Hồ Văn Lai - Vượt qua nỗi đau bom mìn
Ám ảnh tuổi thơ
Khách đến Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn của Dự án RENEW/ NPA đều xúc động khi nghe Hồ Văn Lai chia sẻ về nỗi đau chiến tranh giữa thời bình. Đến giờ, bóng đen chiến tranh vẫn còn ở lại trên mảnh đất Quảng Trị, dưới hình hài những quả bom lẩn khuất trong từng lớp đất, cánh rừng, con suối…Một thời, nhiều đứa trẻ lên 10 như Lai vẫn tưởng những quả bom rỉ rét kia vô hại như bao thứ đồ chơi khác. Đến năm 2000, khi vụ tai nạn bom mìn đầy ám ảnh xảy ra, suy nghĩ non nớt ấy của Hồ Văn Lai cũng như các cô cậu bé miền chân sóng mới thay đổi. Đó là một buổi chiều yên ả cuối tháng 6, trong lúc đang chơi đùa cùng 3 người em, Lai lấy đá gõ vào quả bom vô tình nhặt được. Một tiếng nổ khô khốc vang lên cướp đi sự sống hai người em họ của Lai và khiến cậu bị thương nặng.
Hồ Văn Lai vẫn nhớ như in phút giây kinh hoàng sau vụ tai nạn bom mìn năm ấy. Bấy giờ, Lai chỉ cảm thấy người nóng ran, như bị thiêu đốt từ bên trong. Không gian quanh cậu đặc quánh mùi máu và thuốc nổ, vẳng đâu đây là tiếng người kêu khóc. Sau bốn ngày mê man, Lai tỉnh dậy trong bệnh viện trước sự ngỡ ngàng của các y bác sĩ. Thấy cậu vượt qua cửa ải đầu tiên của tử thần nhưng không ai dám mừng bởi biết nỗi đau đớn tận cùng chỉ mới là khởi điểm. Bốn tháng trời nằm trong bệnh viện, Lai không nhớ hết số ca phẫu thuật và những lần chết đi, sống lại. Cơn đau hành hạ cậu ngay cả trong giấc mơ. Tuy nhiên, đó mới chỉ là nỗi đau thể xác.
Hồ Văn Lai tìm đọc nhiều sách, báo để phục vụ tốt hơn cho công việc của mình
Rời viện với thương tật trên 86%, Hồ Văn Lai tiếp tục đối diện với chuỗi ngày nặng trĩu. Niềm khao khát sống trong những ngày nằm viện rơi rụng dần. Cậu không thể tự lo liệu những công việc dù là nhỏ bé, đơn giản nhất. Trái tim Lai như bị bóp nghẹt mỗi lần nhìn đôi tay, đôi chân không lành lặn. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới vậy mà cậu hiếm khi có giấc ngủ ngon. Mỗi lần đặt lưng xuống chiếc giường nhỏ, Lai lại giật mình tỉnh giấc vì nghe những tiếng nổ không biết từ đâu dội lại. Suốt mấy tháng trời, đêm đêm, ngôi nhà nhỏ của gia đình Lai phải sáng điện. Mọi máy móc, đồ dùng phát ra tiếng động lạ được cất kĩ vì sợ làm cậu hoảng loạn thêm. Điều đặc biệt là nỗi đau tinh thần không thể làm dập tắt được ngọn lửa hiếu học trong Lai. Vượt qua mặc cảm về một cơ thể không lành lặn, cậu xin ba mẹ đi học sau những dài ở nhà chữa trị vết thương.
Những ngày đầu học lớp tiền hòa nhập tại thành phố Đông Hà, Lai rất sốc bởi đôi mắt không còn nhìn rõ giấy trắng, bảng đen và bàn tay trở nên… bất lực. Sự cảm thông của giáo viên và những người bạn khuyết tật khác trong lớp cũng khiến cậu ngại ngùng, thậm chí có lúc sợ hãi. Thế nhưng, Lai không cho phép mình bỏ cuộc. Sau 3 năm tiền hòa nhập, Lai trở về ngôi trường ở quê nhà, bền bỉ bước trên con đường học vấn. Tốt nghiệp THCS, Lai cơm đùm, gạo bới vào thành phố Đông Hà trọ học, rồi sau đó bước chân đến giảng đường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Hành trình của cậu bé mang trên mình nỗi đau bom mìn khiến nhiều người rất bất ngờ, khâm phục.
Vươn lên từ nỗi đau
Sau lần gặp đầu tiên tại căn nhà trọ nhỏ bé, ẩm thấp nằm trên đường Lê Lợi, chúng tôi bất ngờ khi gặp Hồ Văn Lai tại Trung tâm Trưng bày Hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn của Dự án RENEW/NPA. Lai không thay đổi gì nhiều, chỉ có nụ cười là rạng rỡ hơn. Cậu chia sẻ, vì hoàn cảnh không cho phép nên gần bốn năm trước đã ngậm ngùi gác lại ước mơ trở thành chuyên gia công nghệ thông tin. Trong khi đang loay hoay tìm việc để nuôi sống bản thân, Lai bất ngờ nhận được lời mời từ Dự án RENEW/NPA. “Đúng là khi một cánh cửa đóng lại thì một cánh cửa khác sẽ mở ra. Không ngờ một cậu bé từng bị bom mìn cướp đi sự lành lặn, ám ảnh bởi những tiếng nổ như em lại có ngày trở thành tuyên truyền viên phòng tránh tai nạn bom mìn. Đây là công việc hết sức ý nghĩa. Càng làm, em càng yêu công việc của mình hơn”, Lai chia sẻ.
Hồ Văn Lai chăm sóc những cây xương rồng bát tiên ở trung tâm
Một ngày của Hồ Văn Lai bắt đầu từ 5 giờ sáng với việc vệ sinh cá nhân và ra chợ, chuẩn bị đồ ăn để mang đi làm. Sau đó, cậu lên chuyến xe buýt sớm nhất đến thành phố Đông Hà để bắt đầu một ngày bộn bề công việc. Những vị khách mà Lai đón tiếp tại trung tâm phần lớn là các em học sinh. Những ngày đầu chưa quen với công việc, cậu hồi hộp đến mức mồ hôi tứa ra như tắm. Chuyện đứng cả tiếng đồng hồ để chia sẻ về thực trạng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn; nỗi đau do bom mìn gây ra; cách phòng tránh tai nạn bom mìn; những nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn… là thử thách không nhỏ đối với một người khuyết tật như Lai. Thế nhưng, cậu đã vượt qua thử thách ấy. Lai thích thú khi thường xuyên gặp gỡ nhiều người bạn mới, ngắm nhìn từng gương mặt, ánh mắt... và được chia sẻ với họ những điều bổ ích. Để truyền đạt thông tin tốt hơn, cậu cố nói chậm lại, tròn vành, rõ chữ; đọc nhiều tài liệu, sách, báo; không ngại ngần khi chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình…Lai chinh phục mọi người bằng sự chân chất, mộc mạc. Có lẽ vì thế mà ngày có càng nhiều vị khách đến trung tâm và chia sẻ mong muốn gặp cậu.
Trước kia, Hồ Văn Lai vẫn nghĩ, cuộc đời mình chỉ có thể sang trang khi học thật giỏi và trở thành một chuyên gia công nghệ thông tin. Từ ngày gắn bó với Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, suy nghĩ ấy đã hoàn toàn thay đổi. Lai ngày càng thấy yêu công việc của mình hơn. Công việc ấy không chỉ đơn thuần giúp Lai có thêm khoản tiền nhỏ đỡ đần ba mẹ mà nó còn giúp chữa lành những vết thương còn động lại trong trái tim Lai sau vụ tai nạn bom mìn cách đây gần 20 năm. Đi nhiều, gặp nhiều, học hỏi nhiều, Lai thấy mình còn may mắn, bởi được sống và cống hiến. Đặc biệt, cậu đón nhận rất nhiều tình cảm của đồng nghiệp, du khách. Tình cảm ấy thể hiện giản dị ở cốc nước mát lạnh anh quản lí đưa cho Lai sau quãng đường khá xa từ điểm dừng xe buýt đến trung tâm; ở những chiếc kẹo mà các em nhỏ chìa ra tặng sau buổi trò chuyện; lời động viên từ những vị khách lớn tuổi… Chính những điều đó giúp Lai vững vàng vượt qua những khó khăn, thử thách để gắn bó với công việc.
Chia tay chúng tôi, Lai tiễn ra con đường chính dẫn vào trung tâm. Đưa cánh tay chằng chịt vết thương do bom mìn gây ra ngày nào, Lai giới thiệu về những cây xương rồng bát tiên mà các cán bộ Dự án RENEW/NPA kì công trồng trên những thân bom đạn đã được lấy ngòi nổ. Lai chia sẻ với tôi câu chuyện mình từng nghe các vị khách nước ngoài kể về loài cây này. Câu chuyện của Lai không gợi cho tôi những liên tưởng xa xôi mà bất chợt nghĩ đến những nạn nhân bom mìn như cậu. Giữa thời bình, máu và nước mắt của Lai rơi vì bom mìn sau chiến tranh. Giữa rất nhiều nỗi đau, Lai không cho phép mình bị gục ngã mà chọn cách đứng dậy để sống đẹp như những cây xương rồng bát tiên đang vươn vai, tỏa sắc dưới ánh mặt trời.
Quang Hiệp