Học được gì từ chính sách cấm xe máy của Yangon và Quảng Châu?
Câu chuyện cấm tiệt xe máy ở Yangon
Nếu bạn có cơ hội đến cố đô Yangon của Myanmar, bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi không thấy nhiều xe máy. Trên thực tế, thành phố này đã cấm xe máy từ năm 2003 cũng như giới hạn việc sử dụng xe đạp điện trong các khu vực trung tâm Yangon.
Nguyên nhân chính thức được chính phủ công bố là nhằm đảm bảo an toàn giao thông cũng như trật tự xã hội.
Kể từ đây, các phương tiện giao thông quanh cựu thủ đô Yangon đã thay đổi đáng kể khi ô tô giá rẻ được nhập ồ ạt và được sử dụng trên đường phố. Những du khách nước ngoài đến Yangon chắc chắn sẽ phải giật mình bởi tỷ lệ ô tô sử dụng tại đây khi Myanmar mới chỉ được mở cửa trở lại sau thời gian dài biến động chính trị.
Năm 2015, Yangon có hơn 500.000 phương tiện xe cộ lưu thông trên đường phố, cao hơn nhiều so với 214.000 xe năm 2011 và chủ yếu là xe hơi. Hiện thành phố này có 349 tuyến xe buýt phục vụ cho 7 triệu người dân, tương đương mỗi chuyến xe cho khoảng 4.500-4.900 lượt khách mỗi ngày.
Một điều khá thú vị là Yangon có khoảng 100.000 taxi, chiếm 1/5 lượng xe hơi trên thành phố và nhiều gấp 6 lần so với New York. Trung tâm kinh tế của Mỹ hiện chỉ có 8 triệu người với 14.000 xe taxi.
Những cố gắng của chính phủ Myanmar là nhằm thay đổi bộ mặt thành phố Yangon cũng như giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Đây là xu hướng phát triển tất yếu của một thành phố dự kiến là trung tâm kinh tế, xã hội của đất nước sau này.
Tất nhiên, quá trình này của chính phủ còn gặp nhiều khó khăn khi lượng xe hơi nhập khẩu ồ ạt khiến tình trạng ùn tắc giao thông không được giải quyết. Hơn nữa, do thu nhập của người dân còn thấp nên dù giá ô tô rẻ hơn nhưng vẫn ngoài tầm với của nhiều hộ gia đình.
Chính phủ Myanmar đã xây dựng nhiều tuyến xe buýt nhằm giải quyết nhu cầu đi lại vẫn không có nhiều điểm trung chuyển trong thành phố, làm giảm tính thu hút đối với người dân. Đặc biệt, việc thiếu các cơ sở hạ tầng phục vụ cho xe hơi khiến ùn tắc giao thông vẫn là cơn ác mộng với nhiều người dân nơi đây.
Sắp tới đây, chính phủ Myanmar tiếp tục cho xây dựng thêm nhiều tuyến đường, mở rộng các tuyến đường cũ, xây cầu vượt, các trạm xe buýt nhanh... để cải thiện tình hình. Bất chấp nhiều thử thách, chính phủ Myanmar tin tưởng vào lộ trình mình đặt ra và từ chối dỡ bỏ lệnh cấm xe máy đã ban hành từ năm 2003.
Rất nhiều trường hợp chống lệnh cấm đi xe máy chui ở Yangon đã diễn ra, nhất là tầng lớp những người lao động nghèo chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập trước nhu cầu đi lại lớn của người dân. Trước tình hình này, phía cảnh sát Yangon cũng đã tăng cường mức phạt cho các hành vi vi phạm cũng như siết chặt quản lý giao thông trong thành phố.
Giải pháp của Quảng Châu
Cũng tương tự như Yangon, thành phố Quảng Châu cũng chịu áp lực rất lớn khi có quá nhiều xe máy nhưng chính quyền nơi đây áp dụng một biện pháp mềm mỏng hơn là ban hành lệnh cấm ngay lập tức. Vào năm 2003, thống kê của thành phố cho thấy đây là loại phương tiện được sử dụng phổ biến thứ 2 sau xe buýt.
Nghiên cứu của chính quyền thành phố cho thấy xe máy là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí cũng như tiếng ồn. Khi khởi động, tiếng ồn xe máy đạt 90-100 Db, cao gấp 31 lần so với ô tô. Trong khi đó, xe máy cũng chiếm tới 15,2% lượng Carbon Dioxide và 30,4% lượng Hydrocarbon ô nhiễm thải ra môi trường, cao hơn tổng số lượng khí thải do xe hơi và xe buýt trong thành phố cộng lại.
Không những thế, xe máy còn là nguyên nhân khiến bình quân mỗi ngày có 2 người tại Quảng Châu thiệt mạng do tai nạn giao thông. Khoảng 43,61% số vụ tai nạn và 47,1% số vụ cướp giật ở Quảng Châu năm 2003 có liên quan đến xe máy.
Trước tình hình này, thành phố Quảng Châu đã áp dụng chính sách siết chặt quản lý từ từ và đi tới cấm hoàn toàn xe máy. Kể từ năm 1995, chính quyền nơi đây đã từ chối cấp giấy phép lái xe mới cho bất kỳ xe máy nào.
Tiếp theo đó, những quy định như nâng mức phạt với các xe máy không đăng ký, buộc các xe đăng ký quá 15 năm phải ngừng lưu thông, cấm xe máy trong khu trung tâm... được ban hành từ năm 1995 đến năm 2004, qua đó giới hạn dần dần việc sử dụng loại hình phương tiện này.
Trên thực tế, chính phủ Quảng Châu không áp dụng hình thức cấm mạnh tay và triệt để như Yangon mà thực hiện theo 3 bước, từ giới hạn đăng ký xe đến giới hạn tuyến đường, giờ chạy và cuối cùng là cấm hoàn toàn vào năm 2007.
Thậm chí, những tuyên bố chính thức về việc cấm xe máy chỉ được biết đến rộng rãi vào năm 2004 khi chính quyền có những biện pháp ngày càng mạnh tay.
Trong khoảng thời gian này, Quảng Châu cũng mở thêm khoảng 50 tuyến xe buýt lộ trình ngắn nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển khoảng cách không quá xa của người dân, qua đó giải quyết vấn đề bất tiện khi dùng phương tiện công cộng.
Tất nhiên, chính phủ cũng có khoản bồi thường nhất định đối với những chủ xe máy tự nguyện từ bỏ phương tiện này. Tính đến tháng 5/2006, chính phủ Quảng Châu đã chi 920.000 USD để bồi thường cho các chủ xe máy.
Chính sách trên của Quảng Châu đã đem lại những hiệu quả rõ ràng khi tỷ lệ tai nạn giao thông giảm 17,5%, tỷ lệ tử vong do tai nạn giảm 2,2%, bị thương do tai nạn giảm 20,4% và hư hỏng, thiệt hại tài sản giảm 42,3%.
Thậm chí, tỷ lệ tội phạm sau khi chính sách này được thực hiện tại Quảng Châu cũng giảm 15,3% vào năm 2007 so với cùng kỳ năm trước, trong khi tỷ lệ cướp giật giảm 44,3%.
Gần 20% số người sử dụng xe máy đã chuyển sang dùng xe hơi và tỷ lệ tương đương đối với những người chuyển sang xe đạp. Khoảng 10% số người quyết định đi bộ và dùng xe buýt.
Băng Tâm