Học giả Anh: Đảng Cộng sản lãnh đạo Việt Nam trở thành trung tâm kinh tế văn hóa phát triển
Trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Vương quốc Anh nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Whittaker chỉ ra rằng trải qua gần một thế kỷ từ khi được thành lập tại Hong Kong vào năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng và thống nhất đất nước và xây dựng Việt Nam thành một quốc gia thịnh vượng.
Nhà nghiên cứu chính trị và lịch sử Việt Nam Kyril Whittaker dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại sứ quán Việt Nam ở London (Anh). Ảnh: TTXVN phát |
Dẫn quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ có nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ, nhà nghiên cứu Anh nhấn mạnh với quan điểm xuyên suốt này, mọi quyết định của Đảng đều dựa vào nhân dân, chỉ ra rằng xã hội Việt Nam ngày nay không chỉ là sản phẩm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn thấm nhuần văn hóa chủ nghĩa xã hội, thấm nhuần những giá trị tiến bộ, yêu hòa bình, độc lập, tự do và những giá trị Bác Hồ thường nói đến như liêm chính, tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô, ích kỷ.
Theo ông Kyril, việc cải thiện chất lượng cuộc sống người dân ngày một tốt hơn và đề cao sự phát triển văn hóa đã tạo cơ sở hình thành xã hội Việt Nam ngày nay, được thế giới công nhận với nền văn hóa phong phú, lịch sử phát triển và kinh tế tăng trưởng. Trong 94 năm qua, với sự lãnh đạo của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội và vượt qua nhiều thách thức, là động lực cho sự phát triển lành mạnh trong mọi lĩnh vực của xã hội Việt Nam, đặc biệt trong việc phát triển và bảo tồn văn hóa. Thông qua nhiều chính sách như xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, và bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu sổ, Đảng và nhân dân Việt Nam đang ươm mầm cho sự phát triển không ngừng của nền văn hóa dân tộc.
Ông Kyril nhận định dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong năm 2023, Việt Nam đạt được những thành tựu ngoại giao, kinh tế, văn hóa lớn, với nền kinh tế tăng trưởng liên tục, từ 2,58% trong năm 2021 lên 8,02% năm 2022, và 5,05% năm 2023. Trong khi các nền kinh tế khác trên toàn cầu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam đã kiểm soát đại dịch hiệu quả và đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế. Ông Kyril cho rằng những thành tực này là nhờ Việt Nam luôn ‘lấy dân làm gốc’, dẫn chứng trong đại dịch người dân luôn có tinh thần tương trợ lẫn nhau, đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ lực lượng quân đội và công an nhân dân với những hành động thiết thực trong giai đoạn phong tỏa phòng dịch, từ mua thực phẩm, thu hoạch mùa màng, tới đo nhiệt độ, phát khẩu trang miễn phí cho nhân dân. Nhà nước cũng nghiêm trị những người lợi dụng đại dịch để trục lợi như tăng giá các sản phẩm thiết yếu, và những người truyền bá thông tin sai lệch nguy hiểm về đại dịch. Ông cho rằng có nhiều điều thế giới có thể học từ Việt Nam trong công tác chống dịch.
Trong thời gian sống ở Việt Nam, ông Kyril thấy sự đổi thay lớn ở các vùng nông thôn và thành thị của đất nước, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Ông cho biết phát triển nông nghiệp bền vững, xây mới đường cao tốc và hệ thống giao thông, cũng như việc sử dụng công nghệ xanh trên quy mô lớn đã trở thành tiêu chuẩn ở Việt Nam, như việc phát triển mạng lưới xe buýt xanh, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phát triển phố đi bộ tại các khu vực đông đúc ở các thành phố lớn nhằm tạo không gian công cộng tại những khu vực mang tính lịch sử và kiến trúc đẹp như hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội, hay đường Nguyễn Huệ ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà nghiên cứu Anh chỉ ra rằng những điều này phản ánh điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây đã nhấn mạnh, đó là phát triển nhanh nhưng bền vững, với việc tiếp tục phát triển kinh tế, song là nền kinh tế xanh, tuần hoàn gắn với tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Đánh giá về thành tựu đối ngoại của Việt Nam, ông Kyril cho biết quan hệ đối ngoại phát triển đáng kể trong năm 2023, nổi bật là chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Việt Nam đã tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước bạn bè truyền thống trong khi không ngừng phát triển quan hệ quốc tế và thương mại, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với 193 nước. Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực trong các tổ chức quốc tế như Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Phong trào Không liên kết, Liên hợp quốc (LHQ) và Ủy ban sông Mekong. Ông Kyril nhấn mạnh thông qua các diễn đàn này, Việt Nam đã vận dụng trường phái “Ngoại giao cây tre” để mở rộng quan hệ, thiết lập các quan hệ đối tác mới trong khi vẫn duy trì an ninh, độc lập, tự do, thúc đẩy hòa bình, là một thành viên tích cực trong các cuộc thảo luận xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), ủng hộ độc lập, tự do của người dân trên toàn thế giới.
Theo ông Kyril, chính sách ngoại giao cây tre “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” được phát triển dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không chỉ thể hiện đường lối then chốt giữ vững độc lập, tự do của Nhà nước Việt Nam mà còn thể hiện mối liên hệ với nhân dân, “lấy dân làm gốc”. Ông nhấn mạnh các chính sách của Việt Nam, dù là chính sách đối ngoại hay quốc gia, đều được phát triển nhằm nâng cao điều kiện sống của người dân, phát triển đất nước và thúc đẩy hòa bình với các dân tộc khác.
Đề cập tới cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, ông Kyril cho biết đánh giá Việt Nam cũng xử lý tham nhũng mạnh mẽ, với nhiều đảng viên bị kỷ luật, khai trừ khỏi đảng, cách chức và phải đối mặt với những hậu quả do hành động của họ gây nên. Ông Kyril khẳng định Việt Nam đang thực hiện rất tốt chiến dịch chống tham nhũng, truyền cảm hứng cho các quốc gia, các đảng phái và các dân tộc trên toàn cầu.
Theo Baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/thoi-su/hoc-gia-anh-dang-cong-san-lanh-dao-viet-nam-tro-thanh-trung-tam-kinh-te-van-hoa-phat-trien-20240205114904757.htm