Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ: 15 năm một chặng đường
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Chủ tịch Hội Việt – Mỹ Nguyễn Tâm Chiến cho biết, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ được nối lại từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 7/1995; tuy nhiên, từ năm 1996 – 2001, hoạt động thương mại hai chiều và đầu tư của Mỹ vào Việt Nam chưa có chuyển động tích cực. Tháng 5/1996, Mỹ gửi Việt Nam Dự thảo Hiệp định Thương mại song phương Việt – Mỹ.
Ông Nguyễn Tâm Chiến - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ (bên phải) phát biểu tại buổi gặp gỡ
Ông Nguyễn Tâm Chiến nhấn mạnh, sau 4 năm thảo luận, đàm phán, Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ đã được ký kết ngày 13/7/2000, có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2001, đánh dấu bước tiến lịch sử trong quá trình quan hệ Việt – Mỹ sau 5 năm bình thường hóa. Đến nay, sau 15 năm thực hiện Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ, hợp tác kinh tế luôn là điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước.
Tại buổi gặp gỡ, các đại biểu sôi nổi thảo luận, đánh giá thành tựu 15 năm thực hiện Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ. Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, qua 15 năm thực hiện Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Mỹ (BTA) quan hệ thương mại giữa hai nước đã đạt những kết quả tích cực, song đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hai nước.
Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại
Ông Trương Đình Tuyển cho biết, Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ có phạm vi điều chỉnh rộng hơn nhiều so với các hiệp định thương mại mà nước ta đã ký với một số nước, quy định chi tiết cam kết mở cửa thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thương mại liên quan đến đầu tư và thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của công dân và pháp nhân hai nước Việt Nam và Mỹ.
Ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh, trong quá trình Việt Nam đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nước ta đồng thời phải tiến hành đàm phán đa phương và song phương với một số nước thành viên có yêu cầu; trong đó, Mỹ là nước thành viên có tiếng nói quan trọng đối với sự tham gia của bất kỳ quốc gia nào vào tổ chức thương mại lớn nhất thế giới.
Ông Bùi Văn Nghị – Phó Trưởng ban phụ trách Ban châu Mỹ thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thảo luận tại buổi gặp gỡ
Mặc dù đã có Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ, nhưng phía Mỹ vẫn yêu cầu Việt Nam đàm phán với Mỹ, bởi vì việc Việt Nam gia nhập WTO không những có quan hệ đến hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước, mà còn liên quan đến lợi ích của Mỹ về thương mại với Việt Nam và với các nước thành viên khác của WTO. Sau thời gian đàm phán với Mỹ, ngày 31/5/2006, tại TP. HCM, Việt Nam và Mỹ đã ký Thỏa thuận song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. Thỏa thuận này là sự bổ sung cho BTA, là điều kiện có tính quyết định để ngày 11/1/2007 nước ta là thành viên thứ 150 của WTO.
Theo ông Trương Đình Tuyển, sau khi ký kết BTA, từ năm 2005, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã được phân phối khá đồng đều trên bốn thị trường chính là Mỹ, EU, ASEAN và Nhật Bản. Đây là dấu hiệu tích cực đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, do thị trường được mở rộng và đa dạng hơn, nên hạn chế được rủi ro khi chỉ phụ thuộc vào một vài thị trường chính. Việc thực hiện BTA đã gia tăng nhanh chóng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa hai nước. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ liên tục tăng.
Quang cảnh buổi gặp gỡ
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê năm 2015, Mỹ hiện là một trong 5 bạn hàng lớn nhất của Việt Nam; kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Mỹ đạt 41,43 tỷ USD, chiếm 12,64% giá trị thương mại của Việt Nam với tất cả các đối tác trên toàn thế giới. Dự kiến thương mại Việt Mỹ sẽ tăng lên đến 57 tỷ USD vào năm 2020.
Đến nay, sau 15 năm thực hiện Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ đã tạo nên môi trường thuận lợi để mối quan hệ giao thương giữa hai quốc gia với tốc độ tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, cả Mỹ và Việt Nam đang nỗ lực hoàn tất phê chuẩn thực hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo đó, TPP có thể đưa quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ sang một chương mới, có thể đưa kim ngạch thương mại song phương tăng lên 57 tỷ USD vào năm 2020.
Đại Sơn