Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường
Theo ghi nhận của chúng tôi trong ba ngày cuối tuần 8 – 10/1, những mặt hàng này dường như không mang một “dấu ấn” nào của hàng trong nước mà đa số đều là hàng Trung Quốc và hàng không nhãn mác, không thương hiệu.
Từ chợ…
Chợ Bình Tây (quận 6) được xem là chợ đầu mối chuyên cung cấp, bán lẻ mỹ phẩm với giá sỉ siêu rẻ. Tại quầy T. , hơn chục loại nước hoa với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Lancôme, CK, Chanel, Versace… được thiết kế rất tinh xảo.
Hàng Trung Quốc đủ loại tràn ngập thị trường. Ảnh: TL
Tuy nhiên nhìn kỹ thì các lọ nước hoa đều đựng trong chai nhựa màu chứ không phải bằng chai thuỷ tinh, không hề có nhãn mác, xuất xứ.
Tại chợ Bình Long (quận Bình Tân, TP.HCM), “mỹ phẩm trải bạt” luôn rộn ràng người mua. Tại đây, chúng tôi dễ dàng tìm thấy nhiều mỹ phẩm như sữa rửa mặt, phấn trang điểm, kem chống lão hoá, bút chì kẻ môi – mắt với nhiều thương hiệu tên tuổi như: Maybelline, Estee Lauder, B.B… giá chỉ từ 80.000 – 100.000 đồng/sản phẩm tuỳ lớn nhỏ.
Chị Hiền (khách mua hàng) cho biết: “Không biết có phải hàng chính hãng hay không nhưng giá quá rẻ, hợp với túi tiền nên tôi mua dùng thử. Tôi nghĩ chỉ dùng ngoài da, vả lại chỉ dùng mấy ngày tết hoặc đi tiệc nên chắc cũng không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ”.
Có mặt tại chợ Tân Bình (quận Tân Bình) vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, khách hàng chỉ cần dừng xe là có thể tìm mua được sản phẩm theo ý thích. Từ mặt hàng đồ lót, mũ nón, quần áo, giày dép… đều được tiểu thương trưng ra mặt đường.
Bà Mỹ (kinh doanh đồ bơi) cho biết: “Hàng ở đây đa số đều không có nhãn mác. Hầu hết đồ ở chợ này chủ yếu bán sỉ, người mua đi bán lại thường bấm thêm thương hiệu vào để nâng giá. Nhưng tui nói thiệt, gần như hàng đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ai bán giới thiệu là hàng Hong Kong, Đài Loan… là họ tự nói chứ có ai kiểm chứng đúng hay sai đâu”.
Ngay cả các trung tâm thương mại như Taka Plaza, Saigon Square chúng tôi cũng bắt gặp rất nhiều giỏ xách, giày dép nhái các thương hiệu tên tuổi. Ông Trường (chủ ba kiốt tại Saigon Square) thầm thì: “Nói thiệt ở đây 100% là hàng Trung Quốc. Do gần tết, ai cũng có nhu cầu mua sắm nên cái nào rẻ đẹp thì họ chọn thôi”.
Quả thật, chiêu giải thích nguồn gốc hàng hoá như vậy gần như là bài thuộc nằm lòng của tất cả dân kinh doanh. Ai cũng cho đó là hàng trong nước nhưng không thể cung cấp được địa chỉ cụ thể nơi sản xuất.
Bà Nguyên Hạnh (chủ cửa hàng giày búp bê Hạnh, quận 10) lý giải: “Với những mặt hàng như quần áo, giày dép, chăn mền… đang bán đổ đống đầy các vỉa hè với giá cực rẻ thì người tiêu dùng (NTD) rất khó phân biệt được đâu là hàng Việt Nam, Trung Quốc. Khi mua hàng cũng không có hoá đơn, nếu phát hiện hàng dỏm thì biết kiện ai. Mùa tết, ai cũng có tâm lý sắm sửa đồ mới nên sẽ là cơ hội rất thuận lợi cho những mặt hàng không nguồn gốc xuất xứ, hàng dỏm trà trộn “móc túi” NTD”.
Ra tới vỉa hè
Đoạn đường Bình Thới giáp với đường Ông Ích Khiêm (quận 11) chỉ chừng một cây số nhưng có tới hơn 20 điểm bán quần áo vỉa hè. Từ thời trang trẻ em đến thời trang nam – nữ với đủ các thể loại mặc nhà, công sở, dạo phố… thu hút khách đi đường.
Ghé vào một sạp chuyên đồ jeans có giá cực sốc, chỉ 99.000 đồng/cái cho tất cả các mặt hàng, sau khi lần giở lớp ngoài lớp trong vẫn không thấy địa chỉ sản xuất. Người bán hàng tên Thanh phân trần: “Đây là hàng xuất của công ty thanh lý, tụi em mua sỉ để bán rẻ cho khách”.
Tiếp tục ghé vào tiệm giày trên đường Hoà Bình (quận Tân Phú) đang có chương trình “sale khủng” mua 1 tặng 1, chúng tôi để ý thấy hàng ở đây đều gắn mác China.
Hỏi chủ cửa hàng về nguồn hàng, ông chủ cho biết, hàng của xưởng gia đình làm, cuối năm thanh lý hàng tồn, mẫu cũ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Còn về dòng chữ “made in China” là do hàng chủ yếu xuất đi Trung Quốc, Thái Lan nên mới có chữ đó chứ không phải là giày Trung Quốc (?).
Hàng fake đại hạ giá đa phần đều là hàng Trung Quốc. Ảnh: TL
Trên những con đường lớn như Cộng Hoà (quận Tân Bình), Lý Thái Tổ (quận 10), Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), Quang Trung (quận Gò Vấp), khu vực quanh công viên văn hoá Đầm Sen (quận 11)… các cửa hàng mỹ phẩm di động mọc lên như nấm.
Con đường mua sắm Nguyễn Trãi (quận 5, TPHCM) thời điểm này cũng kín mít các gian hàng giảm giá. Khách đến đây có thể “tậu” cho mình đủ mọi thứ từ giỏ xách, khăn choàng, trang sức, phụ kiện…
Chị Mỹ Hạnh (nhân viên văn phòng quận 3) bộc bạch: “Lo sợ hàng Trung Quốc, tôi chọn sản phẩm của Việt Nam nhưng tìm “đỏ mắt” cũng không ra. Đến những cửa hàng có thương hiệu trong nước thì giá quá cao, hoặc nếu có hàng giá rẻ thì chất liệu và mẫu mã đều không đẹp. Bây giờ, hàng Việt Nam không còn ở thế độc tôn nữa, sắp tới, hàng hoá các nước sẽ ồ ạt vào nước ta theo con đường chính ngạch, nếu đẹp và vừa túi tiền thì tôi sẽ chọn mặc dù tôi rất ủng hộ hàng Việt”.
“Chỉ mong sao lúc đó hàng hoá trong nước sẽ thay đổi…”, chị Hạnh thở dài.
Theo Tiếp Thị Thế Giới