Hành trình đặc nhiệm Anh giả gái "qua mặt" Taliban để đến sân bay Kabul
Những phụ nữ mặc trang phục truyền thống che kín mặt. Ảnh minh họa/ Sputnik |
Theo Daily Star, sau khi quân đội Mỹ,NATO rút dần lực lượng và Taliban bắt đầu cuộc tiến công thần tốc, một đơn vị gồm 20 binh sĩ thuộc lực lượng Đặc nhiệm Không quân (SAS) của quân đội Anh đã nhận được lệnh chuẩn bị cho một cuộc hành quân tới thủ đô Kabul để sơ tán khỏi Afghanistan.
Các đặc nhiệm được thông báo rằng, sẽ không có máy bay trực thăng nào đưa họ ra khỏi miền nam Afghanistan - nơi họ đang đóng quân để thực hiện nhiệm vụ bí mật.
Những người lính tinh nhuệ này đã buộc phải bỏ lại hầu hết thiết bị quân sự và lên phương án sơ tán. Họ mua 5 xe taxi và lái hàng trăm km đến thủ đô Kabul. Tuy nhiên, do tuyến đường tới Kabul có nhiều chốt chặn của Taliban, các đặc nhiệm Anh được cho là đã tranh thủ sự giúp đỡ của cảnh sát chống khủng bố Afghanistan.
Cụ thể, phía Afghanistan đã cung cấp cho đặc nhiệm Anh nhiều bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Afghanistan với màu sắc khác nhau. Bộ trang phục này giúp che kín toàn bộ cơ thể từ đầu xuống chân.
Đoàn xe taxi chở các binh sĩ Anh sau đó đã lên đường tới Kabul. Họ đã vượt qua được các trạm kiểm soát của Taliban bằng cách vẫy cờ của lực lượng này và đóng giả là những người phụ nữ sùng đạo, đến Kabul để ăn mừng sự trở lại của Taliban sau khi lật đổ thành công chính phủ Afghanistan.
Các tay súng Taliban đứng gác bên ngoài sân bay Hamid Karzai ở Kabul. Ảnh: Reuters
Khi đến Kabul, các binh sĩ Anh tiếp tục lái xe tới sân bay. Họ phải đi qua một số trạm kiểm soát khác, nhưng cuối cùng cả đội cũng đến được cánh cổng, nơi họ gặp các lính gác Mỹ. Một binh sĩ SAS đã tới gặp một trong số lính Mỹ đứng gác cổng và thông báo họ là "lực lượng đặc nhiệm của Anh".
"Một binh sĩ Mỹ đã chết lặng và nói: Nhắc lại xem nào?", nguồn tin kể lại.
Sau đó, đơn vị đặc nhiệm Anh được dẫn vào một căn phòng. Tại đây, họ cởi bỏ bộ trang phục của phụ nữ và liên lạc với một sĩ quan Anh.
Được biết, trong chiến dịch sơ tán, Anh đã đưa hơn 15.000 người ra khỏi Afghanistan, trong đó có hơn 5.000 công dân nước này.
Chiếc máy bay cuối cùng của lực lượng Không quân Anh đã cất cánh khỏi sân bay Hamid Karzai vào ngày 28/8. Tuy nhiên, hàng nghìn người đủ điều kiện đến Anh được cho là đã bị bỏ lại vì không thể đến sân bay Kabul.