy, các trường cần tổ chức những buổi tư vấn tâm lý do các chuyên gia phụ trách.
Về vấn đề này, ông Ngũ Duy Anh cho hay, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét tư vấn tâm lý trên Facebook. Đây vừa là “ốc đảo” nhưng cũng vừa là “cánh cửa mở” để có thể khám phá, nhìn nhận con người.
Tại TP HCM, trường Marie Curie đã sử dụng tư vấn tâm lý cho học sinh qua trang Marie Curie Confession. Đây là kênh liên lạc thông tin hiệu quả đối với học sinh gặp khó khăn về tâm lý.
Theo Zing