Hàn Quốc sử dụng ứng dụng đa ngôn ngữ để giảm bạo hành trong gia đình đa văn hóa
Bộ trưởng Phụ nữ và gia đình Lee Jung-ok, thứ hai từ phải sang, tham dự một cuộc họp ngày 20/11 liên quan đến vụ việc cô dâu Việt bị người chồng Hàn Quốc sát hại, giấu xác ở cánh đồng hôm 16/11. Ảnh: Yonhap |
Đàn ông Hàn Quốc đã có án tích về tội bạo hành gia đình sẽ không có khả năng bảo lãnh hay tái hôn với người nước ngoài. Các cô dâu nước ngoài bị bạo lực gia đình sẽ có thể dễ dàng báo cáo với cảnh sát thông qua một ứng dụng đa ngôn ngữ, chính phủ nước này tuyên bố ngày 22/11.
Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc sẽ triệt phá các trung tâm môi giới hôn nhân quốc tế chưa đăng ký, tờ Korea Times đưa tin.
Bộ Phụ nữ và gia đình Hàn Quốc cũng đã công bố các biện pháp triệt để hơn nhằm bảo vệ phụ nữ nước ngoài khỏi bạo lực gia đình. Các chính sách được đưa ra bởi một nhóm các chuyên gia, được triển khai ngay sau khi một video clip ghi lại cảnh một người đàn ông Hàn Quốc bạo hành người vợ Việt Nam ngay trước mặt con trai lan truyền rãi vào tháng 7 vừa qua.
"Thông qua các biện pháp này, chúng tôi sẽ giúp phụ nữ nhập cư ổn định và chứng minh họ hoàn toàn có thể hòa nhập như một thành viên của xã hội", Bộ trưởng Phụ nữ và gia đình Lee Jung-ok nói. "Chúng tôi cũng sẽ có hình phạt nghiêm khắc đối với các vi phạm của các trung tâm môi giới hôn nhân quốc tế."
Trước hết, đàn ông Hàn Quốc sẽ bị cấm bảo lãnh cho các cô dâu nước ngoài xin visa kết hôn nếu họ có án tích về tội bạo hành gia đình, tấn công tình dục hoặc lạm dụng trẻ em trong vòng 10 năm qua, bà nhấn mạnh.
Một ứng dụng báo cáo bạo lực gia đình sẽ được thiết lập và có sẵn bằng 13 ngôn ngữ. Thêm vào đó, một đường dây nóng cũng được đã thiết lập. Nhân viên xã hội đến thăm nhà các vợ chồng đa văn hóa sẽ báo cáo bất kỳ dấu hiệu bạo lực gia đình nào cho cảnh sát. Bộ Phụ nữ và gia đình Hàn Quốc cũng sẽ mở thêm các trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho các cô dâu nước ngoài bị bạo hành.
Đối với các công ty môi giới hôn nhân bất hợp pháp coi các cô dâu nước ngoài như một món hàng trong quảng cáo hoặc bài đăng nhắm tới đối tượng là những đàn ông Hàn Quốc lớn tuổi, Cơ quan Cảnh sát quốc gia nước này sẽ hợp tác với lực lượng Interpol đóng cửa các trang web của họ thông qua các máy chủ tại nước ngoài.
Các trung tâm hỗ trợ do Bộ Phụ nữ và gia đình tài trợ cũng sẽ mở thêm các lớp bình đẳng giới cho các cặp vợ chồng đa văn hóa.
Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn cao nhất
Theo số liệu của Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc, số cặp vợ chồng đa văn hóa đăng ký kết hôn tại nước này trong năm 2018 là 23.773 cặp, tăng 8,5% so với năm 2017. Trong số đó, trường hợp vợ là người Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất.
Tổng số cặp kết hôn ở Hàn Quốc trong năm 2018 là 258.000, giảm 2,6% so với năm 2017. Trong đó, các cặp vợ chồng đa văn hóa chiếm 9,2%, tăng 0,9% so với năm trước đó.
Trong đó, trường hợp vợ là người nước ngoài chiếm tỷ lệ nhiều nhất là 67%, trường hợp chồng là người nước ngoài chiếm 19,6% và trường hợp có vợ hoặc chồng đã nhập tịch là 14,6%.
Xét theo quốc tịch, trường hợp vợ là người Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất là 30%. Tiếp sau đó là vợ người Trung Quốc (26,1%), Thái Lan (6,6%).
Số gia đình đa văn hóa có vợ là người Việt Nam lần đầu vượt qua Trung Quốc năm 2016, và ngày càng chênh lệch lớn hơn. Trường hợp có chồng là người Trung Quốc chiếm 9,4%, sau đó đến Mỹ (6,2%) và Việt Nam (2,5%).
Một báo cáo cho thấy ít nhất 22 người vợ ngoại quốc đã bị sát hại bởi chính chồng hoặc gia đình nhà chồng trong 12 năm qua. Mới tuần trước, một cô dâu Việt Nam, 29 tuổi, đã bị người chồng Hàn Quốc sát hại tại thành phố Yangju, tỉnh Gyeonggi, phía bắc Seoul, ba tháng sau khi kết hôn.
Tháng 7 vừa qua, một đoạn video đã lan truyền trên các mạng xã hội ghi lại cảnh một người đàn ông Hàn Quốc đấm đá người vợ Việt trước sự chứng kiến của người con trai hai tuổi của họ. Người phụ nữ bị gãy xương sườn cùng nhiều vết thương khác và đã phải nằm viện bốn tuần.
Trong một cuộc khảo sát năm 2017 của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc, cứ bốn trong số 10 người vợ ngoại quốc tiết lộ đã phải chịu bạo lực gia đình.
Nhiều người vợ nhập cư không báo cáo các vụ bạo lực gia đình, do lo sợ sẽ không thể gia hạn visa cư trú mà không có sự hỗ trợ của chồng. Để xóa tan nỗi sợ hãi này, Bộ Bộ Phụ nữ và gia đình Hàn Quốc sẽ thành lập một hội đồng gồm các giáo sư và luật sư đặc biệt để đánh giá từng trường hợp cụ thể và trao quyền công dân cho những người vợ nếu lỗi ly hôn thuộc về người chồng./.