Hàng trăm tài xế Vinasun tập trung trước Toà án TP. HCM, giăng biểu ngữ yêu cầu Grab bồi thường
Hàng trăm tài xế Vinasun mang khẩu hiệu, tập trung trước Tòa án Nhân dân TPHCM
Sáng ngày 24/9, TAND TP. HCM mở phiên toà xét xử vụ án "yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab).
Tuy nhiên, trước khi phiên tòa diễn ra, ngay từ sáng sớm hàng trăm tài xế Vinasun đã có mặt tại sân toà để phản đối Grab. Các tài xế tạm gác công việc lái xe để đến toà giăng biểu ngữ, cầm bảng hiệu phản đối Grab và yêu cầu ứng dụng gọi xe công nghệ này phải được quản lý như taxi truyền thống.
Hàng trăm tài xế Vinasun tập trung trước toà để phản đối Grab.
"Anh em taxi chính thống đòi cuộc chơi công bằng", "Hiệp hội taxi truyền thống tại TP. HCM mong Nhà nước quản lý Grab như taxi",… là những dòng khẩu hiệu được ghi lên các tấm bìa carton được các tài xế cầm, giơ cao trước sân toà.
Được biết, đây là hành động gây áp lực của tài xế Vinasun nhằm mục đích đòi quyền lợi cho mình. Tuy nhiên nhiều người dân đi ngang qua TAND TP đều cho rằng đây là hành động rất không đẹp của phía Vinasun vì tụ tập, lớn tiếng nơi cơ quan công quyền.
Đây là lần thứ 3 phiên tòa được mở, tuy nhiên cũng như 2 lần trước, phiên toà lần này tiếp tục bị hoãn xét xử.
Khi bắt đầu phiên toà xét xử sáng nay, luật sư Nguyễn Thanh Vân (bảo vệ quyền lợi của bị đơn) cho rằng Grab đã thu thập tài liệu theo yêu cầu của tòa nhưng cần thời gian khoảng một tháng để xem xét, thẩm định lại hồ sơ. Vì thế, luật sư bảo vệ quyền lợi cho Grab đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.
Họ yêu cầu và mong muốn Nhà nước quản lý Grab như taxi truyền thống.
Sau khi xem xét đề nghị của Grab, HĐXX công bố hoãn phiên tòa và thông báo phiên xét xử vụ kiện này sẽ được mở lại vào ngày 17/10 tới đây.
Ngồi trong phòng xử, hàng trăm tài xế đã phản ứng gay gắt quyết định hoãn xử phiên toà của HĐXX. Nhiều người có mặt trong phòng xử cho rằng đây là hành động không đẹp của các tài xế vì có phản ứng như vậy và khuyên nên tôn trọng HĐXX.
Theo đơn khởi kiện của Vinasun, Grab hoạt động tại thị trường Việt Nam thông qua "Quyết định 24" của Bộ GTVT về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, tức cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải.
Tuy nhiên, phía Vinasun khẳng định trên thực tế Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, cùng ngành nghề với Vinasun.
Nhiều tài xế tạm gác việc lái xe đến tham gia phiên toà và lên tiếng phản đối Grab.
Đại diện Vinasun tại phiên toà sáng nay.
Vì Grab tự quyết định giá cước vận chuyển; quyết định các chương trình khuyến mại về giá cước vận chuyển; nhận tiền thanh toán cước vận chuyển từ khách hàng đi taxi sử dụng thẻ dịch vụ Grab; có chế độ thưởng, phạt tài xế, kiểm soát hành vi, thái độ của tài xế với khách hàng đi taxi; mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho khách hàng đi Grab.
Vinasun cũng cho rằng, khoản lợi nhuận của công ty bị giảm là do hoạt động kinh doanh trái pháp luật Việt Nam của Grab. Vì vậy, Vinasun khởi kiện GrabTaxi với nội dung đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút là hơn 41 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017, với hình thức bồi thường một lần.
Lý do Grab vắng mặt và đề nghị hoãn phiên toà vụ bị Vinasun kiện
Liên quan đến tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Vinasun và nói về phiên toà sáng nay, đại diện Grab tại Việt Nam cho biết, trước đó, ngày 10/9, Grab nhận được Quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 24/9.
Nhiều tài xế phản ứng gay gắt khi toà hoãn phiên xét xử hôm nay.
Tuy nhiên, sau đó Grab đã có đơn khiếu nại gửi đến TAND Cấp cao tại TP. HCM khiếu nại đối với Quyết định giải quyết khiếu nại số 534/2018/QĐ-GDKN (Quyết định 534) của Chánh án TAND TP. HCM liên quan đến Quyết định trưng cầu giám định số 2819/2018/QĐ-TCGĐ (Quyết định 2819) do Công ty Cổ phần Thẩm định - Giám định Cửu Long (Công ty Cửu Long) giám định thiệt hại trong vụ kiện mà Vinasun nói mình bị thiệt hại.
Grab cho rằng, lẽ ra TAND TP. HCM phải đợi có quyết định giải quyết khiếu nại trên hoặc quyết định huỷ bỏ Quyết định 2819 và trưng cầu tổ chức giám định khác mới tiếp tục mở phiên toà xét xử vào ngày hôm nay (24/9).
Theo Grab, đơn vị này lo ngại nếu vụ án được đưa ra xét xử trước khi Chánh án TAND Cấp cao tại TP. HCM quyết định việc trưng cầu Công ty Cửu Long có hợp pháp hay không, có thể sẽ dẫn đến khả năng TAND TP.HCM sẽ đưa ra phán quyết bất lợi cho Grab.
Ngoài ra, ngày 11/09/2018, Grab mới được tiếp cận và sao chụp Báo cáo giám định của Công ty Bửu Long với hơn 5.000 trang.
Grab cho biết, sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước các vu khống, cáo buộc vô căn cứ của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Với số lượng tài liệu khổng lồ trên, cộng với các tài liệu khác từ cơ quan có thẩm quyền mà Tòa đã thu thập được trong thời gian vừa qua, Grab không đủ thời gian nghiên cứu, đánh giá tài liệu và thuê đơn vị chuyên môn phù hợp để hỗ trợ phân tích, báo cáo giám định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình tại phiên tòa.
"Với những thông tin còn chưa được làm rõ, cùng với thời gian không đủ để thực hiện phân tích pháp lí như đã nêu trên, chúng tôi đã đề nghị được quyền không tham dự phiên xét xử dự kiến ngày 24/9. Qua đó, yêu cầu TAND TP. HCM dời ngày xét xử và được đơn vị này chấp thuận", đại diện Grab nói.
Đơn vị này cũng khẳng định đang tích cực hợp tác cùng Tòa để giải quyết vụ việc và sẽ tiến hành các hành động pháp lý phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước các vu khống, cáo buộc vô căn cứ của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Về vấn đề tài xế Vinasun tập trung trước toà gây áp lực về vụ kiện, phía Grab từ chối bình luận về hành động này.